,

Trong ngành

Áp dụng IPHM, giảm hàng loạt chi phí, lợi nhuận tăng 7 triệu đồng/ha

Mô hình áp dụng quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) trên lúa đông xuân giúp lúa rất sạch sâu bệnh, giảm được lượng lớn vật tư, năng suất tăng 2,4 tạ/ha...

Ngày 11/6, Cục Bảo vệ thực vật (BVTV) tổ chức hội nghị đầu bờ khóa đào tạo giảng viên quốc gia quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (TOT-IPHM) trên lúa vụ xuân 2022. Hội nghị được tổ chức tại xã Việt Hưng, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên.

Giảm vật tư, năng suất tăng 2,4 tạ/ha

Theo Trung tâm BVTV phía Bắc, khóa đào tạo TOT-IPHM diễn ra trong thời gian 115 ngày với cách thức: Một tuần sẽ có 5 ngày học tại Trung tâm BVTV phía Bắc và 1 ngày thực hành tập huấn cho lớp huấn luyện nông dân (FFS).

Trên cơ sở thảo luận, trao đổi, thực hành, các học viên được trang bị và nâng cao nhận thức về kỹ thuật trồng, chăm sóc, sinh lý cây lúa qua các giai đoạn phát triển. Khóa đào tạo còn giúp học viên nắm được phương pháp điều tra, phân tích hệ sinh thái ruộng lúa, quan sát, ghi chép các chỉ tiêu về sự sinh trưởng, phát triển, theo dõi diễn biến mật độ, tỷ lệ của các đối tượng sâu bệnh hại, từ đó đưa ra các biện pháp quản lý phù hợp.

Bên cạnh đó, học viên được cung cấp những thông tin cơ bản về thuốc BVTV như: Các chỉ số đánh giá mức độ độc hại của thuốc; những ảnh hưởng đến sức khỏe con người, môi trường sinh thái; cách lựa chọn, sử dụng và bảo quản để hạn chế đến mức thấp nhất rủi ro mà thuốc BVTV gây ra...

Điểm đặc biệt trong chương trình đào tạo là học viên được sử dụng các kiến thức IPHM tiến hành thực nghiệm trên diện tích 1 ha trồng lúa tại xã Việt Hưng (Văn Lâm) trong vụ xuân 2022. Giống lúa được sử dụng là Đài thơm 8 và Bắc thơm số 7.

Mô hình thử nghiệm tập trung vào đánh giá ảnh hưởng của các biện pháp canh tác; mật độ cấy; phân bón hữu cơ vi sinh; liều lượng kali, đạm; biện pháp tưới ướt - khô xen kẽ; quản lý cỏ dại... đến sinh trưởng, phát triển, sinh vật gây hại, sinh vật có ích và năng suất lúa.

Kết quả thu được cho thấy, những diện tích lúa canh tác theo phương pháp IPHM sinh trưởng và phát triển tốt, đất ruộng được cải tạo trở nên tới xốp, mật độ thiên địch tăng lên, tỷ lệ sâu bệnh hại thấp, lượng giống sử dụng giảm 30%, thuốc BVTV giảm 25%, lượng đạm giảm 30%, giảm được 2 lần tưới nước/vụ, năng suất tăng 2,4 tạ/ha, lợi nhuận thu được cao hơn 7 triệu đồng/ha... so với ruộng đối chứng canh tác theo phương pháp truyền thống.

 

Xây dựng cộng đồng IPHM

Ông Nguyễn Văn Lý, Bí thư Đảng ủy xã Việt Hưng chia sẻ: Việt Hưng là xã thuần nông với diện tích lúa hơn 393 ha. Để nâng cao năng suất, gia tăng lợi nhuận cho người dân, không có cách nào khác là ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Việc được tiếp cận với hình thức canh tác tiên tiến IPHM là cơ hội để người dân thay đổi dần thói quen canh tác lạm dụng vật tư đầu vào, hướng tới những giá trị bền vững hơn.

Các đại biểu tham quan, đánh giá kết quả mô hình áp dụng IPHM trên lúa vụ xuân 2022 được triển khai trên địa bàn Việt Hưng (Văn Lâm). Ảnh: Trung Quân.

Theo ông Lý, những kết quả thu được từ các diện tích áp dụng IPHM hoàn toàn phù hợp với đồng đất trên địa bàn xã, gia tăng giá trị sản xuất cho người dân. Trên cơ sở đó, vụ mùa sắp tới, xã sẽ khuyến khích người dân mở rộng diện tích canh tác theo phương pháp mới này, tiến tới toàn bộ diện tích sẽ thực hiện.

Ông Bùi Đức Thắng, thôn Mễ Đậu, xã Việt Hưng (Văn Lâm), học viên lớp FFS chia sẻ: Ban đầu được tiếp cận với IPHM cảm thấy vô cùng lạ lẫm, thậm chí không tin tưởng vì cách thức canh tác khác với cách làm truyền thống như: Cấy mạ non, cấy với mật độ 30 khóm/m2 (thưa hơn so với cách làm truyền thống); giảm lượng phân bón, thuốc BVTV; tiến hành rút nước mặt ruộng; làm cỏ sục bùn sớm bằng tay...

Tuy nhiên, qua quá trình được giảng viên (học viên lớp TOT-IPHM) và các chuyên gia tận tình phân tích, hướng dẫn giải đáp, ông đã mạnh dạn áp dụng thử cho 4 sào trồng lúa của gia đình. Kết quả không khỏi bất ngờ khi toàn bộ diện tích canh tác theo phương pháp IPHM sinh trưởng và phát triển tốt, tốc độ đẻ nhánh nhanh, nhánh hữu hiệu nhiều hơn, sâu bệnh gây hại ít, năng suất, sản lượng tăng lên, tiết kiệm được nhiều chi phí sản xuất hơn so với cách trồng truyền thống trước đây.

Mô hình thử nghiệm của các học viên lớp TOT-IPHM theo dõi, giám sát chặt chẽ các yếu tố nhằm giảm mạnh chi phí đầu vào cho sản xuất. Ảnh: Trung Quân.

 “Ban đầu nghe IPHM chẳng hiểu là cái gì, sau được học, hiểu rõ, khi làm thử lại thấy ham. Riêng tiền mua thuốc BVTV đã giảm được một nửa, còn tính tổng chi phí các loại vật tư thì tiết kiệm được 1/3 so với các làm cũ, năng suất lúa ước đạt 3 tạ/sào, trước chỉ có 2,5 - 2,6 tạ/sào, thế là mừng lắm rồi”, ông Thắng phấn khởi.

Ông Nguyễn Qúy Dương, Phó Cục trưởng Cục BVTV đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng và kết quả mà lớp TOT- IPHM đã đạt được trong thời gian qua.

“Thành công lớn nhất của lớp học là các học viên nắm vững được các chương trình, nguyên tắc cơ bản của IPHM. Bên cạnh đó, khóa đào tạo đã tổ chức được 5 lớp tập huấn FFS giúp kiến thức, trình độ canh tác của người dân được nâng lên, khi áp dụng vào đồng ruộng của mình cây lúa sinh trưởng và phát triển khỏe mạnh, lượng giống, phân bón, nước, thuốc BVTV… đều giảm. Đây là tín hiệu đáng mừng trong bối cảnh giá các loại vật tư đầu vào tăng cao như hiện nay”, ông Dương vui mừng chia sẻ.

Theo ông Dương, Việt Nam là một trong những quốc gia đi đầu về việc tiếp cận, triển khai chương trình IPHM. Do đó, yêu cầu cao nhất đối với mỗi học viên khi tham gia khóa đào tạo là phải nắm vững, hiểu đúng, trả lời thấu đáo được câu hỏi: IPHM giống, khác gì chương trình IPM đã triển khai trước đây?

Trên cơ sở đó, ông Dương lưu ý Ban quản lý lớp học, khẩn trương tập hợp thống kê những vấn đề đã và chưa làm được, những khó khăn, vướng mắc khi triển khai IPHM trên thực tế để kịp thời điều chỉnh cho phù hợp.

"Với các thành viên lớp FFS, tiếp tục áp dụng những kiến thức bổ ích đã được trang bị vào canh tác trên đồng ruộng của mình. Bên cạnh đó, tích cực chia sẻ, lan tỏa những lợi ích của chương trình tới đông đảo mọi người xung quanh để cùng nhau phát triển sản xuất, hướng tới xây dựng một cộng đồng IPHM lớn mạnh.

Bản thân mỗi nông dân sẽ là một tuyên truyền viên hiệu quả nhất trong việc lan tỏa những điều tốt đẹp mà chương trình mang lại. Cách đây 30 năm, chúng ta đã có một thế hệ nông dân tuyên truyền viên về IPM, đến bây giờ chúng ta cũng phải xây dựng được một thế hệ tuyên truyền viên mới về IPHM”, ông Nguyễn Qúy Dương kỳ vọng.

Báo Nông nghiệp Việt Nam

Tin cùng chuyên mục