,

Lâm nghiệp

Không ngừng mở rộng diện tích rừng FSC

Tính đến hết tháng 9 - 2019, diện tích rừng được cấp chứng chỉ FSC của Tuyên Quang đã tăng thêm 6.203 ha. Diện tích cấp mới không ngừng tăng đã đưa tỉnh ta trở thành tỉnh đứng đầu cả nước về diện tích rừng được cấp chứng chỉ với tổng diện tích 25.363 ha.

Tính đến hết tháng 9 - 2019, diện tích rừng được cấp chứng chỉ FSC của Tuyên Quang đã tăng thêm 6.203 ha. Diện tích cấp mới không ngừng tăng đã đưa tỉnh ta trở thành tỉnh đứng đầu cả nước về diện tích rừng được cấp chứng chỉ với tổng diện tích 25.363 ha.


Cán bộ Công ty cổ phần phát triển Lâm nghiệp Phú Lâm kiểm tra rừng trồng theo tiêu chuẩn FSC
 tại xã Tú Thịnh (Sơn Dương). 

Trong số 6.203 ha được cấp mới, có 115 ha của 11 hộ gia đình, cá nhân; 6.088 ha của hợp tác xã, doanh nghiệp; tổng số hộ được cấp chứng chỉ là 857 hộ. Diện tích được cấp lần này nằm ở 3 địa phương gồm Yên Sơn, Sơn Dương và Chiêm Hóa. Ngoài diện tích của 11 hộ gia đình, cá nhân ở Trung Minh (Yên Sơn) thì phần lớn diện tích rừng được cấp chứng chỉ lần này do Công ty cổ phần Phát triển lâm nghiệp Phú Lâm liên kết với nhóm hộ trồng rừng ở các xã Phú Lâm, Mỹ Bằng, Chân Sơn, Nhữ Khê, Đội Bình, Tiến Bộ (Yên Sơn) và Tú Thịnh (Sơn Dương) thực hiện.

Ông Triệu Đăng Khoa, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết, để rừng được cấp chứng chỉ FSC, từ trước đó, người dân phải liên kết thành nhóm, bầu ra ban quản lý để phụ trách công việc chung như lập và quản lý hồ sơ, điều hành... Các thành viên tham gia nhóm phải tự nguyện thực hiện các nguyên tắc như đất trồng rừng phải có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, diện tích tối thiểu là 1 ha, rừng được hình thành trên đất trống, kế hoạch trồng rừng phải phù hợp với kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt.

Trung Minh là xã duy nhất của Yên Sơn được cấp chứng chỉ cho 115 ha rừng lần này. Diện tích rừng này nằm trên địa bàn 3 thôn Minh Lợi, Khuôn Nà, Bản Pình. Theo UBND xã, vì là diện tích rừng của hộ gia đình, cá nhân, nên việc tuyên truyền, vận động người dân tuân thủ nguyên tắc sản xuất rừng bền vững được UBND xã đặc biệt coi trọng. Trong các cuộc họp xã, họp thôn, những nguyên tắc sản xuất rừng bền vững luôn được lồng ghép, nhấn mạnh theo kiểu “mưa dầm thấm lâu”. Ông Chu Phúc Quý, thôn Bản Pình vừa được cấp chứng chỉ cho gần 6 ha rừng trồng của gia đình. Ông Quý cho biết, năm 2018 khi được xã vận động tham gia thực hiện cấp chứng chỉ rừng, ông cũng băn khoăn, vì lâu nay việc trồng rừng ở đây vẫn theo tập quán cũ, từ phát, đốt thực bì đến chuyện sử dụng thuốc bảo vệ thực vật… Nhưng sau khi áp dụng theo các tiêu chuẩn này, ông thấy mọi việc khó hay dễ đều do ý thức của mình mà ra. 

Xã Tú Thịnh (Sơn Dương) cũng vừa được cấp chứng chỉ rừng FSC vào đầu tháng 5 - 2019. Ông Trương Ngọc Khởi, Chủ tịch UBND xã cho biết, từ năm 2018, Công ty cổ phần Woodsland Tuyên Quang liên kết với Công ty cổ phần Phát triển lâm nghiệp Phú Lâm thực hiện cấp chứng chỉ cho 1.037 ha của người dân trong xã. 

Ông Lương Văn Ngọc, thôn Tú Tạc, xã Tú Thịnh có 20 ha rừng keo vừa được cấp chứng chỉ rừng. Ông Ngọc cho biết, trước đây, do trồng rừng tự do không chú ý đến chất lượng cây giống, kỹ thuật chăm sóc, nên năng suất thấp, giá thành cũng không ổn định, thường xuyên bị thương lái ép giá. Sau khi chuyển hóa rừng keo theo tiêu chuẩn FSC, rừng của gia đình ông đã được quản lý chặt chẽ, chăm sóc theo đúng quy trình kỹ thuật nên năng suất, chất lượng gỗ được nâng cao. Được cấp chứng chỉ FSC giá gỗ bán của gia đình được cam kết sẽ cao hơn rừng thường từ 2 đến 2,5 lần so với trước kia. 

Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Triệu Đăng Khoa cho rằng, chứng chỉ này có hiệu lực trong vòng 5 năm nên sau khi đã được cấp chứng chỉ, việc giữ được chứng chỉ trong vòng 5 năm cũng là một thách thức. Đặc biệt, trong quá trình trồng và chăm sóc không sử dụng phân bón, chất hóa học đã bị cấm, không được săn bắt, khai thác động, thực vật trái phép, không cho khai thác trắng vùng đệm dọc theo nguồn nước. Bên cạnh đó, chế độ nhân công và điều lệ an toàn lao động cũng được quy định chặt chẽ, nhất là không sử dụng lao động trẻ em.

Rừng đạt chuẩn FSC là mô hình rất phù hợp với chiến lược phát triển của ngành lâm nghiệp. Tuyên Quang cũng đã có chủ trương chọn lâm nghiệp làm khâu đột phá trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp để tạo ra lợi thế cạnh tranh, mà điểm nhấn là chú trọng phát triển rừng FSC. Chính vì thế, không ngừng mở rộng diện tích rừng được cấp chứng chỉ đang được các địa phương tích cực thực hiện, với mục tiêu là quản lý, bảo vệ và phát huy hiệu quả kinh tế lâm nghiệp. 

Báo Tuyên Quang

Tin cùng chuyên mục