,

Chăn nuôi

Phát triển chăn nuôi theo chuỗi thức ăn hướng đi bền vững, hiệu quả cao

Năm 2017, mô hình chăn nuôi trâu, bò vỗ béo theo chuỗi trên địa bàn tỉnh được hình thành và phát triển, đã tạo sự liên kết từ khâu cung ứng con giống, vật tư đầu vào đến kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm của các tổ hợp tác và hợp tác xã. Việc chăn nuôi trâu, bò vỗ béo được xác định có mức độ rủi ro thấp, thu hồi vốn nhanh và cho hiệu quả kinh tế khá cao nên liên kết ngày càng tăng cả về quy mô đàn, số hộ tham gia và chất lượng sản phẩm.

Từ năm 2020 đến nay, do dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp đã làm cho nguồn cung cấp con giống trâu, bò để nuôi vỗ béo bị giảm mạnh; giá cả vật tư, thức ăn chăn nuôi đầu vào tăng cao dẫn đến thu nhập từ nuôi trâu bò vỗ béo giảm dần. Đã có một số hộ chăn nuôi do nguồn vốn ít, hạn chế về nhân lực,… nên phải chuyển đổi công năng chuồng trại sang lĩnh vực khác hoặc để trống chuồng. Những hộ gia đình, hợp tác xã có điều kiện về kinh tế hoặc kinh tế eo hẹp song có tư duy, nhận thức đổi mới về phương thức sản xuất, họ vẫn duy trì phát triển mô hình chăn nuôi nhưng đổi mới theo hướng logic chuỗi thức ăn. Đó là sử dụng chất thải từ chăn nuôi gia súc làm nguồn thức ăn nuôi giun (trùn quế) sau đó thu hoạch sản phẩm của trùn quế để bán ra thị trường tạo nguồn thu nhập chính hoặc tiếp tục sử dụng các sản phẩm trùn quế làm nguồn thức ăn cho vật nuôi, cây trồng khác (tạo thành chuỗi chăn nuôi tuần hoàn) để làm tăng thêm giá trị đầu tư; với cách làm như trên đã góp phần duy trì, phát triển vững chắc mô hình chăn nuôi trâu, bò và tạo sự thành công lớn trong phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường. 

Chị Thiết chăm sóc đàn trâu của gia đình

Điển hình cho những mô hình chuyển đổi hình thức chăn nuôi tuần hoàn trên địa bàn tỉnh là chị Hoàng Thị Thiết, sinh năm 1991, thôn Nà Bây, xã Ngọc Hội, huyện Chiêm Hóa. Cảm nhận đầu tiên khi chúng tôi đến thăm gia đình chị, đó là người phụ nữ trẻ với dáng nhỏ nhắn, nhanh nhẹn và tràn đầy tâm huyết đối với nền nông nghiệp. Hiện chị Thiết đang quản lý một khu trại chăn nuôi với diện tích vài trăm mét vuông, gồm có: Một dãy chuồng nuôi với 8 con trâu, 02 khu nhà nuôi trùn quế với diện tích gần 300 m2 được thiết kế đơn giản, hợp lý với một không gian môi trường chăn nuôi sạch sẽ và thoáng mát.

Trao đổi với chúng tôi, chị Thiết cho biết, gia đình chị tham gia chuỗi liên kết chăn nuôi trâu, bò vỗ béo từ cuối năm 2019. Lứa đầu tiên chị nhận nuôi 5 con trâu sau khoảng 3 tháng nuôi thì xuất bán, trừ các chi phí thức ăn chăn nuôi mỗi con trâu cho lãi khoảng 2 - 3 triệu đồng. Từ nguồn lãi của lứa nuôi đầu, chị vay mượn thêm vốn tiếp tục đầu tư mua thêm trâu về nuôi. Lứa nuôi lần hai với số lượng 8 con trâu nên nguồn phân thải ra khá lớn, gây ô nhiễm môi trường xung quanh. Bằng những kiến thức tiếp thu được khi chị tham gia các lớp tập huấn do khuyến nông tổ chức và tìm hiểu trên các phương tiện thông tin đại chúng cùng với sự đam mê, mơ ước phát triển kinh tế, mong muốn tự tay mình xây dựng được mô hình nông nghiệp sạch, nên chị đã lựa chọn thêm mô hình chăn nuôi trùn quế.

Khu nuôi trùn quế của gia đình chị Thiết.

Nghĩ là làm, chị bắt tay vào việc dọn dẹp, thiết kế lại khu chuồng rộng 120 m2 của gia đình trước đây nuôi gà nhưng hiệu quả kinh tế không cao để lấy mặt bằng nuôi trùn quế. Ban đầu khi nuôi thử nghiệm, có rất nhiều người kể cả những người thân trong gia đình chị đặt câu hỏi “sản phẩm trùn quế nuôi ra thì ai mua hoặc bán ở đâu?” trong khi ở nông thôn chỉ mang cuốc ra góc vườn cuốc đất lên là thấy có giun, nhưng chị đã trả lời “bạn hãy tự hỏi chính mình liệu có đủ năng lực sản xuất ra được nhiều sản phẩm và sản phẩm đó có đáp ứng được yêu cầu của khách hàng cần mua không?”. Với sự quyết tâm, kiên trì, chịu khó chỉ sau một thời gian chăm sóc, nhân giống chị đã cho ra mẻ sản phẩm đầu tay với trên 100 kg trùn quế thương phẩm bán giá 50 nghìn đồng/kg và trên 3 tấn phân hữu cơ trùn quế, bán với giá 3 – 4 nghìn đồng/kg đã cho chị khoản thu nhập từ tiền nuôi trâu, tiền bán trùn quế thương phẩm và bán phân hữu cơ trung bình mỗi tháng khoảng 25 triệu đồng.

Chị Thiết chia sẻ thêm, sản phẩm làm ra chủ yếu được khách hàng ở các tỉnh, thành phố vùng xuôi đặt mua hết để đem về chế biến làm thức ăn cho lươn, cá, ba ba và gia cầm. Phân trùn quế thì chế biến thành sản phẩm phân hữu cơ cao cấp sử dụng bón cho cây trồng có giá trị kinh tế cao. Hiện tại gia đình chị đang duy trì nuôi 8 con trâu và mở rộng khu vực nuôi trùn quế lên gần 300 m2 , với số lượng chăn nuôi như hiện có, mỗi tháng chị phải mua thêm khoảng 15 tấn phân chuồng mới đáp ứng đủ lượng thức ăn cho trùn quế. Mơ ước của chị là nếu có điều kiện, tiến tới sẽ mở rộng đối tượng nuôi thêm trâu, bò sinh sản tránh việc nguồn cung trâu vỗ béo đang khan hiếm để duy trì nguồn phân; đồng thời xây dựng một nhà lưới sản xuất rau sạch và một khu chăn nuôi cua đồng thương phẩm được sử dụng thức ăn từ chính sản phẩm trùn quế do gia đình tạo ra, nhằm nâng cao hơn nữa giá trị kinh tế của mô hình chăn nuôi tuần hoàn.

Chia tay chị Thiết cùng gia đình, chúng tôi ra về mà lòng cảm phục tấm gương người phụ nữ trẻ nơi vùng sâu xa đã có những suy nghĩ và sự quyết tâm, định hướng đúng trong việc lựa chọn mô hình sản xuất, chăn nuôi phù hợp mang lại hiệu quả kinh tế cao cho bản thân và gia đình và góp phần lan tỏa phong trào phát triển kinh tế và công cuộc xây dựng nông thôn mới./. 

Nguyễn Mạnh Tường - Trung tâm khuyến nông

Tin cùng chuyên mục