,

Chăn nuôi

Làm giàu từ mô hình chăn nuôi và trồng rừng

Thực hiện phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi trên địa bàn huyện Yên Sơn nói chung, xã Thái Bình nói riêng đã có sức lan tỏa rộng khắp. Qua đó, xuất hiện những gương nông dân làm kinh tế giỏi, vươn lên thoát nghèo và làm giàu ngay trên quê hương mình, tiêu biểu như gia đình anh Nguyễn Trường Giang, sinh năm 1987, thôn 2 xã Thái Bình, huyện Yên Sơn với mô hình nuôi ong lấy mật, nuôi bò cái sinh sản và kết hợp trồng rừng.

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông nên anh Nguyễn Trường Giang thấu hiểu những vất vả khó khăn của nhà nông. Anh muốn vươn lên làm giàu nên học hết cấp 3 anh quyết định không thi đại học mà xuống Hà Nội lập nghiệp, anh lựa chọn nghề kinh doanh vật liệu xây dựng, tuy nhiên việc kinh doanh không được thuận lợi như anh nghĩ, anh  không những không làm giàu được mà anh còn ôm một đống nợ.

Năm 2018, anh xem truyền hình thấy giới thiệu về các mô hình làm giàu đặc biệt anh chú ý đến mô hình nuôi ong lấy mật và mô hình nuôi bò cái sinh sản. Nhận thấy nơi mình sinh sống rất phù hợp với mô hình chăn nuôi này nên anh quyết định quay về để phát triển kinh tế gia đình. Anh đã vay vốn ngân hàng và vay mượn anh em bạn bè để đầu tư vào nuôi ong lấy mật và chăn nuôi bò cái sinh sản.

Anh Giang chăm sóc đàn bò của gia đình

Khi mới bắt tay vào nuôi ong, do chưa có kinh nghiệm nên lượng mật khai thác được không đáng kể, một số đàn ong bị nhiễm bệnh thối ấu trùng nên chết dần. Không nản chí, anh đến học hỏi  những người đã nuôi ong thành công để nhờ tư vấn kỹ thuật nhân đàn, chăm sóc ong sao cho đúng cách, đồng thời tham gia nhiều lớp tập huấn do khuyên nông tổ chức.

Ban đầu anh chỉ có 20 đàn rồi anh nhân đàn mở rộng đến thời điểm này anh có trên 150 đàn. Mỗi năm gia đình anh thu được khoảng 1.600 lít mật với giá bán 200 nghìn đồng/lít gia đình anh thu được 320 triệu, sau khi trừ hết các khoản chi phí anh còn lãi khoảng 170 triệu từ nuôi ong mật.

Ngoài nuôi ong, anh Giang còn phát triển chăn nuôi bò sinh sản. Những năm trước gia đình anh nuôi nhiều bò nhưng chủ yếu là nuôi bò thịt vỗ béo xong thì bán nhưng giờ anh chuyển sang nuôi bò cái sinh sản, hiện trong chuồng nhà anh có 10 con bò cái sinh sản. Phương châm của anh Giang là “bê cái thì để nuôi nhằm tăng đàn, bê đực bán thịt để lấy tiền đầu tư tiếp". Khi đàn bò tăng về số lượng, để chủ động nguồn thức ăn, anh trồng 10 sào cỏ voi để làm thức ăn cho bò. Anh Giang chia sẻ, nuôi bò sinh sản cũng đơn giản, ít bị rủi ro, trong một năm bò đẻ 1 lứa và nuôi 9 đến 10 tháng là cho một con bê bán khoảng 19 - 20 triệu đồng. Đặc biệt, nuôi bò là lấy công làm lãi, không tốn kém nhiều về kinh tế, người nuôi chỉ cần đầu tư một lần. Hơn nữa bò là gia súc lớn nên sức đề kháng cao, ít khi bị bệnh tật. Tuy nhiên, trong chăn nuôi để tránh rủi ro thất thoát đàn cần tìm hiểu, học tập kinh nghiệm về kỹ thuật nuôi và chăm sóc bò sinh sản trên các phương tiện thông tin đại chúng và định kỳ tiêm phòng vắc-xin bệnh lở mồm long móng, tụ huyết trùng cho đàn bò.

Khâu xử lý chất thải trong chăn nuôi bò được anh Giang đặc biệt chú trọng. Ngay từ đầu, gia đình anh đã đầu tư xây dựng chuồng trại thông thoáng, nền bê tông thuận lợi cho công tác vệ sinh. Được cán bộ khuyến nông hướng dẫn làm đệm lót trong chăn nuôi bò, gia đình anh đã ứng dụng vào chăn nuôi bò của gia đình. Đệm lót sinh học cho bò được làm bằng các nguyên liệu như trấu, mùn cưa, lõi ngô... với độ dày từ 30 - 40 cm. Chi phí làm đệm lót sinh học khoảng 120.000 đồng/m2, sau 6 tháng sử dụng có thể thay thế nền đệm lót để người chăn nuôi tận dụng làm phân bón cho cây trồng.

Ngoài ra, sử dụng đệm lót sinh học còn xử lý dứt điểm tình trạng bò mẹ mang thai bị ngã do trơn trượt; ruồi muỗi ve ký sinh trên bò và trong chuồng trại giảm đi rất nhiều. Đàn bò của gia đình anh Giang luôn khỏe mạnh, chất lượng bò giống đảm bảo.

Bên cạnh chăn nuôi ong lấy mật và nuôi bò sinh sản, anh Giang còn tập trung trồng rừng. Hiện nay gia đình anh có 01 ha keo lai 5 năm tuổi; 03 ha xoan và lát trên 5 năm tuổi, 01 ha tre lấy măng. Với mô hình chăn nuôi kết hợp với trồng rừng mỗi năm cho gia đình anh thu nhập trên 500 triệu đồng.

Trang trại nuôi ong lấy mật và nuôi bò của gia đình anh được nhiều hộ dân trong và ngoài tỉnh tin tưởng tìm đến tham quan học tập và mua con giống.

Ông Nguyễn Văn Lợi, Phó chủ tịch UBND xã Thái Bình cho biết “Mô hình chăn nuôi kết hợp trồng rừng của gia đình anh Nguyễn Trường Giang đã mang lại hiệu quả kinh tế cho gia đình, cũng như địa phương. Câu chuyện khởi nghiệp và làm kinh tế của anh Nguyễn Trường Giang có thể thấy khởi nghiệp bằng mô hình nông nghiệp ở vùng nông thôn tuy có những khó khăn nhất định nhưng nếu có đam mê và lòng kiên trì để thực hiện ý tưởng thì sẽ mang lại được thành công trên con đường lập nghiệp của mình. Hy vọng rằng, mô hình của anh sẽ nhận được sự quan tâm của các tổ chức để có thể giúp cho anh cũng như nhiều bạn trẻ khởi nghiệp thành công trong lĩnh vực này, góp phần tích cực vào chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới hiện nay./.

Bài, ảnh: Nguyễn Thu Trang –TTKN

Tin cùng chuyên mục