Bà Ma Thị Hưng (mẹ của anh Triệu Văn Đang), thôn Làng Nhà, xã Kim Quan (Yên Sơn)
chăm sóc đàn trâu của gia đình.
Với mong muốn thay đổi hướng làm ăn mới, tháng 5-2019, HTX Dịch vụ sản xuất nông nghiệp Kim Quan đã liên kết chuỗi chăn nuôi trâu, bò thịt vỗ béo với HTX Nông nghiệp Công nghệ cao Tiến Thành. Theo đó, phía HTX Nông nghiệp Công nghệ cao Tiến Thành đã cung ứng trâu, bò giống, thức ăn tinh và bã bia, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, nuôi dưỡng và tiêu thụ sản phẩm đảm bảo tiêu chuẩn theo như hợp đồng. Các thành viên HTX Dịch vụ sản xuất nông nghiệp Kim Quan là tập hợp của 20 hộ nông dân trong xã. Các hộ đã chủ động xây dựng, cải tạo lại chuồng trại, trồng cỏ (trung bình cứ trồng 1 sào cỏ đủ thức ăn xanh cho 1 con trâu).
Các hộ nhận trâu, bò về nuôi, quá trình nuôi tuân thủ yêu cầu về vệ sinh thú y theo hướng dẫn cán bộ kỹ thuật. Đợt nuôi đầu tiên có quy mô 13 con, sau khoảng 3 tháng nuôi, trâu tăng trọng đều, con nào con nấy cứ béo núc, tăng đến hơn 100 kg/con, sau trừ chi phí người nuôi lãi hơn 5 triệu đồng/con. Từ thành công bước đầu, 2 HTX tiếp tục liên kết, đến nay đã được 3 đợt, với tổng số 145 con trâu, bò. Trong đó, 135 con trâu, bò đạt tiêu chuẩn đã được HTX Nông nghiệp Công nghiệp Tiến Thành bao tiêu, 10 con còn lại các hộ dân đang nuôi. Đánh giá chung, mỗi con trâu nuôi, sau khi trừ chi phí người nuôi có lãi từ 3,5 đến 5 triệu đồng. Quá trình đó, việc giao nhận trâu, hợp đồng chăn nuôi, được thực hiện công khai, dân chủ, minh bạch nên người chăn nuôi rất yên tâm.
Anh Triệu Văn Đang ở thôn Làng Nhà, xã Kim Quan tham gia liên kết nuôi trâu vỗ béo theo chuỗi từ ngay đợt đầu. Đến nay, anh cũng xuất bán 2 đợt và thu lãi 40 triệu đồng. Hiện nay, anh đang tiếp tục nuôi đợt 3 với 4 con trâu. Anh rất yên tâm về đầu ra ổn định đã có phía HTX bao tiêu. Anh Đang khẳng định, với hình thức liên kết chăn nuôi này, người chăn nuôi không bị “tự bơi” như trước nữa mà các hộ được tổ chức sản xuất theo hướng hàng hóa, nhiệm vụ của anh và các hộ chỉ việc bỏ công chăm sóc trâu đúng kỹ thuật là đã có lãi. Trước đó, anh đã tận dụng 8 sào đất soi bãi trồng cỏ voi để sẵn nguồn thức ăn cho đàn trâu. Tham gia liên kết giúp anh và các hộ khác thay đổi tư duy từ “thả tự nhiên” thành “nuôi nhốt chuồng”. Người nuôi dễ tính toán hạch toán chi phí đầu vào, đầu ra để mang lại hiệu quả kinh tế cao. Việc liên kết đã mở hướng phát triển bền vững cho người nông dân trong xã. Anh đang dự tính sẽ vay thêm vốn về trồng thêm cỏ, cải tạo mở rộng chuồng, tăng quy mô 10 con/đợt, nâng cao thu nhập.
Đồng chí Nguyễn Trung Đoàn, Chủ tịch Hội Nông dân xã Kim Quan khẳng định, việc liên kết chăn nuôi trâu, bò vỗ béo theo chuỗi giá trị giúp nông dân có thêm thu nhập. Để khuyến khích hình thức liên kết sản xuất, Hội Nông dân tỉnh đã giải ngân hơn 1 tỷ đồng từ nguồn Quỹ hỗ trợ nông dân triển khai 2 dự án phát triển chăn nuôi là “Nuôi trâu thương phẩm” và “Nuôi trâu sinh sản”, giúp cho 19 hộ nông dân ở các thôn Kim Thu Ngà, Khuôn Hẻ và Làng Nhà có thêm vốn phát triển chăn nuôi. Các hộ đều đang sử dụng vốn có hiệu quả. Hội Nông dân xã tiếp tục phối hợp với chính quyền và các đoàn thể tuyên truyền, vận động nông dân trong xã thay đổi cách chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, mang lại hiệu quả kinh tế cao, thúc đẩy phát triển đàn gia súc trên địa bàn, nâng cao thu nhập, góp phần giảm nghèo bền vững.