,

Chăn nuôi

Phát triển chăn nuôi gà ta theo hướng an toàn sinh học

Gà bản địa Tuyên Quang luôn được thực khách khắp nơi ưa chuộng với thương hiệu “gà chạy bộ”, “gà thả vườn”. Tận dụng lợi thế đồi núi, vườn rộng, nhiều địa phương đã phát triển đàn gà ta bản địa theo hướng chăn nuôi tập trung, an toàn sinh học, nâng cao chất lượng, giá bán trên thị trường.


Theo số liệu của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, số lượng gà toàn tỉnh hiện có 5,3 triệu con, trong đó gà ta chiếm khoảng 80%. Có được tỷ lệ cao như vậy bởi chăn nuôi gà ta có thể áp dụng linh hoạt nhiều hình thức như: Nhốt chuồng, thả vườn, bán chăn thả, đồng thời kết hợp thức ăn công nghiệp với phụ phẩm nông nghiệp sẵn có. Giá bán gà thịt trên thị trường dao động từ 80.000 đến 100.000đ/kg, cao hơn khoảng 30% so với gà công nghiệp.

Nhằm khôi phục và phát triển đa dạng giống gà bản địa, tháng 6 năm nay, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã phối hợp với UBND xã Thái Bình (Yên Sơn) triển khai dự án “Chăn nuôi gà lông màu tại xã Thái Bình” quy mô 5.000 con gà với 15 hộ tham gia. Đây là giống gà mía lai giữa gà Lương Phượng và gà ri bản địa, chương trình được Nhà nước hỗ trợ 70% chi phí giống, vật tư, nhân dân đối ứng 30%. Sau 3 tháng nuôi thử nghiệm trọng lượng mỗi con đạt từ 500 - 700g. Chị Nguyễn Thị Kim, Trưởng phòng Kỹ thuật, Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho biết: Lúc mới thực hiện dự án, nhiều hộ dân còn e ngại do sợ giống gà mía lai mất giá, nhưng sau thời gian thực hiện, được tư vấn và hiểu cặn kẽ về việc lai tạo này vẫn giữ được chất lượng thịt, giá bán như giống gà bản địa nên nhân dân rất nhiệt tình hưởng ứng. Nhờ vậy tỷ lệ nuôi sống gà trong dự án đạt khoảng 97%.

 Anh Chu Văn Quý, thôn 2, xã Thái Bình tham gia dự án với 400 con gà, Nhà nước hỗ trợ giống, vắc xin trị giá khoảng 3 triệu đồng, gia đình đối ứng 1 triệu đồng. Anh chia sẻ, giống gà này dễ nuôi, gà con khỏe, lớn nhanh, không bị mắc các bệnh về tiêu hóa, hô hấp như gà đại trà.

Anh Lèng Văn Duy, thôn Nà Nghè, xã Phúc Thịnh (Chiêm Hóa) chăm sóc đàn gà ri lai của gia đình.

Huyện Chiêm Hóa hiện có gần 1 triệu con gà, trong đó gà ta chiếm 95%. Những năm qua, tận dụng lợi thế đất đai, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện phối hợp với chính quyền các xã triển khai nhiều mô hình chăn nuôi gà thương phẩm theo hướng VietGAP; thành lập 2 tổ hợp tác nuôi gà sạch tại xã Tân Thịnh và Yên Nguyên, mỗi tổ có khoảng 50 thành viên. Anh Lèng Văn Duy, thôn Nà Nghè, xã Tân Thịnh hiện có trên 1.000 con gà ri. Anh cho biết, năm 2015 bắt đầu nuôi gà, lúc đầu muốn quay vòng vốn nhanh nên chọn gà công nghiệp nhưng chi phí chăn nuôi cao, giá bán bấp bênh, nên sau mỗi vụ, hạch toán không được lãi nhiều. Từ năm 2017, anh chọn nuôi gà ri, anh ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với các siêu thị dưới Hà Nội, hàng năm trừ chi phí anh lãi khoảng 300 triệu đồng.

Trước tình trạng nhiều hộ dân nuôi gà sử dụng thuốc kháng sinh quá nhiều trong quá trình nuôi, tháng 7 - 2018, Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản tỉnh đã triển khai mô hình chăn nuôi gà thịt an toàn sinh học tại HTX Chăn nuôi gia cầm Hợp Thành (Sơn Dương). Qua 1 năm triển khai, giống gà ri lai được nuôi thử nghiệm phát triển tốt, trọng lượng trung bình 2,2kg/con, thương lái đặt mua và đánh giá cao về chất lượng thịt. Ông Phạm Văn Hợi, Giám đốc HTX cho biết, trước đây, xã viên dùng nhiều thuốc kháng sinh dẫn tới chất lượng thịt gà không tốt, mẫu mã kém, tỷ lệ chết tới 15%. Từ khi tham gia mô hình, được chi cục hỗ trợ hướng dẫn kỹ thuật, dùng thuốc kháng sinh đúng liều lượng, chất lượng thịt gà thơm, ngon nên giá bán cao hơn hẳn, trung bình khoảng 90.000đ/kg.

Ông Nguyễn Văn Công, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho rằng, trong nuôi gà thịt thương phẩm, nhất là giống gà ta bản địa, người chăn nuôi cần chú ý các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, bảo đảm đàn gà khỏe mạnh từ khi nhập giống đến khi xuất chuồng. Bên cạnh đó, cần nắm bắt nhu cầu thực tế của thị trường, tránh nuôi theo phong trào, chủ động xây dựng các mô hình liên kết để sản xuất, tiêu thụ hiệu quả và bền vững.

Báo Tuyên Quang

Tin cùng chuyên mục