,

Thủy lợi

Điều tiết nguồn nước tưới phục vụ sản xuất vụ đông

Lượng nước tưới cho cây trồng vụ đông chiếm tương đối lớn, khoảng 40% tổng lượng nước tích trữ, nếu không điều tiết hợp lý nguy cơ thiếu hụt nước cho vụ xuân sau rất cao. Mở rộng diện tích tưới cho cây trồng vụ đông, ổn định nguồn nước cho vụ xuân tới, Ban Quản lý các công trình thủy lợi tỉnh, các địa phương đã có kế hoạch phân bố, điều tiết hạn chế tối đa nước thất thoát.

Hoàng Khai (Yên Sơn) là một trong những xã có truyền thống làm cây vụ đông lâu năm nhất tỉnh. Bà Đỗ Thị Hiền, thôn Yên Mỹ 1, xã Hoàng Khai cho biết, vụ đông có giá trị kinh tế cao nhất nên cứ thu hoạch xong lúa mùa là gia đình tập trung trồng cây vụ đông. Năm nay, gia đình trồng 5 sào dưa chuột, dù phải mất công sức, chăm sóc, tưới nước nhiều nhưng mỗi sào dưa cũng cho thu từ 3-4 triệu đồng. Nhiều năm làm dưa đã cho bà Hiền kinh nghiệm tiết kiệm được nước tưới và giữ được hiệu quả kinh tế từ trồng dưa. Đó là sử dụng nilon, rơm rạ sau khi thu hoạch lúa mùa phủ lên các luống dưa, nên cả vụ gia đình chỉ cần tưới từ 2-3 lần. 


Bà Đỗ Thị Hiền, thôn Yên Mỹ 1, xã Hoàng Khai (Yên Sơn) bơm nước tưới
cho diện tích dưa chuột vụ đông.


Cũng ở xã Hoàng Khai, người dân thôn Nghiêm Sơn 1 tập trung trồng rau cần. Ông Phạm Văn Hưởng, thôn Nghiêm Sơn 1 cho biết, trồng rau cần hiệu quả kinh tế rất cao, trung bình mỗi sào rau cần thu 5-7 triệu đồng/vụ, song cái khó của trồng rau cần lại là lượng nước tiêu thụ rất nhiều. Ông Hưởng luôn mong muốn Ban Quản lý, khai thác công trình thủy lợi xã quan tâm, cấp nước thường xuyên giúp người dân yên tâm sản xuất.  

Ông Lưu Văn Tài, Đội trưởng Đội Quản lý, khai thác công trình thủy lợi xã Hoàng Khai cho biết, với diện tích 31 ha mặt nước, sau 1 mùa tích nguồn nước trong hồ đạt cos 47,3 m, mức nước lý tưởng, cơ bản đủ đáp ứng nhu cầu nước tưới  sản xuất cho cả vụ đông và vụ xuân tới. Tuy nhiên, theo ông Tài, dù tích nước đạt mức thiết kế, song đơn vị cũng phải tính đến phương án phòng chống hạn bởi thời thời tiết đang diễn  biến bất thường, nhu cầu sử dụng nước tưới cho sản xuất nông nghiệp sẽ tăng. Do đó, bà con cần có kế hoạch sử dụng nước hiệu quả, lấy nước đến đâu làm đất đến đó vừa bảo đảm tiến độ vừa tránh thất thoát nguồn nước. Hiện tại mới bắt đầu sản xuất vụ đông nhu cầu nước tưới chưa cấp thiết, bà con cần tận dụng nguồn nước cuối vụ còn sót lại tại các vũng, điểm chứa, kênh mương để tưới cho cây trồng tránh lãng phí. 

Tại xã Yên Nguyên (Chiêm Hóa), bà con cũng đang áp dụng triệt để các biện pháp giữ độ ẩm trong đất nhằm giảm thiểu lượng nước phải tưới cho cây trồng. Anh Bùi Hồng Quân, thôn Yên Cốc 1 cho biết, vụ đông năm nay gia đình anh tập trung trồng ngô nếp. Quá trình trồng, anh giữ nguyên lớp rạ của vụ mùa, trỉa đất gieo hạt ngô xuống. Theo anh Quân, với cách làm đất tối thiểu độ ẩm trong đất giữ được lâu hơn. Nhận định của ngành chuyên môn, năm nay thời tiết diễn biến bất thường, lượng mưa trên địa bàn tỉnh khá thấp, chưa kể mưa phân bố không đều nên chỉ một số ít hồ chứa lớn tích trữ đủ nước thiết kế, còn tại các hồ nhỏ mực nước tích trữ chỉ đạt từ 70-80%. Trong điều kiện vụ đông ấm, khả năng diện tích gieo trồng cây trồng vụ đông năm nay sẽ tăng vọt. Do đó, nhu cầu sử dụng nguồn nước tưới sẽ tăng nếu không có biện pháp sử dụng nguồn nước hiệu quả, nguy cơ thiếu hụt nước cho vụ xuân tới là rất cao.

Trước tình hình trên, Chi cục Thủy lợi (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đề nghị Ban Quản lý khai thác công trình thủy lợi tỉnh, các địa phương xây dựng phương án cấp nước tiết kiệm. Các địa phương trồng cây vụ đông cần áp dụng triệt để kỹ thuật làm đất tối thiểu, áp dụng tiến bộ kỹ thuật làm nhà màng, nhà lưới để trồng rau quả; áp phương pháp tưới nhỏ giọt để tiết kiệm nguồn nước tưới, đồng thời sử dụng rơm, rạ, nilong để che phủ giữ độ ẩm cho đất. Ngoài ra, cần bố trí cơ cấu sản xuất phù hợp với điều kiện nguồn nước, tránh việc mở rộng sản xuất vượt quá năng lực thiết kế công trình và không thực hiện gieo trồng vùng ngoài công trình thủy lợi phụ trách tưới, nhằm hạn chế nguy cơ thiếu nước cho vụ xuân tới.

Báo Tuyên Quang

Tin cùng chuyên mục