,

Trong ngành

Cục Bảo vệ thực vật: Tuân thủ chặt chẽ quy định là yếu tố tiên quyết khi xuất khẩu

Ông Huỳnh Tấn Đạt, Phó Cục trưởng Cục BVTV lưu ý doanh nghiệp cần tuân thủ chặt chẽ những hướng dẫn, quy định của phía Trung Quốc để đảm bảo hoạt động giao thương.

Phó Cục trưởng Cục BVTV Huỳnh Tấn Đạt nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tuân thủ những quy định của nước nhập khẩu.

Tại hội nghị "Thúc đẩy giao thương nông sản, thủy sản Việt – Trung trong bối cảnh mới" sáng 14/2, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam nhận xét, hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp trong nước còn gặp nhiều thách thức.

Bên cạnh việc 7 trong số 12 mặt hàng rau quả xuất khẩu chưa có nghị định thư, trong đó những sản phẩm chủ lực như thanh long, xoài, mít, ông Nguyên nêu khó khăn trong công tác xét duyệt hồ sơ mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói còn lâu. Theo ông, một số loại như thanh long cần đến 6-7 tháng để được phê duyệt, khiến người dân gặp khó khăn trong việc tính toán rải vụ, tối ưu hiệu quả canh tác.

Trao đổi với Báo Nông nghiệp Việt Nam, ông Huỳnh Tấn Đạt, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (BVTV) lý giải, việc xét duyệt hồ sơ cấp mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói phải trải qua 3 bước chính. 

Thứ nhất, sản phẩm có nguồn gốc thực vật khi xuất khẩu không bị nhiễm các đối tượng, sinh vật gây hại thuộc danh mục đối tượng cần kiểm soát của Trung Quốc.

Thứ hai, cơ sở sản xuất phải đảm bảo đáp ứng đầy đủ các điều kiện về kiểm soát, kiểm dịch thực vật cũng như an toàn thực phẩm đối với từng loại hàng hóa, từng nhóm hàng hóa khác nhau, dựa trên Nghị định thư đã ký giữa hai nước.

Thứ ba, hàng hóa trước khi xuất khẩu phải đáp ứng được mức tồn dư về dư lượng cho phép, theo quy định của Trung Quốc.

Dựa trên những cơ sở này, Cục BVTV đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan của Trung Quốc như Tổng cục Hải quan (GACC) và các cơ quan kiểm dịch thực vật để người sản xuất trong nước nắm được đầy đủ các cái quy định.

"Chúng tôi đã xây dựng được các tiêu chuẩn cơ sở về việc quản lý và cấp mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói để đáp ứng đầy đủ các điều kiện an toàn thực phẩm của Trung Quốc. Từ đó, Cục Bảo vệ thực vật tiến hành phổ biến và phân cấp cho cơ quan quản lý tại địa phương, đặc biệt là các Chi cục Trồng trọt – BVTV, các Sở NN-PTNT”, ông Đạt nói.

Mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói được xem như tài sản của doanh nghiệp.

Theo lãnh đạo Cục BVTV, người sản xuất cần đảm bảo tuân thủ chặt chẽ những hướng dẫn trên từ lúc gieo hạt, thu hái, sơ chế, chế biến cũng như xuyên suốt quá trình đóng gói, vận chuyển, phân phối. Đây là yếu tố tiên quyết để mở cửa, phát triển thị trường tại nước xuất khẩu.

Về vấn đề mã số, ông Đạt thông tin, rằng quy trình cấp, giám sát mã số và tuân thủ các quy định của nước nhập khẩu hiện đều do các Sở NN-PTNT hướng dẫn, quản lý. Nếu đạt đủ điều kiện, địa phương sẽ gửi Cục BVTV thẩm duyệt hồ sơ, trước khi chuyển sang cho GACC. Đánh giá từ Cục BVTV, việc cấp mã được Trung Quốc phối hợp, tạo điều kiện ngay cả trong thời gian Covid-19 bùng phát.

Bằng nỗ lực từ cả hai phía, tính đến thời điểm hiện tại 435 mã số đã được đăng ký cho doanh nghiệp Việt Nam, đáp ứng đầy đủ Lệnh 248, 249. Trong dịp Tết nguyên đán Quý Mão vừa qua, Cục BVTV phối hợp GACC kiểm tra online đến sát 28 Tết, nhằm thúc đẩy hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp sau kỳ nghỉ Tết.

Để việc giao thương sang Trung Quốc duy trì đà tăng trưởng, Phó Cục trưởng Cục BVTV đề nghị phía doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hợp tác chặt chẽ hơn nữa với các Sở NN-PTNT; thường xuyên tổ chức theo dõi và bám sát các quy định mới của Trung Quốc để nhanh chóng hoàn thiện hồ sơ.

Do thủ tục phê duyệt hồ sơ hiện nay được làm trực tuyến, ông Đạt nhấn mạnh: “Những thông tin, khi đăng ký trực tuyến, chỉ sai lệch một dấu chấm, dấu phẩy hoặc một chữ cái, hoặc không tuân thủ đúng hướng dẫn của GACC thì đều bị hệ thống từ chối phê duyệt”.

Song song với đó, Cục BVTV đã phối hợp chặt chẽ với những cơ quan hữu quan của cả Việt Nam lẫn Trung Quốc để kịp thời tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy nhanh hơn nữa quá trình phê duyệt.

Nguồn: Báo Nông nghiệp Việt Nam

Tin cùng chuyên mục