Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hệ lụy của dịch Covid-19 đã khiến các mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của tỉnh, gồm: Chè, bột giấy, gỗ rừng trồng qua chế biến, đường kính trắng đã bị giảm giá bán, tồn đọng. Lượng đường kính trắng tồn kho của Công ty cổ phần Mía đường Sơn Dương khoảng 10.000 tấn; chè nguyên liệu qua sơ chế của 3 công ty cổ phần chè Mỹ Lâm, Sông Lô, Tân Trào cũng tồn lại khoảng 1.530 tấn chưa tiêu thụ được.
Tại các nhà máy chế biến gỗ của Công ty cổ phần Woodsland Tuyên Quang lượng hàng tồn kho cũng chất đống do các đơn hàng đồ gỗ xuất khẩu sang thị trường Châu Âu bị cắt giảm. Ông Hà Đăng Chỉnh, Phó tổng giám đốc công ty cho biết, không xuất khẩu được sản phẩm buộc công ty phải ra văn bản cắt giảm sản xuất, tạm dừng và giảm giá mua nguyên liệu từ ngày 19-3.
Sản xuất gỗ xuất khẩu tại Công ty cổ phần Woodsland Tuyên Quang. Ảnh: Quốc Việt
Cùng thời điểm này, dịch bệnh trên động vật tái phát trở lại, ghi nhận đã có 10 xã tái phát dịch tả lợn châu Phi, 1 xã tái phát dịch cúm gia cầm làm 459 con lợn tương đương với 17,5 tấn lợn thịt và trên 1.000 con gà bị nhiễm bệnh buộc phải tiêu hủy. Thiên tai, dông lốc kèm mưa đá làm 5.598 ha lúa, 187 ha ngô bị thiệt hại...
Tháo gỡ khó khăn “kép”, kết nối lại các chuỗi ngành hàng, duy trì mục tiêu sản xuất hàng hóa, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có phương án trên từng lĩnh vực. Theo ông Nguyễn Huy Hùng, Phó chi cục trưởng, Chi cục Phát triển nông thôn, đơn vị đã làm việc với Trung tâm Xúc tiến thương mại (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tổ chức các kênh quảng bá, giới thiệu sản phẩm từ đó tìm kiếm bạn hàng giúp các doanh nghiệp, HTX tiêu thụ sản phẩm. Đã có 47 nông sản có nhãn hiệu của tỉnh đã được các siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch tại thành phố Hà Nội ký kết tiêu thụ trở lại.
Anh Nguyễn Huy Nam, giám đốc Hợp tác xã nuôi cá đặc sản Hoàn Tùng, xã Thắng Quân (Yên Sơn) phấn khởi cho biết, cuối tháng 4 vừa qua, 5 khách sạn và cửa hàng thực phẩm sạch tại Hà Nội đã lấy hàng trở lại với lượng hàng từ 4 - 5 tạ/ngày tương đương với trước khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát. Lượng tiêu thụ hàng như hiện nay cho anh Nam thêm niềm tin tập trung đầu tư, đảm bảo nguồn hàng cá đặc sản phục vụ nhu cầu ngày càng cao của thị trường từ nay đến cuối năm.
Đối với các doanh nghiệp chế biến sản phẩm xuất khẩu, Sở đã báo cáo UBND tỉnh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm việc với ngành Công thương, Hải quan tạo điều kiện để các doanh nghiệp thực hiện xuất khẩu ngay khi thông quan hàng hóa. Trong thời gian chờ đợi đơn hàng xuất khẩu, các doanh nghiệp vượt qua khó khăn, duy trì sản xuất chuẩn bị sẵn nguồn hàng để “đón đầu” cơ hội để xuất khẩu, bởi theo nhận định khi dịch bệnh được kiểm soát, nhu cầu thị trường sẽ rất cao, đặc biệt là đối với các mặt hàng nông, lâm sản.
Cùng với đó, ngành Nông nghiệp chỉ đạo phát triển chăn nuôi, đa dạng hóa sản phẩm, tập trung vào các loại vật nuôi có thế mạnh, sức cạnh tranh như trâu, bò...; thực hiện tái đàn lợn bảo đảm ổn định ngành hàng. Thống kê sơ bộ đã có 7.000 con lợn thịt được đưa vào chăn nuôi tại các trang trại, gia trại ở 3 huyện Sơn Dương, Yên Sơn và Chiêm Hóa bù đậy khoảng 23% số lượng lợn đã bị nhiễm bệnh phải tiêu hủy từ năm 2019 đến nay. Tái đàn kiên quyết không tái dịch, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã cử các cán bộ hỗ trợ các huyện, thành phố theo dõi, giám sát kiểm soát dịch bệnh; áp dụng đồng bộ các biện pháp an toàn thú y và an toàn sinh học trong chăn nuôi; khi phát hiện ổ dịch thực hiện khoanh vùng, dập dịch ở phạm vi hộ, tuyệt đối không để lan rộng.
Ông Nguyễn Văn Việt, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tin tưởng, những phương án, giải pháp được thực hiện không những sẽ tháo gỡ được những khó khăn mà sẽ lấy lại được đà tăng trưởng của ngành.