,

Lâm nghiệp

Đẩy mạnh giao rừng và đất lâm nghiệp

Để ổn định đời sống cho người dân và góp phần quản lý, bảo vệ, phát triển rừng, Tuyên Quang hiện đang tập trung thực hiện giao rừng trồng bằng vốn ngân sách Nhà nước đã quy hoạch lại là rừng sản xuất gắn với giao đất lâm nghiệp trên địa bàn.
   

Anh Trần Thế Lực, thôn Mỹ Lộc, xã Phú Thịnh (Yên Sơn) chăm sóc rừng được giao từ Dự án 661. 

Anh Trần Văn Kiên, thôn Mỹ Lộc, xã Phú Thịnh (Yên Sơn) vừa được giao thêm 7 ha rừng từ Dự án 661, nâng tổng diện tích rừng của gia đình lên 16 ha. Anh Kiên cho biết, diện tích này đã được gia đình trồng từ những năm 2009. Anh Kiên là một trong hơn chục hộ gia đình của Mỹ Lộc được giao rừng sau quy hoạch lại là rừng sản xuất. Ông Phạm Mạnh Chung, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Thịnh cho biết, sau quy hoạch, Phú Thịnh đã có hơn 300 ha rừng từ dự án 661 được giao lại cho người dân. Quỹ đất này đã góp phần tăng giá trị kinh tế lâm nghiệp trên địa bàn xã.

Báo cáo của Chi cục Kiểm lâm tỉnh, theo kế hoạch, tổng diện tích rừng trồng bằng vốn ngân sách Nhà nước đã quy hoạch lại là rừng sản xuất dự kiến giao tại các địa phương là 22.066 ha. Hết tháng 9-2019, tổng diện tích đã đưa vào xây dựng phương án giao rừng gắn với giao đất lâm nghiệp là 20.259 ha, trong số này đã phê duyệt phương án giao rừng gắn với giao đất là 14.447 ha. Diện tích bị chênh lệch giữa phương án giao rừng so với kế hoạch giao là 5.811 ha. Nguyên nhân giảm là do có chênh lệch diện tích giữa hồ sơ thiết kế trồng rừng với kết quả đo thực tế ngoài thực địa của các lô khi xây dựng phương án giao rừng. Đối với phương án giao rừng kèm theo Quyết định số 270 là 723 ha, hiện nay các huyện đang tổ chức lựa chọn đơn vị tư vấn.

Hiện, các huyện, thành phố đã thực hiện bán rừng và thu hồi vốn đầu tư được 8.573 ha, số tiền thu được trên 125,2 tỷ đồng. Sau khi hoàn thành việc đấu giá, có quỹ đất sạch, các địa phương đã giao rừng 9.999 ha, đạt tỷ lệ 97,36% so với kế hoạch; giao đất 8.160 ha, đạt tỷ lệ 90,37% so với diện tích đủ điều kiện giao, đã thu nộp về tỉnh 75,6 tỷ đồng. Trong đó, riêng 9 tháng năm 2019, đã đấu giá 386 ha, số tiền thu được trên 8,8 tỷ đồng.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, từ diện tích đất giao cho người dân, diện tích chưa giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo phương án đã được phê duyệt là 6.286 ha. Trong số này, diện tích đã đủ điều kiện giao nhưng chưa giao 862 ha; chưa đủ điều kiện giao 5.424 ha. Theo Văn phòng cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, qua rà soát, tập trung vào một số nguyên nhân: Đất đã quy hoạch sang đất khác ngoài lâm nghiệp; rừng trồng trên đất đã giao cho các tổ chức khác; chồng lấn với các chương trình giao đất khác như Dự án RIDP, Dự án 672; trồng rừng ra ngoài ranh giới hành chính của tỉnh; chưa có kinh phí giao đất tại các xã thực hiện thí điểm như thị trấn Sơn Dương (Sơn Dương); xã Tân Thịnh, (Chiêm Hóa); chênh lệch diện tích giữa phương án giao rừng với kết quả rà soát thực tế; tranh chấp đất đai chưa hòa giải thành…

Đẩy nhanh tiến độ giao rừng trồng bằng vốn từ ngân sách Nhà nước đã quy hoạch lại là rừng sản xuất gắn với giao đất lâm nghiệp trên địa bàn, hiện Chi cục Kiểm lâm tỉnh đang làm việc với các địa phương tiếp tục hoàn thành nghĩa vụ tài chính theo phương án là 4.268 ha. Quan điểm “dễ làm trước, khó làm sau”, tập trung ở những địa phương có diện tích rừng lớn và các địa phương đã tiến hành thủ tục trích đo ngoài thực địa đang tiến hành hoàn thiện thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Để thực hiện tốt giao rừng trồng bằng vốn từ ngân sách Nhà nước đã quy hoạch lại là rừng sản xuất gắn với giao đất lâm nghiệp trên địa bàn, UBND tỉnh đề nghị các ngành chức năng của tỉnh, UBND cấp huyện phối hợp chặt chẽ, quyết liệt trong tổ chức thực hiện để sớm hoàn thành đúng tiến độ.

Báo Tuyên Quang

Tin cùng chuyên mục