![]() Cán bộ Trung tâm Khuyến nông tỉnh kiểm tra mô hình lúa DT39 Quế Lâm có sử dụng phân hữu cơ vi sinh tại xã Hoàng Khai (Yên Sơn). |
Vụ mùa năm 2018, Trạm Khuyến nông huyện Yên Sơn phối hợp với Công ty TNHH MTV Quế Vân Lâm Phương Bắc thực hiện mô hình sử dụng phân hữu cơ vi sinh trên giống lúa DT39 Quế Lâm có áp dụng kỹ thuật cấy hiệu ứng hàng biên.
Trước đó, tỉnh đã áp dụng kỹ thuật thâm canh lúa cải tiến SRI, thực hiện tổng hợp các biện pháp: Quản lý dịch hại tổng hợp; quản lý dinh dưỡng và quản lý nước. Kỹ thuật cấy hiệu ứng hàng biên (2 hàng rộng 1 hàng hẹp), tức là biến mọi khóm lúa trong ruộng đều thành khóm ven bờ, mỗi m2 chỉ cấy 25 khóm thay vì 40 - 45 khóm/m2 như bình thường. Hiệu ứng hàng biên có nhiều tác dụng: Giảm công lao động, giảm lượng giống, giảm lượng phân bón sử dụng, giảm lượng thuốc bảo vệ thực vật và đặc biệt là dễ chăm sóc, nhưng năng suất lại đạt cao hơn.
Theo bà Nguyễn Thị Kim, Trưởng phòng Kỹ thuật (Trung tâm Khuyến nông tỉnh), ưu điểm của cấy theo phương pháp hiệu ứng hàng biên sẽ tận dụng tối đa lượng ánh sáng chiếu vào thân, gốc, lá, làm cho cây lúa được quang hợp tốt hơn, sinh trưởng và phát triển tốt, lúa đẻ nhánh khỏe, cây cứng, hạn chế sâu bệnh. Số bông trên khóm nhiều hơn, bông to, dài và đều, tỷ lệ hạt chắc/bông cao hơn so với cấy lúa truyền thống. Cấy theo phương pháp này không những bảo vệ được môi trường đất, nước, không khí mà còn làm tăng năng suất, sản lượng lúa cho người nông dân. Đặc biệt, khi áp dụng phương pháp này, lúa ít sâu bệnh hơn nên chất lượng gạo ngon hơn, sạch hơn, an toàn hơn.
Mô hình được thực hiện trên 1 ha với 11 hộ tại thôn Yên Thái, xã Hoàng Khai (Yên Sơn) tham gia. Ông Bùi Duy Nhất, thôn Yên Thái có 2,2 sào thực hiện mô hình cho biết, thực hiện cấy theo hiệu ứng hàng biên giảm được rất nhiều công lao động, nếu như trước đây cần 3 - 4 lao động cấy trong 1 ngày thì giờ giảm đi 1 nửa. Việc cấy cũng nhanh hơn, thẳng hơn.
Theo ông Đinh Văn Bắc, Trạm trưởng Trạm Khuyến nông Yên Sơn, ngoài áp dụng hiệu ứng hàng biên, mô hình cũng sử dụng giống lúa thuần chất lượng cao mới DT39 Quế Lâm. Đây là giống có khả năng chịu một số bệnh như khô vằn, bạc lá, đạo ôn, chịu hạn tốt, độ thuần đồng ruộng cao, đẻ nhánh tập trung, thời gian trỗ từ 5 - 7 ngày. Giống lúa này có tỷ lệ hạt chắc cao, chất lượng gạo ngon, năng suất trung bình đạt từ 55 - 65 tạ/ha, thâm canh có thể đạt 70 tạ/ha. Để so sánh, Trạm Khuyến nông Yên Sơn sử dụng giống T10 cấy theo phương pháp truyền thống làm đối chứng. Ngoài ra, để thay đổi thói quen sản xuất của bà con, cán bộ khuyến nông đã hướng dẫn người dân thay thế toàn bộ phân bón vô cơ bằng phân bón hữu cơ vi sinh và phân chuồng.
Kết quả, giống lúa DT39 Quế Lâm sử dụng phân bón vi sinh có áp dụng kỹ thuật cấy hiệu ứng hàng biên đạt năng suất 60,6 tạ/ha, trong khi giống đối chứng đạt năng suất 54,8 tạ/ha. Thu nhập trên ha của giống DT39 Quế Lâm đạt trên 1,8 triệu đồng, trừ chi phí lãi gần 723 nghìn đồng, trong khi giống đối chứng chỉ đạt khoảng 1,67 triệu đồng/ha, lãi 481 nghìn đồng.
Trạm trưởng Trạm Khuyến nông Yên Sơn Đinh Văn Bắc cho biết, hiện đơn vị đang tiếp tục phối hợp với các công ty giống xây dựng thêm các mô hình thử nghiệm tại các xã chưa thực hiện, đồng thời mở rộng diện tích gieo cấy trong những năm tiếp theo.
Bài, ảnh: Trần Liên