,

Trong ngành

Bỏ quy hoạch sản phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp là một bước tiến rất lớn

Thảo luận tại Quốc hội về công tác quy hoạch, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng bỏ quy hoạch sản phẩm, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp là bước tiến rất lớn.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan phát biểu trước Quốc hội. Ảnh tư liệu.

Chiều 30/5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành.

Phát biểu trước nghị trường, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan đưa 2 ý kiến, đầu tiên liên quan đến Luật Quy hoạch và thứ hai liên quan tới quy hoạch sản phẩm trong ngành nông nghiệp.

Theo Bộ trưởng, đây là một trong những nội dung Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội rất quan tâm, nên có quy hoạch sản phẩm hay không có quy hoạch sản phẩm, và lấy gì để chúng ta điều chỉnh cung - cầu.

Cần có không gian tự điều chỉnh

Về Luật Quy hoạch, dẫn định nghĩa về "VUCA" tức là bất động, biến động, phức tạp và mơ hồ, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, để khuôn lại một quy hoạch để định hình 5 năm, 10 năm, thậm chí vài chục năm thì không đơn giản chút nào.

Theo ông, đứng trước sự thay đổi rất nhanh chóng về mặt khoa học, công nghệ, về mặt thị trường thì chúng ta không thể có một quy hoạch phủ được hết toàn bộ mà chúng ta nên chia làm 2 mức độ sẽ thể hiện trong cấp độ quy hoạch của chúng ta.

Cụ thể, phần cứng là phần Nhà nước can thiệp được và phần thứ hai là chúng ta để một dung lượng, một không gian để thị trường sẽ tự điều chỉnh và lúc đó từng cấp độ thì sẽ có một không gian để chúng ta linh hoạt, để thích ứng với sự thay đổi.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng trong vấn đề
quy hoạch cần có không gian cho sự tự điều chỉnh. Ảnh: Tùng Đinh.

"Chúng ta thấy rằng cách đây 5 năm thì chúng ta không nói về nền kinh tế xanh hay chúng ta không nói về biến đổi khí hậu, nhưng vấn đề biến đổi khí hậu, nền kinh tế xanh đã chi phối toàn bộ nền kinh tế chúng ta từ công nghiệp cho tới nông nghiệp và tất cả những vấn đề khác", Bộ trưởng Lê Minh Hoan dẫn chứng.

Do đó, lãnh đạo Bộ NN-PTNT cho rằng, trước tiên chúng ta nên định vị lại tất cả mọi cấp độ, cấp độ nào thì trong mỗi quy hoạch sẽ dừng lại ở cấp độ đó, chứ không quá đi sâu vì càng đi sâu bàn thảo vấn đề thì có thể một tuần sau câu chuyện đã khác.

"Do đó, tôi đề nghị đã chậm thì chúng ta cũng nên có những hội thảo sâu hơn để không đi từ thái cực này sang thái cực khác, nhiều khi không có quy hoạch đã khó mà có quy hoạch rồi lại khó hơn bởi vì chúng ta lại điều chỉnh, lại lệ thuộc vào sự thay đổi từ bên ngoài", Bộ trưởng kiến nghị thêm.

Bỏ quy hoạch sản phẩm nông nghiệp là bước tiến rất lớn

Về vấn đề quy hoạch sản phẩm, người đứng đầu ngành nông nghiệp cho rằng bỏ quy hoạch sản phẩm, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp là một bước tiến rất lớn, bởi vì nông nghiệp là một ngành mở.

"Một nông sản chúng ta vừa là người bán, vừa là người mua, một thị trường chúng ta muốn quy hoạch nông sản để bán thì cùng lúc rất nhiều quốc gia cùng có loại nông sản đó người ta cũng bán đến thị trường này", ông Lê Minh Hoan ví dụ.

Theo Bộ trưởng, chúng ta không tưởng tượng được khi có Covid-19 thị trường bị đứt gãy như thế nào, rồi cuộc xung đột ở Ukraine sẽ diễn biến như ra sao. Tất cả mọi việc đó không bao giờ cố định để chúng ta cố định trong một quy hoạch ngành sản phẩm một cách quá cứng nhắc.

Trả lời câu hỏi liệu có công cụ gì thay thế để chúng ta giảm thiểu rủi ro trong ngành nông nghiệp, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng phải chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, phải đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng hóa thị trường.

Về vấn đề quy hoạch ngành hàng, ông Lê Minh Hoan cho rằng không nên cứng nhắc mà cần xây dựng được hệ sinh thái, được ngành hàng. Ảnh: Tùng Đinh.

Cụ thể hơn, người đứng đầu ngành nông nghiệp nói tất nhiên chúng ta không bỏ, nhưng không phải ấn định phải là bao nhiêu hecta, sản lượng là bao nhiêu mà cần quy hoạch từng vùng sinh thái để định hình được một chiến lược đầu tư, chiến lược hỗ trợ, từ đó tạo ra một hệ sinh thái, một ngành hàng.

Dẫn ví dụ về một số quốc gia làm nông nghiệp trên thế giới, ông Lê Minh Hoan cho biết họ có một hệ sinh thái, trước tiên là các hiệp hội ngành hàng, các hợp tác xã là những cơ quan, tổ chức, những thiết chế tư vấn cho người nông dân để quyết định nên trồng cây gì, nên nuôi con gì, trồng bao nhiêu và nuôi bao nhiêu, Nhà nước không thể nào áp đặt.

Còn nếu áp đặt, đưa ra những quy hoạch cứng nhắc, ông Lê Minh Hoan nêu ra 2 vấn đề, đầu tiên là có bảo hộ được tất cả những sản phẩm trong vùng quy hoạch đó hay không và hai là, những sản phẩm nằm ngoài vùng quy hoạch chúng ta xem có hợp pháp không, có đưa ra thị trường được không.

"Tôi nghĩ không thể nào chúng ta thực hiện được điều đó. Do đó, trong chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn của Bộ NN-PTNT phải khẩn trương hình thành các hệ sinh thái ngành hàng.

Bên cạnh đó, Nhà nước chỉ hỗ trợ thông qua thông tin thị trường, hỗ trợ thông qua khoa học, công nghệ, hỗ trợ thông qua vốn, hỗ trợ thông qua tư vấn và huấn luyện tri thức hóa người nông dân, tập thể ngành hàng đó sẽ tự vận động", Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ thêm.

Nguồn: Báo Nông nghiệp Việt Nam

Tin cùng chuyên mục