,

Chăn nuôi

Tỉnh nhiều năm không để trâu, bò chết vì đói rét

Chủ động nguồn thức ăn và các phương án phòng chống đói rét, nhiều năm qua đàn trâu, bò của tỉnh Tuyên Quang không bị chết vì đói rét.

Các đại biểu tham quan mô hình chăn nuôi trâu bò vỗ béo tại huyện Chiêm Hóa, Tuyên Quang. Ảnh: Đào Thanh.

Chủ động nguồn thức ăn

Ngày 24/11, tại huyện Chiêm Hóa, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã phối hợp với Sở NN-PTNT tỉnh Tuyên Quang tổ chức Tọa đàm Khuyến nông năm 2022 với chủ đề "Một số giải pháp phòng chống đói, rét cho trâu, bò trong mùa đông".

Qua chương trình tọa đàm nhằm tạo điều kiện cho nông dân trao đổi và thảo luận với nhà quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp về cơ chế chính sách ưu đãi, các giải pháp kỹ thuật trong chăn nuôi và phòng chống đói rét cho trâu bò trong mùa đông nhằm hạn chế thấp nhất trâu, bò bị chết rét khi gặp điều kiện thời tiết rét đậm, rét hại kéo dài.

Tuyên Quang là một tỉnh miền núi nằm ở phía Đông Bắc của đất nước, có tổng diện tích đất tự nhiên là 586.790 ha, trong đó đất nông nghiệp là 540.404 ha, chiếm 92,1%, nên rất thuận lợi cho việc phát triển chăn nuôi gia súc trên địa bàn tỉnh. Hiện nay, tổng đàn trâu của tỉnh là 90.300 con, giảm 2% so cùng kỳ năm 2021; đàn bò là 38.400 con, tăng 4,1% so cùng kỳ năm 2021. Sản lượng thịt hơi đạt 67.500 tấn, tăng 7,1% so cùng kỳ năm 2021.

Gia đình anh Hoàng Mạnh Thưởng, thôn Yên Quang, xã Yên Nguyên, huyện Chiêm Hóa có hơn 100 con bò nuôi theo hình thức vỗ béo. Phòng chống đói rét cho đàn gia súc, anh xác định trước hết chúng phải có sức khỏe tốt. Để đàn bò có sức khỏe tốt anh chăm sóc chúng đủ chất dinh dưỡng bằng ngô, cám thức ăn chăn nuôi, nguồn thức ăn thô xanh. Ngoài thường xuyên duy trì 1ha diện tích trồng cỏ voi, gia đình anh Thưởng đã chủ động liên hệ với những hộ gia đình để ruộng trống trong vụ đông mượn đất để trồng ngô dày với diện tích khoảng 2ha làm thức ăn cho đàn vật nuôi trong những ngày thời tiết giá rét.

Anh Thưởng cho biết, hiện nay chăn nuôi trâu bò không chỉ còn ý nghĩa để làm sức kéo như trước kia nữa mà chăn nuôi để làm giàu. Bởi vậy việc đảm bảo cho chúng có sức đề kháng tốt, lớn nhanh là rất cần thiết. Anh thường xuyên vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, tiêm phòng các loại dịch bệnh theo định kỳ. Phòng rét cho đàn vật nuôi, anh cũng mua bạt dự phòng sẵn sàng che chắn cho khu chuồng chăn nuôi trong những ngày nhiệt độ xuống dưới 12 độ C.

Từ hình thức liên kết chăn nuôi giữa gia đình với HTX Tiến Thành, trung bình mỗi con bò nuôi theo hình thức vỗ béo, gia đình anh Thưởng thu lãi từ 3 đến 5 triệu đồng/con/chu kỳ chăn nuôi 14 tháng, cá biệt có con anh lãi được 7 triệu đồng.

Để chủ động nguồn thức ăn thô xanh cho đàn gia súc, những năm qua, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Tuyên Quang triển khai khá thành công mô hinh liên kết trồng ngô sinh khối. Tiêu biểu là mô hình phối hợp giữa Trung tâm Khuyến nông tỉnh Tuyên Quang với Hợp tác xã Nông nghiệp Minh Hoàng, xã Phúc Thịnh huyện Chiêm Hoá, Công ty Cổ phần Tập Đoàn giống cây trồng Việt Nam thực hiện liên kết trồng ngô sinh khối vụ hè thu năm 2021 tại một số xã trên địa bàn huyện Chiêm Hoá (sử dụng giống ngô SSC586), quy mô 45 ha.

Kết quả đánh giá cây ngô sinh trưởng phát triển tốt, ít sâu bệnh, năng suất chất xanh bình quân đạt 50 tấn/ha. Các HTX đã thu mua được 2.250 tấn sản phẩm cho nông dân với giá 700-800 đồng/kg để sơ chế sản phẩm ngô sinh khối cung cấp thức ăn cho các bò trong và ngoài tỉnh. Mô hình liên kết trồng ngô sinh khối vụ xuân năm 2021( sử dụng giống ngô biến đổi gen NK7328 Bt/GT) tại xã Tân Tiến, huyện Yên Sơn, quy mô 5ha, kết quả cây ngô sinh trưởng phát triển tốt, năng suất bình quân đạt trên 50 tấn/ha...

Anh Hoàng Mạnh Thưởng, thôn Yên Quang, xã Yên Nguyên, huyện Chiêm Hóa che chắn chồng trại đảm bảo phòng chống rét cho đàn vật nuôi. Ảnh: Toán Nguyễn.

Chăn nuôi lớn, ý thức cũng phải lớn

Dù đã có nhiều khởi sắc, nhưng trên thực tế tại nhiều vùng của Tuyên Quang quy mô chăn nuôi còn dừng lại ở mức nông hộ, quy mô nhỏ lẻ, manh mún. Khiến việc phát triển chăn nuôi trâu, bò còn gặp nhiều khó khăn do thiếu vốn đầu tư; việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi còn nhiều hạn chế.

Ông Nguyễn Xuân Hùng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Tuyên Quuang cho biết, ngành chăn nuôi ở Tuyên Quang đã đạt được nhiều thành tựu. Hiện nay, toàn tỉnh có 100 trang trại chăn nuôi, gồm 1 trang trại Đạt chuẩn quốc tế GlobalGAP, 2 trang trại được chứng nhận ứng dụng công nghệ cao; 5 trang trại được chứng nhận đủ điều kiện chăn nuôi quy mô lớn; 26 cơ sở chăn nuôi, nuôi thủy sản được chứng nhận VietGAHP, an toàn dịch bệnh; 70 HTX chăn nuôi, thủy sản hoạt động với hình thức liên kết; 31 sản phẩm chăn nuôi, thủy sản được chứng nhận OCOP từ 3 sao trở lên; 3 nhãn hiệu tập thể được duy trì gồm trâu, vịt Minh Hương, gà Tân Tạo.

Để đẩy mạnh phát triển chăn nuôi đại gia súc, trong những năm qua, ngành NN-PTNT tỉnh Tuyên Quang đã phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng và thực hiện các mô hình trình diễn, tổ chức các lớp đào tạo tập huấn, thông tin tuyên truyền, thực hiện chương trình liên kết theo chuỗi giá trị về lĩnh vực chăn nuôi, góp phần quan trọng đưa các giống vật nuôi mới, tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hoá, nâng cao hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi, tăng thu nhập cho nông dân.

Cũng theo Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Tuyên Quang Nguyễn Xuân Hùng thì muốn chăn nuôi lớn thì tư duy và ý thức của người chăn nuôi cũng phải lớn. Trên thực tế hiện nay phương thức chăn nuôi tại nhiều vùng ở Tuyên Quang còn theo hình quảng canh, nhỏ lẻ, manh mún, phân tán, phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên là chính; công tác quản lý chất lượng giống còn nhiều hạn chế, đặc biệt là trong công tác quản lý trâu, bò đực giống, công tác giám định bình tuyển chất lượng giống chưa thực hiện thường xuyên; mặc dù quy hoạch chăn nuôi đã được phê duyệt, tuy nhiên việc thực hiện tại một số địa phương còn chậm.

Chăn nuôi trâu bò vỗ béo là thế mạnh của huyện Chiêm Hóa. Ảnh: Đào Thanh.

Trong chương trình tọa đàm các đại biểu và người chăn nuôi đã thảo luận thông qua nhiều vấn đề quan trọng nhằm thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa; tăng cường liên kết trong chăn nuôi; phát triển chăn nuôi tuần hoàn gắn với bảo vệ môi trường; gỡ khó các giải pháp kỹ thuật cũng như phòng trừ dịch bệnh cho đàn vật nuôi...

Để phát huy tốt tiềm năng, thế mạnh cũng như phòng chống dịch bệnh, đói rét cho đàn gia súc, tỉnh Tuyên Quang sẽ tiếp tục vận động đồng hành cùng người dân thực hiện gia cố, che chắn tốt khu chuồng chăn nuôi đảm bảo đàn vật nuôi sinh trưởng phát triển tốt; mở rộng mô hình sử dụng chế phẩm sinh học, sử dụng đệm lót trong chăn nuôi, thực hiện phối trộn thức ăn để tăng trọng cho đàn gia súc. Cùng với đó tỉnh sẽ đẩy mạnh việc phát triển nông nghiệp tuần hoàn, vừa chăn nuôi trâu bò kết hợp với sử dụng, xử lý phân của gia súc làm phân bón trồng cỏ, ngô và quay trở lại phục vụ làm nguồn thức ăn cho đàn gia súc, giảm chi phí đầu vào trong chăn nuôi; đẩy mạnh liên kết trong chăn nuôi.

Tiến sỹ Hạ Thúy Hạnh, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết, tỉnh Tuyên Quang đã thức hiện khá tốt việc liên kết trong chăn nuôi, đã hình thành được các HTX và đang xây dựng chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm thịt trâu Chiêm Hóa. Phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương những năm qua Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã đồng hành cùng tỉnh Tuyên Quang triển khai nhiều giải pháp kỹ thuật như chăn nuôi trâu bò sinh sản, chăn nuôi theo hình thức vỗ béo hay các giải pháp về giống, thức ăn và phòng chống dịch bệnh...

Qua chương trình liên kết ổn định trong nhiều năm, bà con nông dân của tỉnh Tuyên Quang đã mở rộng và phát triển hiệu quả các mô hình chăn nuôi. Tiêu biểu như tại huyện Chiêm Hóa, đã xuất hiện nhiều mô hình chăn nuôi quy mô lớn của người nông dân; xây dựng chuồng trại và áp dụng các giải pháp kỹ thuật khá tốt về chuồng trại chăn nuôi, về chăn nuôi an toàn sinh học, dự trữ thức ăn, phòng chống đói rét cho đàn vật nuôi.

Theo bà Hạ Thúy Hạnh, thời điểm này có thể chưa phải là thời điểm rét đậm, rét hại kéo dài, tuy nhiên việc chủ động có các biện pháp phòng trừ từ trước là rất cần thiết để bảo vệ đàn gia súc. Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay việc tăng đàn gia súc của các hộ dân khá lớn, để phục vụ nhu cầu thực phẩm phục vụ dịp Tết Nguyên đán sắp tới nên việc chăm sóc dinh dưỡng và áp dụng các giải pháp về chăn nuôi an toàn sinh học sẽ đảm bảo cho người chăn nuôi có thể thu hoạch đúng thời điểm và thu nhập lớn từ việc bán đàn vật nuôi của gia đình mình trong dịp Tết Nguyên đán.

Báo Nông nghiệp Việt Nam

Tin cùng chuyên mục