,

Lâm nghiệp

Tuyên Quang: Chú trọng phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững

Thời gian qua, tỉnh Tuyên Quang đã đẩy mạnh triển khai các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện mục tiêu trồng rừng gắn với công nghiệp chế biến để nâng cao giá trị kinh tế. Đồng thời, hướng đến mục tiêu trở thành trung tâm chế biến gỗ rừng trồng công nghệ cao. Nông, lâm nghiệp được coi là một trong những lĩnh vực quan trọng trong cơ cấu kinh tế của tỉnh.

Để nâng cao chất lượng gỗ rừng trồng, tỉnh Tuyên Quang đang đẩy mạnh triển khai đến người dân, thực hiện trồng rừng theo tiêu chuẩn quốc tế về quản lý rừng bền vững.

Theo đánh giá của các chủ rừng, trồng rừng theo tiêu chuẩn mới, giúp sản lượng gỗ cao hơn rừng thường từ 10 -15%; giá bán gỗ từ rừng được cấp chứng chỉ cũng tăng từ 10 đến 15%. Đây là một tín hiệu tích cực trong định hướng phát triển rừng ở Tuyên Quang.

Thống kê cho thấy, toàn tỉnh Tuyên Quang đã có hơn 36.900 ha rừng được cấp chứng chỉ theo tiêu chuẩn quốc tế về quản lý rừng bền vững. Bên cạnh đó, Tuyên Quang còn tạo điều kiện thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chế biến lâm sản, đảm bảo đầu ra ổn định cho sản phẩm rừng trồng của người dân. Nhờ đó, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực lâm nghiệp cũng đẩy mạnh liên kết, hỗ trợ người trồng rừng bằng cách cam kết bao tiêu sản phẩm, hỗ trợ cây giống, kỹ thuật…


Để nâng cao chất lượng gỗ rừng trồng, tỉnh Tuyên Quang đang đẩy mạnh triển khai đến người dân, thực hiện trồng rừng và theo tiêu chuẩn quốc tế về quản lý rừng bền vững. (Ảnh: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tuyên Quang)

Đến nay, tổng diện tích rừng hiện có của tỉnh Tuyên Quang là hơn 422.400ha, trong đó diện tích rừng trồng gỗ nguyên liệu là trên 140.700ha; tỷ lệ che phủ rừng của tỉnh Tuyên Quang đạt hơn 65%, đứng thứ 3 cả nước. Từ nay đến năm 2025, tỉnh Tuyên Quang đặt ra mục tiêu phát triển thêm 20.000ha rừng gỗ lớn, nâng tổng số diện tích rừng gỗ lớn trên địa bàn toàn tỉnh lên 89.000ha.

Để đạt được mục tiêu đề ra trong giai đoạn 2021 – 2025, các nghị quyết, đề án của tỉnh Tuyên Quang đã đồng hành, hỗ trợ người dân chuyển từ rừng trồng gỗ nhỏ sang gỗ lớn. Trong đó, tỉnh thực hiện hỗ trợ cây giống lâm nghiệp để trồng rừng bằng các loài cây keo lai mô, cây keo tai tượng nhập ngoại, dổi, sấu, trám trắng; hỗ trợ phát triển cây dược liệu, lâm sản ngoài gỗ, bảo tồn, trồng mới các loại cây đặc sản, cây dược liệu có giá trị; xem xét hỗ trợ lãi suất vay các tổ chức tín dụng trung hạn, dài hạn đối với tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trồng rừng sản xuất.

Theo ghi nhận, tỉnh Tuyên Quang có thế mạnh về  phát triển sản xuất lâm nghiệp với 448.556 ha đất lâm nghiệp, chiếm 76% tổng diện tích đất tự nhiên, trong đó diện đất có rừng là 426.042,45 ha (rừng tự nhiên là 233.170,65 ha, rừng trồng 192.871,8 ha).

Hàng năm, tỉnh trồng được trên 11.000 ha rừng, sản lượng khai thác 880 nghìn m3/năm, độ che phủ của rừng luôn duy trì trên 65%, là một trong những tỉnh có độ che phủ lớn nhất cả nước, đã hình thành vùng nguyên liệu rừng trồng trên 190.000 ha, trong đó có trên 36.900 ha rừng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững theo tiêu chuẩn FSC.

Thời gian tới, Tuyên Quang tiếp tục thực hiện hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp tổ chức sản xuất hiệu quả ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản gắn với xây dựng nông thôn mới; đẩy mạnh phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản hàng hóa, liên kết theo chuỗi giá trị, phát triển bền vững gắn với công nghiệp chế biến, tập trung vào các vùng sản xuất hàng hóa, sản phẩm chủ lực hiện có của tỉnh; tăng diện tích sản xuất sản phẩm nông nghiệp sạch (vietgap, hữu cơ...).

Đến năm 2025, kiên cố hóa 300 km kênh mương nội đồng, năm 2023 dự kiến 62,7 km. Nâng cao hiệu quả phát triển lâm nghiệp, phấn đấu giai đoạn 2021-2025 tốc độ tăng quân giá trị sản xuất đạt thêm 9%/năm, trồng trên 48.500 ha rừng tập trung (trong đó năm 2023 trồng trên 9.700 ha); duy trì diện tích rừng trồng trên 190.000 ha, tăng diện tích rừng cấp chứng chỉ FSC lên trên 90.000 ha vào năm 2026; duy trì tỷ lệ che phủ rừng trên 65%; tiếp tục thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư chế biến sản phẩm gỗ rừng trồng.

Phấn đấu giá trị sản xuất ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản năm 2023 tăng trên 4%, xây dựng Tuyên Quang là Trung tâm lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao và trung tâm sản xuất, chế biến gỗ vùng trung du và miền núi Bắc Bộ. Tập trung chỉ đạo thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021-2025, đảm bảo toàn diện, hiệu quả, bền vững, chất lượng đời sống của người dân ngày càng được nâng lên. Phấn đấu đến hết năm 2025, có 85 xã đạt chuẩn; huyện Hàm Yên đạt chuẩn huyện nông thôn mới.

Tạp chí Doanh nghiệp và Kinh tế xanh

Tin cùng chuyên mục