,

Trong ngành

Phải biết bán sản phẩm từ khi ra đề tài khoa học

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nêu 8 vấn đề mà các đơn vị thuộc Bộ NN-PTNT cần làm rõ khi thực hiện Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Hội nghị có sự tham dự đông đảo của các đơn vị thuộc Bộ NN-PTNT.

Làm rõ 8 vấn đề

Phát biểu khai mạc Hội nghị Triển khai Kế hoạch thực hiện "Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050", Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh tầm quan trọng của khoa học công nghệ với ngành nông nghiệp.

Theo lãnh đạo Bộ NN-PTNT, những thành tựu trong 10 năm tái cơ cấu vừa qua, đặc biệt là năm 2022 khi giá trị xuất khẩu đạt 53,22 tỷ USD, tổng sản lượng thủy sản hơn 9 triệu tấn, sản lượng gỗ khai thác hơn 19 triệu m3… có được là nhờ sự đóng góp không nhỏ của khoa học.

“Khoa học công nghệ quyết định vị thế của quốc gia, của toàn ngành. Nền nông nghiệp đang chuyển từ nâu sang xanh rất cần sự chung tay của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo”, ông nói.

Thứ trưởng đánh giá, nghiên cứu khoa học hiện được Nhà nước ưu tiên khi luôn đảm bảo đầu tư cho hoạt động này ở ngưỡng 2% tổng chi ngân sách. Do đó, đơn vị chủ trì soạn thảo chiến lược là Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường cùng các bên liên quan phải "tự rà soát để xem mình ở đâu trong chiến lược".

Tám vấn đề đồng thời được Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nêu ra. Một là, giữ chân, phát triển và đào tạo  nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao. Hai là, xây dựng, đồng bộ cơ sở dữ liệu trong nông nghiệp. Ba là, sử dụng có hiệu quả trang thiết bị, cơ sở vật chất, trong đó có 17 phòng thí nghiệm trọng điểm. Bốn là, sự phối hợp giữa các đơn vị nghiên cứu, khối viện trường.

Năm là, tối ưu tài nguyên đất đai và các quá trình có thể thương mại trong hoạt động nghiên cứu khoa học. Sáu là, rà soát, nghiên cứu, bổ sung cơ chế, chính sách với các đơn vị tự chủ tài chính. Bảy là, bổ sung nguồn kinh phí từ địa phương, từ nguồn xã hội và FDI cho nghiên cứu khoa học. Tám là, đẩy mạnh hợp tác quốc tế và chuyển giao công nghệ.

Nhìn nhận khoa học công nghệ cũng đang vận hành theo cơ chế thị trường, Thứ trưởng đề nghị mỗi nhà khoa học hãy: "Lấy đề tài xuất phát từ thực tiễn rồi quay trở lại thực tiễn phục vụ".

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh tầm quan trọng của khoa học công nghệ trong phát triển nông nghiệp.

Bộn bề khó khăn

Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thứ trưởng, Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường Nguyễn Thị Thanh Thủy cho biết, quá trình làm dự thảo đã xin ý kiến của nhiều Bộ, ban, ngành và 63 tỉnh, thành phố trên cả nước. Đồng thời, chiến lược được xây dựng dựa trên Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn bền vững và Nghị quyết số 19 về tam nông của Trung ương.

Bà Thủy nêu một số điểm nhấn trong cách thực hiện chiến lược sắp tới, đó là: tư duy vĩ mô - hành động nhỏ - hiệu quả đo đếm được - huy động mọi nguồn lực - thích ứng phù hợp. Ngoài ra, chiến lược còn có một số đề án thí điểm cơ chế hợp tác công tư trong nghiên cứu phát triển khoa học, ở đó sẽ đề cao và phát huy tối đa vai trò người đứng đầu.

Đặt nhiều kỳ vọng, nhưng bà Thủy cũng thừa nhận cần sự nỗ lực lớn để chiến lược được thực hiện thành công bởi khó khăn bộn bề hiện tại.

Vụ trưởng cho biết, cơ sở vật chất của khối nghiên cứu nông nghiệp như nhà xưởng, phòng thí nghiệm, đất... rất lớn nhưng nguồn tài chính từ ngân sách hoặc xã hội hóa để vận hành lại hạn chế. Đa số các viện, trường chưa thực sự chủ động trong việc phối hợp doanh nghiệp, địa phương để nhận đơn đặt hàng.

Ngay trong hạng mục trang thiết bị, một vấn đề nữa là sự liên kết hợp tác còn lỏng lẻo. Bà Thủy lấy ví dụ, mỗi cơ sở hiện đều có một máy PCR tại phòng thí nghiệm, nhưng nếu cho sử dụng chung, hoặc các đơn vị cho nhau mượn thì lại vướng rào cản thủ tục, cơ chế. Chưa kể, nhiều đơn vị còn giữ tư duy, cách làm kiểu "ăn đong", khiến việc quản lý, quản trị tài sản, đất đai, sở hữu trí tuệ thiếu hiệu quả.

"Rất ít viện, trường bây giờ có hội đồng khoa học. Thực tế, là các đơn vị thường đề xuất đề tài dựa trên thế mạnh của mình mà ít quan tâm đến thị trường đang cần gì. Thành ra, 57 đơn vị nghiên cứu khoa học của Bộ đề xuất mỗi năm đến 200-300 đề tài, nhưng thực hiện được chỉ khoảng 10%", bà Thủy trăn trở.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến thăm mô hình trồng rau, quả trong nhà kính
tại Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam hồi đầu tháng 11/2022.

Người đứng đầu Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường cũng kiến nghị Bộ NN-PTNT và các Cục, Vụ, đơn vị liên quan tăng cường phối hợp để sớm xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung giữa các nhà khoa học làm nông nghiệp. Bà coi đây là điểm yếu nhất cần khắc phục.

Là đơn vị tự chủ trực thuộc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, Viện Nghiên cứu bông và Phát triển nông nghiệp Nha Hố thời gian qua đã đẩy mạnh các hoạt động sản xuất kinh doanh và dịch vụ khoa học công nghệ. Điều này giúp viện đạt doanh thu hàng năm khoảng 60-70 tỷ đồng, đồng thời tạo nguồn chi cho hoạt động thường xuyên lên tới trên 10 tỷ đồng/năm.

Dù vậy tại hội nghị ngày 22/2, Viện trưởng Mai Văn Hào thừa nhận, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho công tác nghiên cứu khoa học, sản xuất thực nghiệp còn thiếu, chưa đồng bộ và ngang tầm với yêu cầu mở rộng, phát triển của Viện. 

Đề xuất giải pháp, ông Hào mong muốn các mô hình tại khối viện, trường cần được coi là tài sản, giúp đơn vị có thể vừa nghiên cứu, vừa chuyển giao giúp tăng nguồn thu. Cùng với đó, những mô hình nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp tuần hoàn cần có định mức mới, phù hợp với chi phí thực nghiệm.

Lắng nghe các ý kiến, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến tái khẳng định, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo đã, đang và sẽ là quốc sách hàng đầu, là động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Ông định hướng thêm, rằng mỗi nhà khoa học trước khi đề xuất, lên ý tưởng cho đề tài nghiên cứu cần biết cách bán sản phẩm ở đâu khi thương mại ra thị trường.

Nguồn: Báo Nông nghiệp Việt Nam

Tin cùng chuyên mục