,

Lâm nghiệp

Tuyên Quang phát triển bền vững nguồn lợi rừng

Năm 2015, tỉnh Tuyên Quang bắt đầu triển khai cấp chứng chỉ rừng theo tiêu chuẩn của Hội đồng quản trị rừng Thế giới (FSC) cho rừng trồng. Sau 2 năm, việc cấp chứng chỉ rừng đã giúp nông dân thuận tiện hơn trong quản lý, canh tác, khai thác các sản phẩm từ rừng và phục vụ XK lâm sản.
Hiệu quả thấy rõ
Gia đình anh Trần Thế Lực, thôn Mỹ Lộc, xã Phú Thịnh, huyện Yên Sơn trước đây chủ yếu trồng sắn, hiệu quả kinh tế không cao. Sau khi được tuyên truyền, vận động, năm 2014 anh Lực quyết định bỏ cây sắn để trồng cây keo. Cuối năm 2015, gia đình anh được Công ty CP Woodsland Tuyên Quang phối hợp với Chi cục Lâm nghiệp tỉnh, Viện Quản lý rừng bền vững điều tra, khảo sát, đánh giá và cấp chứng chỉ rừng theo tiêu chuẩn quốc tế FSC cho 6ha keo.

 

Sản phẩm rừng được cấp chứng chỉ có giá cao hơn từ 15-20% so với gỗ rừng chưa được cấp

 
Anh Lực cho biết, khi mới triển khai trồng và chăm sóc rừng theo tiêu chuẩn FSC, anh cảm thấy lo lắng vì phải tuân thủ theo những nguyên tắc, yêu cầu FSC như việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, xử lý thực bì, dung bảo hộ lao động, khai thác gỗ đúng quy trình và yêu cầu nghiêm ngặt theo tiêu chuẩn FSC.

Nhưng sau khi được tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, anh thấy làm theo tiêu chuẩn FSC không những giảm bớt chi phí sản xuất, sức lao động mà còn tăng thu nhập và bảo vệ môi trường. Anh Lực ước tính đến khi khai thác 6ha keo sẽ cho thu nhập khoảng 120 triệu đồng/ha, cao hơn rừng chưa được cấp chứng chỉ từ 10-15%.

Xã Phú Thịnh, huyện Yên Sơn hiện có trên 2.000 ha rừng trồng, thời gian qua xã tập trung tuyên truyền, đẩy mạnh hợp tác đầu tư giữa doanh nghiệp với người trồng rừng, được người dân đồng tình ủng hộ. Từ 2016 đến nay, toàn xã đã có 80 hộ được cấp chứng chỉ sản xuất rừng trồng theo tiêu chuẩn quốc tế FSC với trên 300 ha.

Ngoài cấp chứng chỉ rừng theo nhóm hộ, hiện nay các công ty lâm nghiệp đang tăng cường liên doanh, liên kết với các hộ dân, tập trung chăm sóc, bảo vệ rừng, khảo sát, đánh giá để được cấp chứng chỉ rừng bền vững. Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Sơn Dương hiện có trên 4.900 ha rừng trồng, trong đó có hơn 2.480 ha đã được cấp chứng chỉ rừng bền vững FSC.


Ông Nguyễn Tiến Khanh, PGĐ Công ty cho biết, hiện nay doanh nghiệp đang liên doanh, liên kết với các hộ dân trồng rừng theo hình thức công ty cung cấp cây giống, phân bón và kỹ thuật cho người dân trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng. Đến khi khai thác sẽ chia theo tỷ lệ người dân được hưởng 59%, công ty hưởng 41% hoặc người dân hưởng 56%, công ty hưởng 44% tùy theo từng loại cây.
 
Theo ông Nguyễn Tiến Khanh, trồng rừng theo tiêu chuẩn FSC sẽ hạn chế được những tác động về môi trường, toàn bộ rác thải như túi bầu, bao bì phân bón phải được thu gom về các địa điểm tập kết để tiêu hủy theo quy định. Khi khai thác phải khai thác theo đám rừng, không được khai thác toàn bộ, như vậy sẽ hạn chế được hiện tượng sạt lở đất. Bên cạnh đó, người lao động cũng như các hộ dân đảm bảo về thu nhập, an toàn vệ sinh lao động.
Ngày càng nhân rộng
Hiện nay, gỗ khai thác từ rừng được cấp chứng chỉ trên địa bàn Tuyên Quang được Công ty CP Woodsland Tuyên Quang thu mua toàn bộ để XK. Công ty này đang hỗ trợ kỹ thuật, hỗ trợ tài chính cho người dân nhằm nâng cao năng lực quản lý, chăm sóc, bảo vệ rừng… phù hợp với tiêu chuẩn của Hội đồng quản trị rừng thế giới để được cấp chứng chỉ rừng.

Ông Bàn Bùi Việt, Trưởng ban Chứng chỉ rừng của công ty cho biết, để tạo nguồn nguyên liệu dồi dào cho nhà máy chế biến gỗ xuất khẩu, công ty đã liên kết hợp tác với 5 công ty lâm nghiệp thực hiện cấp chứng chỉ rừng. Công ty hỗ trợ 100% kinh phí thuê đơn vị tư vấn có năng lực, uy tín để tư vấn nâng cao nhận thức về quản lý rừng bền vững cho người dân, hỗ trợ kinh phí mời tổ chức quốc tế sang đánh giá, cấp chứng chỉ rừng. Sau khi được cấp, công ty ký cam kết sẽ thu mua sản phẩm với giá cao hơn từ 10-15%.

Tỉnh Tuyên Quang có diện tích đất rừng và đất lâm nghiệp chiếm 80% tổng diện tích đất tự nhiên, độ che phủ rừng trên 60%, có tiềm năng, thế mạnh về phát triển lâm nghiệp và có sức cạnh tranh lớn về kinh tế rừng. Tuyên Quang đã đề ra nhiều giải pháp để nâng cao hiệu quả kinh tế rừng, trong đó việc thực hiện cấp chứng chỉ rừng theo tiêu chuẩn FSC là một trong những giải pháp quan trọng.
 
Ảnh: Đồng Văn Thưởng
 
Ông Triệu Đăng Khoa, Phó Chi cục trưởng Kiểm lâm tỉnh cho biết, FSC là một trong những chứng chỉ khẳng định sản phẩm gỗ được sản xuất để XK có nguồn gốc rõ ràng và thực hiện quy trình quản lý rừng bền vững theo quy định quốc tế. Khi quản lý rừng bền vững theo FSC, trình độ quản lý của người quản lý và các bên liên quan thực hiện sản xuất lâm nghiệp được nâng cao, trách nhiệm bảo vệ môi trường đối với người trồng rừng cũng được nâng lên.

Việc trồng rừng theo chuẩn thế giới thực sự là một bước tiến dài trong ngành sản xuất lâm nghiệp tại tỉnh Tuyên Quang, xóa bỏ tình trạng trồng rừng tự phát, không áp dụng KHKT. Các sản phẩm từ rừng có chất lượng tốt, giá thành cao, góp phần hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Bên cạnh đó, quyền lợi của người lao động cũng được đảm bảo về các chế độ tiền lương, bảo hiểm, bảo hộ lao động và bình đẳng giới. Đến nay, toàn tỉnh đã cấp chứng chỉ được gần 12.500 ha. Mục tiêu đến 2020, tỉnh sẽ có trên 20.000 ha rừng được cấp chứng chỉ.
 
ĐỒNG VĂN THƯỞNG - nongnghiep.vn
 

Tin cùng chuyên mục