,

Lâm nghiệp

Na Hang hướng tới phát triển “du lịch xanh”

“Ai lên Tuyên Quang, ngược vòng cung Lô Gâm tới Na Hang quê em...

phượng hoàng đã về đây, em mong anh về đây anh ơi...

thương anh như chín mươi chín ngọn núi, nhớ anh như núi Pác Tạ anh ơi..."

Chắc hẳn khi ai đã từng nghe giai điệu bài hát “Tâm tình cô gái Na Hang” của nhạc sỹ Lê Việt Hòa cũng đều bồi hồi, xao xuyến. Bài hát như lời mời gọi du khách đến với Na Hang để hòa mình vào cảnh quan thiên nhiên, nét đặc trưng về khí hậu và sự phong phú về văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc nơi đây.

Con đường trải nhựa dài 108 km như một dải lụa mềm mại nối  từ thành phố Tuyên Quang đến Na Hang trải qua nhiều cung đường quanh co, uốn lượn. Sau hơn 2 giờ đồng hồ một thị trấn nhỏ mờ sương giữa miền sơn cước hiện lên trước mắt du khách.

Na Hang hướng tới phát triển "du lịch xanh"

Đến Na Hang, khách du lịch không thể bỏ qua Khu bảo tồn thiên nhiên Na Hang với trên 33.000 ha thuộc địa bàn các xã Thanh Tương, Sơn Phú, Khâu Tinh, Côn Lôn và thị trấn Na Hang, giáp với các xã của huyện Chiêm Hóa, Lâm Bình và huyện Chợ Đồn (Bắc Kạn). Trong khu bảo tồn có trên 21.000 ha là rừng đặc dụng, khí hậu mang tính chất của khí hậu vùng núi cao. Có hai con sông lớn chảy qua là sông Gâm và sông Năng. Tại khu bảo tồn thiên nhiên Na Hang còn khoảng 68% diện tích là rừng ẩm nhiệt đới vẫn còn ở tình trạng nguyên sinh, cảnh quan thiên nhiên kỳ vỹ, có độ đa dạng sinh học cao. Đến nay, các nhà khoa học đã xác định được trên 2.000 loài thực vật, nhiều loại được ghi trong sách Đỏ Việt Nam như trai, nghiến, lát hoa, đinh, thông tre, hoàng đàn, trầm gió, nhiều loài lan, cây thuốc quý… Khu bảo tồn có nhiều loài chim, thú quý, hàng nghìn loại cá, trong đó có cá Dầm xanh, Anh Vũ; nhiều loài động vật trong khu bảo tồn được ghi trong sách Đỏ Việt Nam, sách Đỏ thế giới như voọc mũi hếch, voọc đen mũi trắng, rùa đất… nhận được sự quan tâm của du khách du lịch ưa thích trải nghiệm, khám phá.

Na Hang sẽ thí điểm tour du lịch khám phá, du lịch trải nghiệm rừng

Với mục tiêu bảo tồn và phát huy các giá trị cảnh quan thiên nhiên, khai thác tiềm năng, lợi thế về sự đa dạng sinh học của tài nguyên rừng. Huyện Na Hang đã xây dựng Đề án thí điểm tour du lịch khám phá, du lịch trải nghiệm rừng. Theo đó, sẽ tiến hành thí điểm 7 tuyến du lịch chính trong rừng đặc dụng, rừng phòng hộ. Chiều dài trung bình sẽ từ 4 đến 9 km tùy theo từng tuyến. Tham gia trải nghiệm các tour du lịch này, du khách sẽ có nhiều hơn một chuyến đi, được nghe về diễn thế rừng, ngắm nhìn quần thể cây Nghiến, cây Trai trên hàng nghìn năm tuổi; hít thở không khí trong lành, tĩnh tâm lắng nghe tiếng chim hót nơi rừng già nguyên sinh - được “tắm rừng” và thưởng thức ẩm thực của miền sơn cước. Bên cạnh việc thực hiện các đề án phát triển du lịch, huyện cũng đẩy mạnh công tác bảo vệ rừng, xác định trạng thái rừng, phân khu chức năng; có giải pháp cụ thể về bảo vệ hệ sinh thái rừng, bảo vệ động, thực vật rừng; phòng, chống cháy rừng; đầu tư, sửa chữa trạm, chốt bảo vệ rừng, bổ sung các vật tư thiết yếu...

Thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Vừa qua, đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương làm trưởng đoàn đã đến thăm  làm việc tại huyện Na Hang. Đồng chí đánh giá cao tỉnh Tuyên Quang, đặc biệt là huyện Na Hang đã thực hiện tốt công tác giữ gìn và phát huy tiềm năng, thế mạnh vốn có của hồ sinh thái Na Hang. Đây là điều kiện tốt để Tuyên Quang đầu tư phát triển du lịch như du lịch trải nghiệm rừng, du lịch tâm linh… Để làm tốt được điều này, tỉnh Tuyên Quang cần có lộ trình cụ thể, thu hút mời gọi các nhà đầu tư, tăng cường quảng bá phát triển du lịch, xây dựng các tour tuyến liên kết với các tỉnh bạn như Hà Giang, Bắc Kạn…. Bên cạnh đó vẫn làm tốt công tác bảo vệ rừng, giữ gìn cảnh quan thiên nhiên vốn có; bảo vệ môi trường sinh thái, phát huy bản sắc văn hóa của các dân tộc để thu hút khách du lịch.

Đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương và lãnh đạo tỉnh Tuyên Quang khảo sát công tác bảo vệ rừng tại huyện Na Hang

Những năm gần đây, du lịch Na Hang được quảng bá trên sóng Đài Truyền hình Việt Nam với các Chương trình S Việt Nam, điểm đến du lịch hấp dẫn Chương trình Việt Nam thức giấc; Tiếng hát trong trái tim đồng bào; Hành trình di sản “Nàng tiên xanh của núi” đã góp phần thu hút đông đảo khách du lịch trong và ngoài nước. Huyện Na Hang phấn đấu đến năm 2025 xây dựng Danh lam thắng cảnh Quốc gia đặc biệt Na Hang – Lâm Bình là trung tâm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch khám phá có thương hiệu Quốc gia, tiến tới thương hiệu Quốc tế; hằng năm đón trên 350.000 lượt khách du lịch, doanh thu xã hội từ du lịch đạt trên 430 tỷ đồng, tạo việc làm cho khoảng hơn 5.600 lao động.

Đồng chí Tô Viết Hiệp, Phó Bí thư huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Na Hang nhấn mạnh, trong thời gian tới, huyện Na Hang tập trung xây dựng chiến lược phát triển du lịch theo hướng bền vững và chuyên nghiệp, lấy du lịch sinh thái là trung tâm để phát triển các sản phẩm du lịch vệ tinh, các chuỗi sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng, phát triển du lịch rừng, lịch sử, du lịch cộng đồng... gắn với phát huy truyền thống văn hóa đậm đà bản sắc của các dân tộc. Tập trung nguồn lực đẩy mạnh phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng du lịch, đồng thời chú trọng lồng ghép đầu tư hạ tầng du lịch với các chương trình, đề án phát triển kinh tế - xã hội của huyện để tạo đà đột phá cho du lịch phát triển trở thành ngành kinh tế quan trọng.

Cổng thông tin điện tử huyện Na Hang

Tin cùng chuyên mục