,

Lâm nghiệp

Cần chính sách trợ giá để nâng cao chất lượng rừng trồng

TQĐT - Trồng rừng bằng giống keo lai mô, keo hạt nhập ngoại được đánh giá là một trong những giải pháp trọng tâm nâng cao năng suất, chất lượng rừng trồng. Tuy nhiên, do giá bán giống cao hơn so với keo lai giâm hom, keo hạt nên diện tích này vẫn khá khiêm tốn.

Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Chiêm Hóa đưa cây keo lai mô vào trồng từ năm 2015. Trong năm nay, đơn vị tiếp tục trồng thêm khoảng 3 ha rừng bằng giống này, nâng tổng diện tích rừng trồng bằng giống keo lai mô lên 10 ha. Anh Ma Phúc Trượng, Phó trưởng Phòng Kế hoạch - Kỹ thuật khẳng định, rừng trồng bằng keo lai mô có khả năng chống chịu sâu bệnh tốt, thích nghi với điều kiện thời tiết bất thường như hiện nay. Anh Trượng minh chứng, trận mưa bão tháng 4-2016 khiến 1,9 ha rừng trồng bằng keo lai mô của đơn vị bị cong lướt, tuy nhiên không cần tác động của con người, toàn bộ diện tích này sau đó tự hồi phục, vươn thẳng và sinh trưởng, phát triển bình thường. 


Cán bộ Chi cục Kiểm lâm tỉnh hướng dẫn hộ gia đình ông Nguyễn Mạnh Cường, thôn An Phú,
xã Tân An (Chiêm Hóa) chăm sóc rừng trồng bằng giống keo lai mô. 

Công ty Lâm nghiệp Hàm Yên hiện cũng đã trồng 220 ha rừng bằng giống keo lai mô. Anh Bùi Thiện Tôn, Trưởng Phòng Kế hoạch - Kỹ thuật cho biết, rừng trồng bằng keo lai mô có độ đồng đều hơn do tỷ lệ cây bị chết, gãy đổ ít hơn so với keo lai giâm hom. Trong năm nay, đơn vị sẽ tiếp tục đưa vào trồng khoảng 80 ha rừng bằng giống keo này. 

Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh, giai đoạn 2010 - 2016, bình quân mỗi năm toàn tỉnh trồng trên 14.500 ha rừng, trong đó diện tích rừng trồng bằng giống chất lượng cao chiếm tỷ lệ thấp. Cụ thể, keo hạt nhập ngoại là 3.726,7 ha, chiếm 4,9% tổng diện tích; rừng trồng bằng giống keo lai mô là 366,6 ha, chiếm 1% tổng diện tích. Bình quân 1 ha rừng/7 năm chỉ đạt 70 m3 gỗ, lợi nhuận của người trồng rừng đạt thấp, khoảng 5 triệu đồng/ha/năm. 

Nguyên nhân là do người trồng rừng vẫn sử dụng cây giống gieo ươm từ hạt chất lượng thấp, không đảm bảo; nguồn cây giống được sản xuất bằng phương pháp nuôi cấy mô chất lượng cao cung ứng cho rừng trồng còn thiếu. Thêm vào đó, giá bán keo lai mô khá cao, từ 3.000 - 4.000 đồng/cây giống, gấp từ 2 đến 3 lần so với keo lai giâm hom, keo hạt... nên hầu hết mới chỉ có các công ty lâm nghiệp đầu tư trồng rừng, hộ gia đình, cá nhân gần như rất ít tiếp cận với nguồn giống này. 

Để đạt được mục tiêu 80% diện tích rừng trồng bằng giống chất lượng cao vào năm 2020, theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cần có chính sách hỗ trợ thiết thực đối với người trồng rừng. Vì diện tích rừng trồng trong nhân dân chiếm đến 85% tổng diện tích rừng trồng mới mỗi năm nên việc hỗ trợ lần này sẽ tập trung vào các hộ gia đình, cá nhân. Hiện sở đã tham mưu cho UBND tỉnh, trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết về hỗ trợ giống cây lâm nghiệp chất lượng cao giai đoạn 2017- 2020 cho hộ gia đình, cá nhân.

Theo đó, tổng diện tích hỗ trợ giai đoạn này là 14.600 ha, trong đó, hỗ trợ diện tích rừng trồng bằng keo lai mô là 7.400 ha, diện tích rừng trồng bằng keo hạt nhập ngoại là 7.200 ha. Người trồng rừng khi có đủ diện tích từ 0,5 ha trở lên sẽ được hỗ trợ 1 lần toàn bộ cây giống để trồng rừng theo đúng mật độ, hỗ trợ chi phí vận chuyển cây giống đến trung tâm xã, hỗ trợ chi phí khảo sát, xác định vị trí, diện tích, ký kết hợp đồng trồng rừng... 

Nguồn: Báo Tuyên quang
Bài, ảnh: Trần Liên

Tin cùng chuyên mục