,

Trồng trọt

Tạo sinh kế bền vững cho người dân từ những mô hình khuyến nông

Năm 2022, các mô hình khuyến nông thực hiện trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với đặc thù của từng địa phương. Qua đó, mở ra hướng đi trong việc lựa chọn, phát triển đối tượng cây trồng, vật nuôi mới và tạo sinh kế bền vững cho người dân…

Với mục tiêu xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông lâm nghiệp, thuỷ sản trên địa bàn tỉnh đạt năng suất, chất lượng và hiệu quả, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động, phát triển sản xuất nông nghiệp ổn định, bền vững. Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã phối hợp với các đơn vị liên quan, Hợp tác xã Minh Tâm (Sơn Dương) ký hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm dưa chuột với trên 50 nhóm hộ, hợp tác xã, tổ hợp tác tại 28 xã trên địa bàn tỉnh, với quy mô 315 ha/2.239 hộ tham gia. Năng suất bình quân đạt 49 tạ/ha, sản lượng đạt trên 15.500 tấn; giá bán bình quân là 5.500 đồng/kg, doanh thu bình quân đạt trên 87 tỷ đồng. Trồng dưa chuột cho thu nhập trên 9,9 triệu đồng/sào/vụ, sau khi trừ chi phí còn lãi trên 4,8 triệu đồng/sào/vụ. Điển hình có một số xã trồng dưa đạt năng suất, sản lượng cao như: Xã Kim Phú (TP Tuyên Quang) trồng 3,5 ha, năng suất đạt 54 tạ/ha, sản lượng đạt 189 tấn, giá bán 8.000 đồng/kg thu được trên 1,5 tỷ đồng/vụ; xã Kiến Thiết (Yên Sơn), năng suất đạt 52 tạ/ha, sản lượng đạt trên 1.235 tấn; xã Yên Nguyên (Chiêm Hóa), năng suất đạt 52 tạ/ha, sản lượng 1.560 tấn. Ông Hoàng Văn Long, thôn Bảo Ninh, xã Yên Nguyên (Chiêm Hóa) cho biết, với 1.500 m2 đất ruộng trồng dưa chuột vụ đông năm 2022, gia đình thu 7,7 tấn quả, bán cho đơn vị thu mua với giá 8.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí thu lãi trên 40 triệu đồng, lãi gấp 4 lần trồng lúa và lãi gấp 2 lần trồng cây ngô và lạc.

Phối hợp với Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Miền núi phía Bắc triển khai thực hiện mô hình thâm canh chè theo hướng hữu cơ, liên kết theo chuỗi giá trị tại một số tỉnh phía Bắc” với diện tích 8 ha/35 hộ đồng bào dân tộc mông tại xã Hồng Thái huyện Na Hang, kết quả năng suất chè búp tươi bình quân đạt 5,5 tấn/ha/năm, sản lượng đạt khoảng 44 tấn, giá bán chè búp tươi hữu cơ từ 25 - 30 nghìn đồng/kg, cao hơn từ 45 - 50% so với sản xuất chè truyền thống, Công ty Cổ phần chè Núi Kia Tăng xã Hồng Thái đã thu mua toàn bộ nguyên liệu chè búp tươi của các hộ tham gia mô hình.

Mô hình liên kết sản xuất cây gai xanh lấy sợi gắn với doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm, quy mô 5,0 ha tại xã Trung Yên (Sơn Dương), năng suất đạt 2.274 kg vỏ khô/ha/03 lứa thu hoạch, hiện nay, các hộ đã mở rộng diện tích trồng cây gai xanh trên địa bàn các huyện được 109,34 ha, gồm huyện: Sơn Dương (22 ha), Yên Sơn (5,0) ha, Chiêm Hoá (33,64 ha), Na Hang (48,7 ha).

Phối hợp với Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Tiến Thành, Công ty TNHH Sữa cho tương lai chi nhánh Tuyên Quang liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm ngô sinh khối (Giống NK7328) phục vụ chăn nuôi gia súc trên địa bàn tỉnh, quy mô 157,9 ha ngô (vụ xuân 55,4 ha, vụ hè thu 40 ha, vụ đông 62,5 ha) tại các huyện Sơn Dương, Hàm Yên và thành phố Tuyên Quang, năng suất chất xanh bình quân đạt 49,4 tấn/ha, sản lượng vụ xuân, hè thu đạt 3.970 tấn, doanh thu đạt hơn 3,9 tỷ đồng.

Phối hợp với Hợp tác xã Dịch vụ kinh doanh hàng nông sản An Hoà, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc; Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp các huyện thực hiện mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm bí đỏ, quy mô 22,7 ha, trong đó huyện: Na Hang (6,7 ha), Chiêm Hóa (01 ha), Hàm Yên (01 ha), Yên Sơn (11 ha), Sơn Dương (03 ha); năng suất bình quân từ 500 - 600kg/sào, sản lượng đạt từ 14 - 16 tấn/ha, doanh thu ước đạt 4,2 tỷ đồng.

Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT kiểm tra mô hình liên kết trồng dưa chuột
tại xã Thượng Ấm huyện Sơn Dương.

Đặc biệt, là các mô hình ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất tại các tổ hợp tác, hợp tác xã trên địa bàn huyện Hàm Yên, Chiêm Hoá như: mô hình ứng dụng công nghệ cao sản xuất rau trong nhà màng đã xây dựng được 03 nhà màng, quy mô 904 m2, trong đó 01 nhà màng trồng cà chua với quy mô 200 m2/20 hộ tại xã Thành Long, 01 nhà màng sản xuất rau với quy mô 200 m2/13 hộ tại xã Thái Hòa (Hàm Yên) và 01 nhà màng trồng dưa lướt với quy mô 504 m2/10 hộ tại xã Kim Bình (Chiêm Hóa); mô hình sản xuất thanh long trái vụ ứng dụng công nghệ đèn LED, kết hợp với hệ thống tưới nước tự động, quy mô 1,0 ha và áp dụng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, quy mô 10 ha/10 hộ thực hiện tại xã Yên Phú (Hàm Yên), kết quả đã cho thu hoạch được hơn 200 tấn thanh long; mô hình sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP tại xã Thành Long, Thái Hoà (Hàm Yên) đã có 10 ha rau được chứng nhận VietGAP. Các mô hình có sự đột phá về công nghệ, giảm nhân công lao động vừa đạt năng suất, chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và cho thu nhập cao hơn so với sản xuất đại trà, nông dân được tiếp cận với tiến bộ kỹ thuật mới, nhân rộng mô hình ra sản xuất.

Vườn thanh long của gia đình ông Đỗ Văn Hưng, thôn 1 Minh Phú, xã Yên Phú, huyện Hàm Yên

 

Triển khai thực hiện các mô hình, dự án về chăn nuôi đạt kết quả tốt, một số mô hình nổi bật như: Phối hợp với Hợp tác xã Nông nghiệp Công nghệ cao Tiến Thành thực hiện mô hình liên kết chăn nuôi trâu, bò vỗ béo an toàn sinh học gắn với tiêu thụ sản phẩm, đã cung ứng được 1.212 con trâu, bò vỗ béo trong đó có 555 con trâu và 657 con bò; đã tiêu thụ 1.464 con trâu, bò trong đó 764 con trâu, 700 con bò, doanh thu đạt gần 4 tỷ đồng... Dự án “xây dựng mô hình nuôi ong mật gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm” quy mô 400 đàn/08 hộ tại xã Thái Bình (Yên Sơn), kết quả đàn ong sinh trưởng phát triển tốt, năng suất khai thác mật đạt bình quân 18,1 kg/đàn/năm, sản phẩm mật ong đảm bảo an toàn thực phẩm. Dự án "Ứng dụng các giải pháp khoa học và công nghệ để phát triển đàn bò thịt chất lượng cao" tại huyện Yên Sơn và Sơn Dương, kết quả đã thực hiện phối giống cho 230 con bò cái có chửa; mô hình chăn thả lợn rừng sinh sản theo hướng an toàn sinh học gắn với doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm, quy mô 40 con/4 hộ tại 4 xã: Thanh Tương, Hồng Thái, Đà Vị, Năng Khả (Na Hang), kết quả số con đẻ ra 5 con/lứa, tỷ lệ nuôi sống lợn con sau khi sinh đạt 95 %; mô hình chăn nuôi dê sinh sản, quy mô 116 con dê lai (xã Bình Yên huyện Sơn Dương, quy mô 66 con trong đó 60 con cái và 6 con đực)/10 hộ, kết quả đã có 15 con dê đẻ được 22 con dê con; xã Bình An huyện Lâm Bình, quy mô 50 con  trong đó 45 con cái và 05 con đực/05 hộ; số lứa đẻ 1,6 lứa/cái/năm, khối lượng dê sơ sinh đạt 2,3kg/con. Mô hình chăn nuôi trâu sinh sản ứng dụng công nghệ thụ tinh nhân tạo tại 02 tổ hợp tác Lập Binh và Khấu Lấu, xã Bình Yên huyện Sơn Dương, đến nay đã có 29/29 con trâu sinh sản được phối giống bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo.

Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT kiểm tra mô hình chăn nuôi dê sinh sản
 tại xã Bình An huyện Lâm Bình.

Về lĩnh vực lâm nghiệp một số mô hình có tính mới và có nhiều triển vọng để nhân rộng ra sản xuất như: Phối hợp với Trường Đại học Lâm nghiệp thực hiện Dự án “Xây dựng mô hình trồng rừng gỗ lớn thâm canh theo hướng quản lý rừng bền vững phục vụ chế biến và xuất khẩu, quy mô 25 ha tại xã Trung Sơn, Đạo Viện huyện Yên Sơn. Triển khai mô hình trồng tre lục trúc lấy măng gắn với phát triển du lịch sinh thái tại xã Hồng Thái (Na Hang) với quy mô 1,5 ha, 4 hộ tham gia. Giống tre lục trúc có nguồn gốc phân bổ tự nhiên chủ yếu ở vùng á nhiệt đới thuộc khu vực châu Á như Trung Quốc, Đài Loan. Tre lục trúc là loài tre thân ngầm mọc thành cụm thưa cây, chiều cao cây từ 8 - 9m; đường kính thân cây từ 3 - 7cm, tối đa đạt 10cm. Măng lục trúc là thực phẩm tốt, có lợi cho sức khỏe con người, có nhiều dinh dưỡng về đường, chất khoáng và các loại vitamin… Măng có thể dùng tươi, sấy khô, ướp làm đồ hộp xuất khẩu. Thân tre có thể làm nông cụ, làm đồ dùng mỹ nghệ, làm nguyên liệu giấy. Lá có thể dùng gói bánh, nguyên liệu men rượu… góp phần thay đổi tư duy nhận thức của người nông dân trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa cây trồng mới có giá trị kinh tế cao vào sản xuất hàng hoá gắn với phát triển du lịch, nâng cao giá trị và tăng thu nhập cho người dân địa phương.

Cán bộ kỹ thuật kiểm tra mô hình trồng tre lục trúc lấy măng gắn
với phát triển du lịch sinh thái tại thôn Nà Kiếm, xã Hồng Thái huyện Na Hang

Ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho biết, trước khi triển khai thực hiện mô hình, Trung tâm đã phối hợp với cơ quan chuyên môn huyện, UBND các xã, thị trấn khảo sát, lựa chọn các mô hình gắn với nhu cầu thực tế của nông dân, phù hợp với định hướng phát triển, tái cơ cấu của ngành nông nghiệp tỉnh. Đối với mỗi mô hình cụ thể, cán bộ kỹ thuật của Trung tâm thường xuyên bám sát cơ sở, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, hỗ trợ người dân tháo gỡ khó khăn trong quá trình thực hiện. Nhờ các giải pháp thiết thực, thông qua các mô hình khuyến nông, trung tâm đã đưa các tiến bộ khoa học công nghệ đến gần với người dân; giúp bà con thay đổi phương thức sản xuất, chủ động áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, góp phần tăng năng suất và sản lượng cây trồng, vật nuôi./.

Bài, ảnh: Đinh Văn Tam - Trung tâm Khuyến nông tỉnh

Tin cùng chuyên mục