,

Chăn nuôi

Hiệu quả mô hình chăn nuôi tuần hoàn

Nông nghiệp tuần hoàn nói chung và chăn nuôi tuần hoàn nói riêng là hoạt động sản xuất không chất thải, không phế phẩm; ứng dụng kỹ thuật truyền thống và những tiến bộ khoa học để xử lý phụ phẩm, chất thải trong quá trình sản xuất thành giá trị hữu ích, tái sử dụng trong nông nghiệp, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái.

Chúng tôi đến thăm trang trại của gia đình anh Dương Văn Thành sinh năm 1977, thôn Lũng, xã Mỹ Bằng (Yên Sơn) là tấm gương điển hình cho việc ứng dụng nông nghiệp tuần hoàn không chất thải. Dẫn chúng tôi đi tham quan trang trại rộng gần 2 ha, được bố trí khoa học, gồm: Khu vực chế biến thức ăn chăn nuôi, khu vực nuôi bò, khu vực nuôi giun trùn quế và khu vực để chăn nuôi gia cầm riêng. Qua trao đổi anh Thành cho biết, sau khi tìm hiểu và học hỏi kỹ thuật chăn nuôi bò, nuôi gà thả vườn, nuôi trùn quế tại tỉnh Phú Thọ. Năm 2018, anh đã mạnh dạn đầu tư mua 50 con bò về chăn nuôi vỗ béo. Để đàn bò phát triển bền vững và mang lại hiệu quả kinh tế cao, anh Thành đã thiết kế hệ thống chuồng trại với diện tích 800 m2 thoáng mát, hợp vệ sinh, đảm bảo tốt cho việc nuôi nhốt và vỗ béo của đàn bò. Bò trước khi vào nuôi vỗ béo được anh thực hiện tẩy ký sinh trùng và tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin phòng bệnh theo quy định của cơ quan chuyên môn. Nguồn thức ăn cho đàn bò ngoài rơm khô dự trữ, gia đình anh Thành còn trồng hơn 1 ha cỏ Voi, VA06… để đảm bảo nguồn thức ăn cỏ tươi thường xuyên cho đàn bò.

Khu vực nuôi giun trùn quế của gia đình anh Thành

Hiện nay, gia đình anh đang chăn nuôi 60 con bò thịt vỗ béo/lứa nuôi (giống bò lai Sind và bò 3B), mỗi năm gia đình anh nuôi được 2 lứa, sau 5 tháng bò được đưa vào vỗ béo tăng trọng trung bình đạt 150kg/con, giá bán bò hơi là 85.000 đồng/kg. Ngoài ra để tận dụng nguồn phân bò sẵn có, anh Thành phát triển chăn nuôi trùn quế diện tích trên 1.000 m2 để sử dụng làm phân bón cho diện tích cỏ trồng của gia đình và bán ra thị trường với giá 1.700 đồng/kg phân giun trùn quế. Trung bình anh bán được 8 tấn phân/đợt và 4 đợt/năm. Lượng giun trùn quế được anh sử dụng làm thức ăn cho 200 con gà thịt, do chủ động được nguồn thức ăn sạch, đảm bảo dinh dưỡng và tiêm phòng đầy đủ nên đàn gà của gia đình anh nhanh lớn, không bị dịch bệnh, chất lượng thịt chắc, thơm ngon, được người tiêu dùng ưa chuộng. Qua 4 năm áp dụng sản xuất theo hướng tuần hoàn, đàn vật nuôi của gia đình anh Thành phát triển khỏe mạnh, đất đai màu mỡ, môi trường sản xuất được bảo đảm an toàn, sản phẩm chăn nuôi an toàn sinh học, giảm chi phí trong quá trình sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế, doanh thu của gia đình anh đạt hơn 1 tỷ đồng/năm.

 Ông Ngô Đức Tuyên, Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Bằng cho biết: Toàn xã hiện có trên 1 nghìn con trâu, bò, gần 3 nghìn con lợn và khoảng 300 nghìn con gia cầm. Với mục tiêu giải quyết vấn đề kinh tế và hướng đến phát triển chăn nuôi bền vững, thân thiện môi trường trong chăn nuôi, thời gian qua xã đã phối hợp với các đơn vị chuyên môn của  huyện hướng dẫn người dân, các chủ trang trại áp dụng khoa học, công nghệ trong chăn nuôi, xây dựng nhiều mô hình, giải pháp phát triển chăn nuôi theo hướng tuần hoàn, bền vững như: Áp dụng biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, xử lý chất thải chăn nuôi; sử dụng phụ phẩm nông nghiệp như: Trấu, mùn cưa, rơm, rạ, vỏ lạc… làm đệm lót sinh học; chất thải của chu trình chăn nuôi được sử dụng làm phân bón hữu cơ cho cây trồng, nuôi thủy sản…  nhằm thay đổi ý thức và tư duy chăn nuôi của người dân chuyển dần từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang đầu tư chăn nuôi quy mô lớn khép kín, quan tâm xây dựng hệ thống xử lý nước thải, chất thải, áp dụng biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học để bảo vệ môi trường, bảo đảm an toàn dịch bệnh./.

 

Dương Thị Kim Cúc - TTKN

Tin cùng chuyên mục