Đến thăm gia đình chị La Ánh Nguyệt, chúng tôi có dịp trò chuyện và hiểu thêm về gương thanh niên trẻ có ý chí làm giàu này. Được biết, chị sinh năm 1989 sau khi tốt nghiệp chuyên ngành Khoa học môi trường, trường Đại học Khoa học - Đại học Thái Nguyên; chị Nguyệt về quê tham gia công tác tại xã và lập gia đình năm 2012. Những ngày đầu khi mới ra ở riêng, kinh tế gia đình chị gặp nhiều khó khăn do nguồn thu nhập từ ruộng vườn rất thấp. Nhiều đêm suy nghĩ để chọn cho mình một hướng phát triển kinh tế gia đình bền vững; nhận thấy nhu cầu lớn của thị trường về thực phẩm an toàn cộng thêm với gia đình chị có diện tích vườn, đồi khá rộng, rất phù hợp với chăn nuôi gà thả vườn.
Năm 2015 gia đình chị nuôi thử 100 con/lứa, sau tăng dần số lượng mỗi đàn, Chị Nguyệt cho biết, thực hiện mô hình chị đã tìm hiểu kỹ thuật chăn nuôi gà từ các mô hình chăn nuôi khác và thường xuyên trao đổi, tham khảo ý kiến của cán bộ trạm thú y huyện về cách phòng một số loại bệnh hay gặp ở gà. Nhờ đó, việc chăn nuôi gà của chị không bị dịch bệnh và dần đi vào ổn định.
Đến nay, chị đã gây dựng được khu chăn thả rộng 5.000m2 với hệ thống chuồng trại rộng khoảng 100m2 được thiết kế khép kín sử dụng đệm lót sinh học đảm bảo vấn đề vệ sinh môi trường cũng như kịp thời xử lý khi có dịch bệnh xảy ra. Hiện tại, đàn gà của gia đình chị đã tăng lên 1.000 con/lứa. Lứa nọ gối lứa kia, trung bình mỗi năm chị nuôi được 3 lứa gà.
Chị Nguyệt đang chăm sóc đàn gà của gia đình
Ngoài ra, chị còn tận dụng nguồn phân chuồng của gia đình để nuôi giun quế, mỗi tuần chị cho gà ăn thêm một lần giun quế để bổ sung chất đạm. Kết hợp với phương pháp nuôi thả vườn với thời gian nuôi mỗi lứa 5 tháng, chính vì thế, chất lượng thịt ngon, bán được giá cao hơn và dễ tiêu thụ. Gà của gia đình chị chủ yếu bán cho các quán ăn, nhà hàng trên địa bàn huyện, với giá từ 90 - 100 nghìn đồng/kg, sau khi trừ chi phí đem lại nguồn thu nhập từ nuôi gà thịt đạt hơn 80 triệu đồng/năm.
Cùng với chăn nuôi gà thịt gia đình chị còn phát triển cung cấp con giống và thức ăn chăn nuôi. Chị cho biết khi gia đình chị mới bắt đầu chăn nuôi gà nguồn giống nhập chủ yếu từ những xe bán dong nên chất lượng giống không đảm bảo. Từ đó, chị tìm hiểu và liên hệ nhập con giống từ trại giống về úm và chăm sóc cung cấp nguồn giống khoẻ cho mô hình chăn nuôi của gia đình và bà con trong xã. Năm 2016 chị thuê lại hai máy ấp trứng với công suất 10.000 trứng/lò và xây dựng lò ấp trứng Ngọc Nguyệt chuyên sản xuất, cung cấp các loại con giống gia cầm (Ngan, gà, vịt, ngỗng) và cung cấp thức ăn chăn nuôi cho các hộ chăn nuôi khác trên địa bàn. Chị cũng chia sẻ thêm: Để chủ động nguồn con giống đảm bảo chất lượng cho gia đình và các hộ chăn nuôi lân cận chị nuôi 300 gà mái đẻ để thu trứng ấp. Con giống của gia đình chị luôn được tiêm phòng vacxin đầy đủ và nuôi úm khoẻ mạnh trước khi xuất bán đến tay người chăn nuôi. Nhờ cung cấp con giống và thức ăn chăn nuôi gia đình chị thu lãi gần 160 triệu đồng/năm. Như vậy tổng thu từ mô hình trong việc cung cấp con giống, thức ăn chăn nuôi và nuôi gà thịt đã mang lại cho gia đình chị khoảng 240 triệu đồng/năm. Chị cho biết, trong thời gian tới sẽ tiếp tục phát triển quy mô chăn nuôi gà, và cung cấp con giống đồng thời sẽ tập trung để xây dựng thương hiệu gà thả vườn sạch, an toàn.
Ngoài việc tập trung phát triển kinh tế gia đình, chị Nguyệt còn nhiệt tình giúp đỡ về con giống và chia sẻ kinh nghiệm với các hộ dân có nhu cầu nhất là những thanh niên trẻ mong muốn lập nghiệp trên mảnh đất quê nhà. Mô hình chăn nuôi gà thịt và sản xuất con giống của chị Nguyệt không chỉ mang lại thu nhập ổn định cho gia đình mà còn là gương điển hình để lớp thanh niên trẻ trong vùng vươn lên phát triển kinh tế.
Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chủ tịch UBND xã Năng Khả cho biết, không chỉ là tấm gương thanh niên trẻ tiêu biểu lập nghiệp phát triển kinh tế ở thôn Nà Khá mà chị Nguyệt còn là cán bộ Hội Phụ nữ xã luôn nhiệt tình giúp đỡ bà con lối xóm phát triển kinh tế, cũng như luôn gương mẫu trong việc tham gia, đóng góp xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Chị chính là tấm gương điển hình cho người dân trên địa bàn xã học tập kinh nghiệm và làm theo./.