,

Chuyển đổi số

Giúp doanh nghiệp cạnh tranh, bứt phá

Chuyển đổi số là tất yếu trong chiến lược phát triển của các doanh nghiệp. Đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, xu hướng này càng trở thành đòi hỏi cấp bách để doanh nghiệp có thể cạnh tranh và bứt phá.

Bước chuyển

Ứng dụng chuyển đổi số trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhiều doanh nghiệp đã hoạt động ngày càng hiệu quả hơn. Theo anh Nguyễn Việt Lâm, Giám đốc Công ty TNHH MTV Sơn Dương Green farm, xác định chuyển đổi số là việc làm cần thiết, đơn vị đã đổi mới, sử dụng các nền tảng xã hội để quảng bá, tiếp cận khách hàng. Bên cạnh việc bán hàng, quảng bá thương hiệu qua các kênh online trên sàn thương mại điện tử, năm 2020 anh xây dựng website với tên miền sonduonggreenfarm.com.vn;xây dựng clip, hình ảnh về quy trình sản xuất, quy mô công ty.

Để tối ưu hóa công tác quản lý trang trại, anh Lâm đã thiết lập hệ thống camera có thể giám sát từ xa, nắm bắt tình hình mọi lúc, mọi nơi. Sau khi thay đổi từ mô hình truyền thống sang kinh doanh online, anh đã đưa các sản phẩm của mình tiếp cận khách hàng các tỉnh thành công. Mỗi sản phẩm của doanh nghiệp như dưa lưới, ớt chuông, dưa chuột đều được gắn tem truy xuất nguồn gốc giúp khách hàng tìm hiểu thông tin một cách dễ dàng, tin cậy.

Cùng với hệ thống phần mềm được tích hợp, dữ liệu luôn được cập nhật kịp thời, chính xác; các đơn hàng được duyệt một cách nhanh chóng, đầy đủ, tránh nhầm lẫn và có thể thực hiện ở bất cứ đâu. Doanh thu mỗi tháng của công ty tăng 30% so với trước khi chuyển đổi số, đồng thời giúp tiết kiệm chi phí nhân công.

Công ty TNHH Thảo dược Tuệ Tâm, xã Kim Phú (TP Tuyên Quang) là đơn vị trong ngành dược liệu trên địa bàn thành phố Tuyên Quang thực hiện chuyển đổi số bước đầu đem lại hiệu quả. Chị Bàn Thị Liên, Giám đốc Công ty chia sẻ, lâu nay, quy trình quản lý, cách thức bán hàng của đơn vị chủ yếu theo phương thức truyền thống khiến việc quản lý lượng hàng, nguyên vật liệu, sản phẩm, quản lý nhân viên, quảng bá hình ảnh hạn chế. Từ năm 2021, đơn vị đã ứng dụng giải pháp chuyển đổi số trên nền tảng công nghệ KTS DES.

Nhân viên Công ty cổ phần Công nghệ phát triển quốc tế KTS Des Group hướng dẫn doanh nghiệp cách đăng bài trên sàn thương mại điện tử. 

Đây là một website thông minh với những tính năng ưu việt giúp số hóa chuỗi quy trình sản xuất kinh doanh, giải quyết những tồn đọng trong công tác quản lý, điều hành, mở rộng kênh bán hàng trên không gian số. Đơn vị cũng xây dựng gian hàng 3D trên nền tảng số, ứng dụng phần mềm KiotViet trong quản lý bán hàng và đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử. Đặc biệt, nếu trước đây việc hạch toán hóa đơn, kê khai thuế phải thực hiện nhiều bước, tốn thời gian, dễ nhầm lẫn thì từ khi ứng dụng chuyển đổi số, các chứng từ của đơn vị chỉ cần thao tác trên máy tính giúp giảm thời gian, chi phí đi lại cho doanh nghiệp.

Cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh chiếm 98% trong tổng số 2.126 doanh nghiệp đang hoạt động. Tuy nhiên, bên cạnh những doanh nghiệp làm tốt, do đặc thù về quy mô và tiềm lực nên đa số doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa mạnh dạn chuyển đổi số. Theo đồng chí Nguyễn Văn Hiến, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh, thực tế, doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh hầu như mới ở giai đoạn số hóa của quá trình chuyển đổi số.

Đa số doanh nghiệp nhận thức chưa đầy đủ về chuyển đổi số, lo lắng về chi phí, nhân lực công nghệ, bảo mật thông tin, trang thiết bị phục vụ chuyển đổi số còn hạn chế; ít đơn vị có website riêng. Nhiều đơn vị dù đã có sự chuyển đổi nhưng vẫn đang sử dụng nhiều phần mềm, ứng dụng hỗ trợ nên chưa tạo ra sự đồng nhất, gây khó khăn trong quá trình sử dụng, chưa có lộ trình cụ thể nên chưa hiệu quả.

Anh Hoàng Văn Dũng, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Hải Đăng, xã Đạo Viện (Yên Sơn) chia sẻ, công ty của anh chuyên sản xuất, kinh doanh sản phẩm từ gỗ như dao, thìa, dĩa. Lâu nay, công ty vận hành theo phương thức sản xuất, kinh doanh trực tiếp là chủ yếu. Việc ứng dụng công nghệ để quản lý, điều hành, quảng bá gặp khó khăn về khâu tiếp cận, nhất là các bước thực hiện chuyển đổi 

số còn chưa rõ ràng khiến kết quả mang lại không như mong đợi. Như quá trình giới thiệu các sản phẩm lên sàn thương mại điện tử đơn vị thực hiện chưa bài bản, chưa theo lộ trình, chưa có sự định hướng, chất lượng hình ảnh, bài viết chưa chuyên nghiệp nên lượt khách hàng tiếp cận và đơn hàng phát sinh mới còn hạn chế.

Nhân viên Công ty TNHH Thảo dược Tuệ Tâm, xã Kim Phú (TP Tuyên Quang) giới thiệu sản phẩm của đơn vị trên nền tảng mạng xã hội.

Gỡ khó cho doanh nghiệp 

Trên thực tế, rất nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa có nhu cầu về chuyển đổi số nhưng lại lo lắng về mặt chi phí, băn khoăn về tính hiệu quả và chưa biết bắt đầu từ đâu. Do đó, thời gian qua, các sở, ngành, địa phương đã tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo, tập huấn về chuyển đổi số nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp nâng cao nhận thức về vấn đề này.

Theo đó, Sở thông tin và Truyền thông đã hỗ trợ các doanh nghiệp tìm hiểu và trực tiếp trải nghiệm các nền tảng số để lựa chọn nền tảng số phù hợp với nhu cầu; Hội Doanh nhân trẻ tỉnh đã giới thiệu, liên kết với công ty công nghệ số triển khai chuyển đổi số cho tất cả hội viên; Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Tuyên Quang phối hợp với các đơn vị cung cấp phần mềm tổ chức tập huấn chuyển đổi số cho các đơn vị, hộ kinh doanh, hợp tác xã, doanh nghiệp trên địa bàn nhằm cung cấp kiến thức tổng quan về chuyển đổi số; ảnh hưởng của chuyển đổi số đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp; các giai đoạn chuyển đổi số cho doanh nghiệp một cách toàn diện.

Theo đồng chí Đàm Xuân Hùng, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Tuyên Quang, để hỗ trợ việc chuyển đổi số cho các đối tượng này, trung tâm đã phối hợp với Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp 1 - Cục Công Thương địa phương, đơn vị cung cấp phần mềm tổ chức tập huấn chuyển đổi số. 2 năm qua, trung tâm đã tập huấn cho trên 100 doanh nghiệp, HTX, hỗ trợ một số doanh nghiệp đủ điều kiện áp dụng chuyển đổi số thành công.

Quá trình tham gia chuyển đổi số, doanh nghiệp được hỗ trợ xây dựng văn hóa doanh nghiệp, tầm nhìn công ty, quản trị rủi ro, xác lập mục tiêu, an ninh dữ liệu và nhân lực số; được hỗ trợ tư vấn ứng dụng các nền tảng, giải pháp công nghệ phù hợp quy mô, năng lực, lĩnh vực từng doanh nghiệp.

Hội Doanh nhân trẻ tỉnh hiện có 78 hội viên ở đa dạng ngành nghề. Ông Nguyễn Vũ Linh, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ tỉnh cho biết, với mục tiêu đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, góp phần thay đổi hoạt động sản xuất, kinh doanh, Hội đã hỗ trợ hội viên tham gia các khóa đào tạo kỹ năng chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ số, các giải pháp phần mềm kế toán, hóa đơn điện tử, chữ ký số. Hội đã  liên kết giúp các hội viên học hỏi lẫn nhau, hướng dẫn chuyển đổi số ngay những buổi sinh hoạt hội. Đến nay, 100% hội viên đã tiếp cận và thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và tiêu thụ sản phẩm; 70% hội viên sử dụng hệ thống kế toán online, 8 doanh nghiệp có chữ ký số và nhiều đơn vị kết nối mở gian hàng trên sàn thương mại điện tử...

Chuyển đổi số giúp doanh nghiệp xóa khoảng cách, tăng cường sự chính xác và minh bạch, tăng doanh thu đồng thời giảm chi phí. Tỉnh phấn đấu đến năm 2025, 100% hộ kinh doanh cá thể, doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng các nền tảng công nghệ số phục vụ sản xuất, kinh doanh, gửi, nhận hóa đơn điện tử với cơ quan thuế sử dụng nền tảng công nghệ số. Để chuyển đổi số thành công, bên cạnh sự kết nối, hỗ trợ, đồng hành của tỉnh, của các đơn vị công nghệ thông tin rất cần sự chủ động nâng cao nhận thức, triển khai tích cực của người đứng đầu mỗi doanh nghiệp.   

Báo Tuyên Quang

Tin cùng chuyên mục