Tuyên Quang có độ che phủ rừng lớn. (Ảnh: P. Họ).
Kết quả bảo vệ rừng luôn đạt mục tiêu kế hoạch đề ra: Số vụ vi phạm các quy định của pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng hàng năm giảm so với giai đoạn 2011-2015 là 916 vụ/năm; diện tích rừng bị thiệt hại do vi phạm giảm bình quân 29 ha/năm so với giai đoạn 2011-2015.
Công tác phát triển, nâng cao năng suất chất lượng rừng trồng được chú trọng, trồng rừng tập trung được 53.570,4 ha, bằng 105% so với kế hoạch giai đoạn, trong đó trồng rừng phòng hộ đặc dụng được 572 ha, đạt 113,4% so kế hoạch giai đoạn; trồng rừng sản xuất được 55.003,4 ha, bằng 105% so kế hoạch giai đoạn; trồng cây phân tán được 1.919,5 nghìn cây.
Năng suất rừng tại thời điểm khai thác bình quân giai đoạn đạt 15m3/ha/năm.
Tỷ lệ diện tích rừng trồng được kiểm soát giống chiếm trên 80% tổng diện tích rừng trồng hằng năm.
Giai đoạn 2016-2020, tổng sản lượng gỗ khai thác ước đạt 4.180 nghìn m3, trong đó: Khai thác gỗ rừng trồng tập trung được 42.250 ha; sản lượng 3.600 nghìn m3; sản lượng gỗ cây trồng phân tán 580 nghìn m3, tốc độ tăng giá trị sản xuất giai đoạn đạt 6,5%; cấp chứng chỉ rừng được 30.366 ha, chiếm13% tổng diện tích rừng sản xuất của tỉnh, tạo việc làm cho trên 44 nghìn lao động tại địa phương.
Cũng trong giai đoạn này, tỉnh Tuyên Quang đã và đang sử dụng các nguồn vốn với tổng kinh phí dự kiến là 361.520,07 triệu đồng, trong đó: Ngân sách Trung ương: 222.840,3 triệu đồng(Đầu tư phát triển:55.000 triệu đồng; sự nghiệp:167.840,3 triệu đồng). Ngân sách địa phương: 41.829,9 triệu đồng.(Đầu tư phát triển: 34.494,2 triệu đồng; sự nghiệp: 7.335,7 triệu đồng).
Thêm vào đó, kế hoạch sử dụng nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng khoảng 55.020 triệu đồng.
Khó khăn, thách thức
Mặc dù vậy, công tác phát triển lâm nghiệp bền vững ở Tuyên Quang vẫn còn vấp phải vô số những khó khăn. Điển hình là công tác giao đất, giao rừng cho các tổ chức, hộ gia đình cá nhân theo quy định còn chậm, đến nay, toàn bộ diện tích rừng tự nhiên trên đất lâm nghiệp đã giao cho hộ gia đình, cá nhân, nhưng chưa được giao rừng; diện tích rừng tự nhiên chưa có chủ quản lý chiếm tỷ lệ lớn trong tổng diện tích rừng tự nhiên của tỉnh (63%), do tỉnh còn khó khăn về việc bố trí nguồn kinh phí, trong khi nguồn vốn Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016-2020, Trung ương không bố trí vốn cho hoạt động này.
Ngoài ra, tình trạng vi phạm pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng vẫn còn diễn biến phức tạp, tình trạng phá rừng, khai thác, vận chuyển, chế biến lâm sản trái pháp luật vẫn đang tồn tại. Nguyên nhân chủ yếu là do chất lượng công tác tuyên truyền pháp luật về quản lý, bảo vệ phát triển rừng và quản lý lâm sản chưa cao, chưa phân hóa được các đối tượng để có hình thức tuyên truyền phù hợp, hình thức tuyên truyền chưa đa dạng; đối tượng tuyên truyền chủ yếu là người dân sống ở liền rừng trình độ dân trí không đồng đều, nên khả năng tiếp thu còn hạn chế.

Trạm Kiểm lâm Yên Hoa thu giữ tang vật từ các đối tượng
vi phạm pháp luật về khai thác lâm sản. (Ảnh: P. Họ)
Cơ sở hạ tầng lâm nghiệp hiện còn hạn chế, điều kiện nơi làm việc của lực lượng Kiểm lâm, Ban quản lý rừng còn khó khăn, hiện nay toàn tỉnh có 10 Hạt Kiểm lâm, 40 trạm, 32 chốt bảo vệ rừng, 05 Ban quản lý rừng, trong đó chỉ có 03 Hạt Kiểm lâm cơ bản đáp ứng được điều kiện làm việc và sinh hoạt của cán bộ kiểm lâm (tức nhà xây 02 tầng), các Hạt Kiếm lâm, Trạm, Chốt bảo vệ rừng còn lại là nhà tạm, nhà gỗ được xây dựng từ nhiều năm đã xuống cấp, hư hỏng; đường vận chuyển lâm sản chưa đáp ứng nhu cầu khai thác, một số địa phương trong tỉnh có hàng ngàn ha rừng và đất lâm nghiệp nhung chưa được khai thác, hoặc chi phí khai thác cao nên giá trị thu nhập của rừng đạt thấp, chủ yếu là do đường sá, cầu, cống chưa được đầu tư nâng cấp.
Nguồn hỗ trợ, đầu tư cho phát triển lâm nghiệp đến nay còn hạn chế; cơ chế huy động vốn từ nguồn vốn ưu đãi của nhà nước cho các doanh nghiệp còn gặp khó khăn do cần nhiều điều kiện và lãi suất vay cao…
Không những thế, dữ liệu theo dõi diễn biến rừng hàng năm hiện chủ yếu mang tính chất thống kê, báo cáo, chưa tạo được cơ sở dữ liệu bản đồ; việc áp dụng công nghệ hiện đại như viễn thám, GIS còn hạn chế…
Hiện tỉnh Tuyên Quang đang đề nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT tạo điều kiện giúp đỡ để tỉnh này được tham gia các dự án đầu tư lâm nghiệp do Bộ làm chủ đầu tư.
Đồng thời, mong muốn trung ương quan tâm thẩm định Đề án phát triển kinh tế lâm nghiệp địa phương giai đoạn 2021-2035.