,

Lâm nghiệp

Phát triển công nghiệp chế biến gỗ

Với mục tiêu trở thành tỉnh điển hình về phát triển kinh tế lâm nghiệp, cứ điểm quan trọng của ngành gỗ và lâm sản, hướng tới trở thành trung tâm chế biến gỗ, đồ gỗ nội thất, sản phẩm xuất khẩu, tỉnh đã thu hút, tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp hoạt động ổn định.

Công ty TNHH Huilling Wood Products, cụm công nghiệp Thắng Quân (Yên Sơn) sản xuất gỗ ván dán xuất khẩu vào thị trường Mỹ

Sau 3 năm đi vào hoạt động, Công ty TNHH Huilling Wood Products, cụm công nghiệp Thắng Quân (Yên Sơn) đã tạo ra một lượng sản phẩm lớn. Theo bà Tô Thị Thái, Trợ lý giám đốc Công ty gỗ Huiling cho biết, với 2 dây chuyên sản xuất gỗ ván dán xuất khẩu, trung bình mỗi năm công ty thu mua, chế biến khoảng 15.000 m3 gỗ nguyên liệu. Hiện sản phẩm ván dán cao cấp của công ty được xuất khẩu trực tiếp vào thị trường Mỹ. Đáp ứng nhu cầu của đối tác đồng thời khai thác nguồn nguyên liệu tại chỗ, công ty đang đầu tư hàng chục tỷ đồng để mở rộng quy mô nhà xưởng. Dự kiến công suất chế biến gỗ nguyên liệu sẽ tăng lên 1,5 lần so với hiện tại.

Công ty cổ phần Woodsland Tuyên Quang là doanh nghiệp chế biến gỗ lớn số 1 tại tỉnh tiếp tục mở rộng địa bàn hoạt động. Ông Lê Quang Khánh, Giám đốc Công ty phấn khởi cho biết, công ty đang đầu tư xây dựng thêm 1 nhà máy chế biến gỗ tại cụm công nghiệp An Thịnh (Chiêm Hóa) trên diện tích 2,9 ha, với công suất 10.000 nghìn m3 nguyên liệu/năm. Toàn bộ dây chuyền, thiết bị máy móc chế biến gỗ ở đây đều được nhập khẩu từ Đài Loan với công nghệ hiện đại nhất nhằm đáp ứng đòi hỏi ngày càng khắt khe của các nước nhập khẩu. Theo kế hoạch nhà máy sẽ đi vào hoạt động vào cuối năm 2022. Ông Lê Quang Khánh khẳng định, 6 nhà máy đặt ở các vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng trọng điểm của tỉnh sẽ mang lại lợi ích kinh tế cho đôi bên, doanh nghiệp, người trồng rừng, hình thành một chuỗi khép kín, từ sản xuất đến chế biến, hoàn thiện sản phẩm đồ gỗ phục vụ xuất khẩu.

Toàn tỉnh hiện có trên 10 doanh nghiệp có nhà máy chế biến gỗ đang hoạt động, trong đó có 8 công ty lớn máy lớn, với công suất chế biến từ 20-130 nghìn m3/năm. Nổi bật trong lĩnh vực này là Công ty cổ phần giấy An Hòa. Hiện công ty đang vận hành 2 dây chuyền sản xuất: Dây chuyền bột giấy, công suất 130.000 tấn/năm và dây chuyền giấy cao cấp, công suất 140.000 tấn/năm. Công ty không ngừng đổi mới dây chuyền công nghệ, đa dạng hóa các sản phẩm, tạo sức cạnh tranh trên thị trường. Các sản phẩm của công ty như bột giấy trắng, giấy in, giấy viết, giấy photocopy đang được xuất khẩu sang thị trường nhiều nước như: Ấn Độ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản. Công ty cổ phần Woodsland Tuyên Quang công suất thiết kế 150.000m3 sản phẩm/năm, với các sản phẩm: ván dăm, ván ép và các sản phẩm đồ gỗ nội, ngoại thất từ gỗ rừng trồng. Tổng hợp từ Sở Công thương, giá trị sản xuất ngành lâm nghiệp năm 2021 đạt 1.600 tỷ đồng, tăng bình quân gần 8%/năm, chiếm trên 15% giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản. Tính đến cuối tháng 8, giá trị sản xuất ngành lâm nghiệp tương đương với năm 2021, dự kiến con số này còn tăng từ nay đến cuối năm.

Công ty TNHH gỗ Acacia, cụm công nghiệp sản xuất gỗ thanh xuất khẩu vào thị trường Thụy Điển.

Tiếp tục nâng cao giá trị kinh tế lâm nghiệp, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp chế biến gỗ phát triển ổn định, bền vững, tỉnh đã thực hiện đồng bộ các giải pháp như: Thực hiện quy hoạch vùng nguyên liệu phục vụ công nghiệp chế biến; thực hiện chuyển hóa từ rừng gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn; mở rộng diện tích cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững (FSC). Hiện tại, tỉnh đã quy hoạch 200 nghìn ha rừng trồng phục vụ chế biến; chuyển hóa trên 40 nghìn ha từ rừng gỗ nhỏ sang gỗ lớn và cấp chứng chỉ FSC cho các chủ rừng, hộ gia đình với diện tích trên 35 nghìn ha.

Với quyết tâm thu hút đầu tư tốt hơn nữa, tạo mối liên kết liên hoàn trong các tuyến giao thông trên địa bàn tỉnh, kết nối với các địa phương trong vùng, tỉnh đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng, sớm hoàn thành đưa vào sử dụng 2 tuyến đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ và Tuyên Quang - Hà Giang; nâng cấp các tuyến giao thông liên kết vùng (trục ngang, trục dọc) với các tỉnh trong khu vực, trọng tâm là Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Thái Nguyên, Bắc Cạn, Yên Bái, Hà Giang…Quy hoạch và xây dựng các khu, cụm công nghiệp ở các vị trí thuận lợi; xây dựng hoàn thiện đường giao thông vào vùng nguyên liệu, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho sản xuất, kinh doanh thu hút các doanh nghiệp mới vào đầu tư các dự án phát triển vùng nguyên liệu và sản xuất, chế biến gỗ rừng trồng.

Báo Tuyên Quang

Tin cùng chuyên mục