,

Lâm nghiệp

Giá trị từ cây bản địa

Cây bản địa là những loại cây phát triển và phân bố tự nhiên tại địa phương, phù hợp với đất đai, khí hậu và gần gũi với cuộc sống người dân bao đời nay. Trước đây, việc trồng cây bản địa của bà con gần như là tự phát, mục tiêu là giữ đất và làm giàu cho đất là chính. Chỉ khi kinh tế lâm nghiệp từng bước trở thành trụ cột, thì cây bản địa mới được quan tâm, vừa đa dạng nguồn thu, vừa đa dạng nguồn cây giống lâm nghiệp.

Cây làm giàu

Trám, sấu, dổi, xoan, mỡ, quế... là cây trồng từ lâu đời của người dân trong tỉnh. Xã Sơn Phú dẫn đầu huyện Na Hang về diện tích rừng trồng các giống cây bản địa như xoan, tre, vầu. Toàn xã có gần 2.000 ha xoan và trên 1.000 ha tre, vầu. Trước đây, người dân đã đưa một số loại cây lâm nghiệp khác về trồng tại địa phương, tuy nhiên không hiệu quả. Khoảng 10 năm trở lại đây người dân phát triển các cây lâm nghiệp bản địa. Theo lãnh đạo UBND xã, việc phát triển trồng cây bản địa mang lại nhiều lợi ích như tạo ra ý thức và trách nhiệm bảo vệ rừng trong cộng đồng, góp phần duy trì và phát huy nguồn giống cây quý của địa phương. Ngoài ra, những sản phẩm phụ như măng tre, măng vầu cũng là nguồn thu nhập đáng kể cho người dân, từ đó góp phần tăng thu nhập cho người dân.

Cán bộ kiểm lâm kiểm tra sinh trưởng cây lim xẹt hoa vàng trồng tại Na Hang.

Các địa phương rà soát diện tích đất không phù hợp với cây keo chuyển sang trồng các loại cây bản địa phù hợp. Như tại Lâm Bình, theo Hạt Kiểm lâm huyện, chỉ một số xã như Phúc Sơn, Minh Quang, Hồng Quang, Thổ Bình... chất đất phù hợp với cây keo, còn lại các xã vùng thượng huyện đều tập trung trồng các loại cây bản địa như xoan, mỡ, quế.

Đặc biệt, diện tích cây quế ngày càng phát triển mạnh ở Lâm Bình. Ông Thào Seo Thắng, thôn Khuổi Trang, xã Xuân Lập có gần 1 ha quế đã gần đến tuổi khai thác. Ông Thắng cho biết, cây quế có mặt ở đây từ rất lâu rồi. Ban đầu là diện tích cây được trồng theo Dự án 327, 661, sau này, bà con nhận thấy hiệu quả kinh tế rõ rệt nên cũng chủ động chuyển đổi, đưa loại cây này về trồng. Ở Khuổi Trang, ngoài cây quế, bà con chủ yếu trồng rừng bằng giống cây mỡ.

Hay như tại huyện Chiêm Hóa, qua rà soát, địa phương này có hơn 1.000 ha đất lâm nghiệp có điều kiện thổ nhưỡng không hợp với trồng keo, tập trung nhiều ở các xã Tri Phú, Kim Bình, Vinh Quang. UBND các xã đã khuyến khích người dân chuyển đổi diện tích đất trồng keo không hiệu quả sang trồng cây bản địa.

Xã Tri Phú có 400 ha đất đồi không phù hợp với cây keo. Người dân chuyển đổi sang trồng lát với hơn 220 ha lát. Ngoài cây lát, người dân xã Tri Phú trồng cây tre Chinh, vừa để thu hoạch măng, vừa làm nguyên liệu.

Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh, cây bản địa hiện đang được các địa phương quan tâm và khuyến khích người dân mở rộng theo diều kiện thực tế.

Bài toán về cây giống

Cũng như cây quế, cây mỡ, nhiều loại cây bản địa có giá trị kinh tế như trám, sấu, dổi cũng bắt đầu được người dân quan tâm. Tuy nhiên, thời điểm này, tìm một khoảnh đồi đủ lớn trồng riêng biệt những loại cây này là rất hiếm.

Một trong những lý do khiến cây bản địa chưa “bén rễ” được trên đất lâm nghiệp, là nguồn cây giống.

Gia đình bà La Thị Phong, thôn 4, xã Tân Tiến (Yên Sơn) vừa phải chặt bỏ hơn chục gốc trám vì... cây không có quả. Khi mới đưa cây trám về trồng, bà Phong mong muốn sẽ có thêm một nguồn thu để tăng thu nhập cho gia đình, cùng với cây keo lấy gỗ. Giống cây đặt mua từ cơ sở gieo ươm cây giống ngoài tỉnh, là trám ghép, sau 3 năm cây bắt đầu cho quả, nhưng thời gian cho thu quả cũng chỉ được khoảng 2 năm, sau đó thì dừng hẳn.

Ở Tân Tiến, diện tích cây bản địa hiện chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Bà Khương Thị Thùy, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Tiến cho biết, xã cũng có rà soát nhu cầu của người dân, nhưng một trong những lý do khiến việc phát triển, mở rộng diện tích cây bản địa ở đây chưa đạt như mong muốn là vấn đề cây giống.

Vườn cây trám được hỗ trợ theo Nghị quyết 03 tại xã Hùng Mỹ (Chiêm Hóa).

Trung tâm Thực nghiệm thực hành và chuyển giao khoa học công nghệ, Trường Đại học Tân Trào là một trong số ít các đơn vị của tỉnh nhân giống cây lâm nghiệp chất lượng cao. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Giáp, Giám đốc Trung tâm cho biết, bên cạnh các giống cây có giá trị thương mại lớn như keo, bạch đàn, thì các giống cây bản địa có giá trị cao cũng đang được đơn vị nghiên cứu, bảo tồn giống. Tuy nhiên, theo ông Giáp, cái khó trong công tác này là việc lựa chọn cây đầu dòng có chất lượng hiện vẫn còn khó khăn. Vì lâu nay, bà con các địa phương tự nhân giống theo hình thức cảm quan, trong khi việc chọn tạo cây đầu dòng chất lượng cần có thời gian và phải có đánh giá của cơ quan chuyên môn.

Trong kế hoạch trồng rừng những năm gần đây và Kế hoạch trồng 1 tỷ cây xanh của tỉnh, cây bản địa bắt đầu được quan tâm và đưa về các địa phương. Theo Chi cục Kiểm lâm, các loài cây bản địa được hỗ trợ theo Nghị quyết 03 là trám trắng, sấu, dổi.

Đồng chí Triệu Đăng Khoa, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết, Nghị quyết 03 về hỗ trợ giống cây lâm nghiệp chất lượng cao được thực hiện trên địa bàn tỉnh từ năm 2017, chủ yếu là hỗ trợ keo lai mô, keo tai tượng hạt ngoại. Tuy nhiên, qua quá trình triển khai và tiếp thu ý kiến kiến nghị của các cử tri, bắt đầu từ năm 2022, ngành lâm nghiệp hỗ trợ thêm 3 giống cây bản địa là trám trắng, sấu, dổi, đáp ứng nhu cầu của người dân. Trong đó, năm 2022, năm đầu tiên thực hiện, toàn tỉnh đã cấp được trên 12 nghìn cây, tương đương với diện tích gần 25 ha. Năm 2023, kế hoạch toàn tỉnh sẽ cấp thêm gần 69,4 ha, tương đương với gần 35 nghìn cây, chủ yếu là dổi và trám trắng.

Gia đình bà Nguyễn Thị Hiền, thôn 4, xã Tân Tiến (Yên Sơn) vừa được hỗ trợ 0,5 ha cây dổi theo Nghị quyết 03 của HĐND tỉnh. Diện tích này sau gần 1 năm phát triển tương đối tốt. Bà Hiền cho biết, diện tích trồng dổi chủ yếu là đất đồi gần nhà. Diện tích này trước đây gia đình bà để trồng cây ăn quả. Bà Hiền hy vọng, sau vài năm nữa, cây dổi sẽ cho quả để gia đình bà có thêm nguồn thu.

Không chỉ tăng thu nhập, cây bản địa còn có ý nghĩa trong việc hình thành rừng gỗ lớn. Vì các loại cây như mỡ, quế, xoan... đều phải trồng, chăm sóc trên 10 năm mới được khai thác.

Gắn với phát triển du lịch

Nhiều cây bản địa có giá trị khác như chò chỉ, lim xanh, lim xẹt hoa vàng, cây lôi khoai lá đỏ... cũng đã được nhiều địa phương đưa vào trồng, vừa đáp ứng nhu cầu bảo tồn các giống cây lâm nghiệp bản địa, vừa góp phần phục vụ du lịch.

Sở Khoa học và Công nghệ hiện đang triển khai Đề tài “Nghiên cứu khôi phục, bảo tồn cây lim xẹt hoa vàng và cây lôi khoai lá đỏ tại các huyện Chiêm Hóa, Na Hang và Lâm Bình” với diện tích 3 ha, trồng tại khu vực thác Bản Ba (Chiêm Hóa); thác Khuổi Nhi, xã Thượng Lâm (Lâm Bình) và khu Phiêng Bung, xã Năng Khả (Na Hang), đây là những loài cây bản địa đa tác dụng, vừa lấy gỗ, vừa là cây dược liệu, tạo cảnh quan môi trường… Đồng chí Đỗ Thị Thủy, Trưởng phòng Kế hoạch và Quản lý khoa học, chuyên ngành cho biết, đơn vị hiện đang chuẩn bị chuyển giao 2.000 cây giống cho UBND huyện Chiêm Hóa để bàn giao cho các xã, thị trấn trồng tạo cảnh quan...  

Vai trò của các loài cây bản địa trong công tác trồng rừng là rất rõ ràng. Không chỉ góp phần tăng tỷ lệ che phủ rừng, tăng diện tích rừng gỗ lớn, cây bản địa còn góp phần phát triển du lịch sinh thái trên địa bàn tỉnh. Nhiều tour du lịch rừng đã được tỉnh xây dựng, thu hút đông đảo du khách. Như tuyến du lịch cho du khách tham quan những quần thể nghiến cổ thụ tại khu vực Giàn Tre, Đường Gòng thuộc Trạm Kiểm lâm Bắc Vãng, quần thể nghiến cổ thụ tại khu rừng Khau Tép, Pá Lịa thuộc thôn Khau Phiêng, xã Khau Tinh, quần thể nghiến thuộc thôn Bản Bung, xã Thanh Tương (Na Hang); tuyến du lịch tham quan quần thể rừng nghiến tại thôn Bản Biến, xã Phúc Sơn (Lâm Bình), tuyến du lịch trải nghiệm rừng Cham Chu (Hàm Yên)...

Việc chuyển dịch giống cây lâm nghiệp, trong đó có mở rộng diện tích cây bản địa trên địa bàn tỉnh đang góp phần phục hồi rừng tự nhiên, nâng cao giá trị đa dạng sinh học và mở cơ hội mới trong phát triển kinh tế cho người dân Tuyên Quang. Qua đó, góp phần thực hiện thắng lợi Đề án phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021 - 2030, định hướng đến năm 2035.

Báo Tuyên Quang

Tin cùng chuyên mục