,

Chăn nuôi

Chuyện nuôi lợn thảo dược của anh Sáng

Chuyện nuôi lợn thảo dược thành công của anh Nguyễn Ngọc Sáng, Giám đốc HTX thực phẩm sạch Sáng Nhung ở xã Đông Thọ (Sơn Dương) đã được nhiều người biết đến hôm nay là bao nhọc nhằn, vất vả của anh Sáng trong mười mấy năm qua. "Cuộc sống có ý nghĩa hơn nếu ta đem lại một giá trị nào đó", từ suy nghĩ này, anh Sáng đã chọn khởi nghiệp lại ở tuổi 50.

TRẮNG TAY KHI 47 TUỔI

Anh Nguyễn Ngọc Sáng vốn tháo vát, nhanh nhẹn. Câu chuyện anh chia sẻ về tuổi thơ khiến ai nghe cũng cảm động. "Nhà có tám anh chị em, mình là con thứ sáu, mới có 9 tuổi, bố anh đã mất. Gánh nặng cơm, áo gia đình đè lên vai mẹ nên con đường học của mình phải dừng lại ở lớp 10. Lúc ấy còn nhỏ nhưng vì nghèo nên phải ở nhà giúp mẹ làm để kiếm cái ăn. Vài năm sau, mình đi Phú Thọ học nghề mộc. Bẵng đi một thời gian, nghề mộc đã ngấm vào mình lúc nào không hay"- anh Sáng chia sẻ.

Vốn sáng dạ nên anh học được nhiều kỹ thuật khó của nghề mộc, cách chọn gỗ cho từng sản phẩm, cách pha gỗ đẹp, phân loại gỗ… đã giúp anh nhanh chóng trở thành tay buôn gỗ có thương hiệu. Có tiền, anh Sáng đã đầu tư mua đất rừng để phát triển kinh tế. Những tưởng cả cuộc đời sẽ gắn bó với nghề rừng, nghề gỗ. Anh bảo, lúc ấy kể cả không làm nữa thì anh cũng vẫn đủ kinh tế sống đến già an nhàn. Nhưng ở đời thật lạ, đến khi tiền không còn là mục tiêu số 1 thì người ta lại nghĩ đến giá trị cuộc sống.

Khu vực chăn nuôi lợn mẹ.

Đất Đông Thọ quê anh nhiều người nuôi lợn nhưng quy mô chưa lớn, áp dụng khoa học kỹ thuật còn hạn chế. Anh Sáng chợt nghĩ đến việc sẽ nuôi lợn theo cách khoa học và xây dựng cho mình một thương hiệu riêng. Ấp ủ dự định nhưng không dám nói với ai mà anh cứ lặng lẽ làm từng bước một.

Chăm sóc lợn sinh sản.

Đánh cược với cuộc đời, bao nhiêu vốn liếng tích lũy từ nghề mộc, buôn gỗ, anh Sáng đem ra làm chuồng trại nuôi lợn. Anh đi khắp nơi tham quan, học hỏi cách xây dựng chuồng trại, kỹ thuật chăn nuôi, thuê kỹ sư chăn nuôi về giúp để hình thành khu chăn nuôi trên 1,2 ha theo ý tưởng. "Làm thủ tục về trang trại, thành lập HTX cũng bài bản lắm! Bao tâm sức dồn vào để nuôi lợn nhưng không ai ngờ vừa được một lứa xuất chuồng hòa vốn thì lứa sau lỗ quá nửa. Một năm sau thành lập trang trại thì giá lợn hơi lao dốc. Thời điểm giữa năm 2017, bán xong lứa lợn lỗ nửa tỷ đồng".

Vậy là 47 tuổi trắng tay! Anh nhớ lại.

"ĐỜI ANH NHƯ CÂY NGHIÊNG, KHÔNG SỢ CHẾT ĐỨNG"

Ngọn đồi rộng tới 50ha với những sóng núi điệp trùng mênh mang màu xanh của keo, mỡ, xoan… phần lớn đều là đất đồi rừng của anh Nguyễn Ngọc Sáng, Giám đốc Hợp tác xã chế biến thực phẩm an toàn Sáng Nhung ở xã Đông Thọ. Giữa những cánh rừng ấy là khu trang trại chăn nuôi lợn rộng hơn 4ha. Anh bảo, để có diện tích rừng lớn như hiện nay phải mất 10 năm thu gom đất mua lại của người dân. Khi mua đất số lượng ít thì không khó vì ở xã Đông Thọ khá sẵn nhưng mua với số lượng lớn, liền lô, liền khoảnh thì cũng nhiều khó khăn. Bởi với một số hộ, đất rừng vẫn là nguồn sinh kế chủ yếu đảm bảo cuộc sống. Chính vì thế có những thửa đất giá chỉ vài chục triệu/ha nhưng có thửa anh phải mất đến cả 500 triệu đồng chi phí mua từ mảnh khác để thoả thuận đổi với hộ dân lấy mảnh liền kề của gia đình mình.  

Khu tuyển chọn lợn giống.

Vượt qua cửa ải về đất đai, những ngày nuôi lợn thua lỗ, lại là thử thách lớn, nhiều hôm liên tiếp khi ngôi nhà chìm trong bóng đêm, anh Sáng chẳng thể ngủ nổi. Nằm nghe tiếng ếch nhái kêu rồi đến tiếng gà gáy chuyển canh mà trong lòng anh Sáng vẫn rối như tơ vò. Lại thêm việc đi đến đâu, người ta cũng xì xào "đợt này Sáng Nhung chết hẳn rồi!" Anh bảo vợ: "Anh đang là cây nghiêng, sợ gì chết đứng nữa. Cái số anh là thế, việc gì cũng vất vả, chật vật mới mong có thành công nên đừng suy nghĩ nhiều, đừng để tâm những lời bóng gió ngoài kia. Kiểu gì anh cũng thành công".

Công nhân kiểm tra cám phối trộn thảo dược trước khi cho lợn thương phẩm ăn.

Từ câu khẳng định quyết tâm này, vợ anh đã quyết định cùng chồng gồng qua "sóng gió". Chị đưa quyển sổ lương giáo viên của mình để anh mang ra ngân hàng thế chấp vay tiền. Cộng thêm việc khi ấy có những người bạn sẵn sàng cho anh mượn sổ đỏ để thế chấp ngân hàng khiến anh có thêm tiền trả nợ. Anh kể, lúc ấy có 2 cậu nhân viên ngân hàng còn lấy lương trả lãi ngân hàng cho anh vì đến ngày trả mà anh không lo nổi.

Sự đồng cảm của vợ và những người bạn đã tạo sức mạnh để anh Sáng bứt lên, anh quyết định bán rừng trồng non để lấy tiền trả nợ, duy trì và đầu tư tái đàn.

Sau mấy tháng gắng gượng, cái cây nghiêng số phận của anh Sáng như được dựng lên và sống lại khi nhà nhà bỏ chuồng không, lợn thịt thiếu nghiêm trọng, đàn lợn của anh Sáng trở thành của hiếm. Giá lợn lên đến 97.000 đồng/kg hơi, anh bán 2 xe tải lợn đã lãi hơn 1 tỷ đồng. Vụ lợn năm 2019, anh lãi gần chục tỷ đồng.

Cửa hàng cung cấp thịt thảo dược của HTX Chăn nuôi và chế biến thực phẩm Sáng Nhung.

"ĐỘC CHIÊU" NUÔI LỢN THẢO DƯỢC

"Mục sở thị" trang trại nuôi lợn của anh Sáng mới thấy được quy mô, quy củ và cả độ "tin cậy" đối với thịt lợn thảo dược của anh Sáng. Cả khu chuồng trại lên đến 2.000 con lợn mà không hề có mùi hôi, chỉ thấy phảng phất mùi thơm ngô, đậu tương rang trộn lẫn mùi thảo dược. Anh Sáng trải lòng, nuôi lợn thì ai cũng nuôi được nhưng để tạo được thương hiệu thịt lợn sạch đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm được người tiêu dùng ưa chuộng thì không dễ chút nào. Theo anh Sáng, con lợn là vật nuôi quen thuộc, cũng là nguồn thực phẩm tươi không thể thiếu của mâm cơm người Việt nhưng để có sản phẩm thịt lợn chất lượng, an toàn với người tiêu dùng thì là cả quá trình. Từ con giống, quy trình chăm sóc, thức ăn chăn nuôi… đều phải đạt tiêu chuẩn và xây dựng "thương hiệu" riêng càng khó, bắt buộc phải có sự khác biệt về chất lượng.

Vườn sâm cát linh, một trong những nguyên liệu dùng để phối trộn thức ăn chăn nuôi lợn.

Sau nhiều ngày, nhiều năm trăn trở, anh Sáng quyết định dùng các loại thảo dược như sâm cát linh, đinh lăng, quế, hội, thảo quả, tỏi… phối trộn với cùi gạo, ngô, đậu tương rang chín để chăn nuôi. Anh Sáng bảo: "Phải mua công thức thảo dược của thầy thuốc đông y chứ không phải làm liều đâu! Nuôi rồi, lại thịt ăn thử xem có đạt tiêu chuẩn như mong muốn không mới dám áp dụng đại trà". Trước khi đưa sản phẩm thịt lợn thảo dược ra thị trường, anh đã đem các mẫu thịt về Hà Nội kiểm tra đủ tiêu chuẩn mới tung ra bán với thương hiệu xây dựng "Thịt lợn thảo dược Sáng Nhung".

Anh Sáng cười vui vẻ rồi nói: "Khởi nghiệp lại ở tuổi 50, tiền là mục tiêu nhưng không phải là đích đến. Mình muốn làm việc có ý nghĩa, muốn đem lại giá trị cho cuộc đời. Chứ chỉ giàu cho mình thì không phải nhọc sức làm nữa". Đúng như lời anh nói, thời điểm này anh không quá giàu nhưng để sống thoải mái đến già với anh thì đơn giản. Nhưng anh vẫn bật bịu, chạy ngược chạy xuôi học thảo dược, liên doanh với các hợp tác xã trong tỉnh phát triển vùng nguyên liệu sâm cát linh để nuôi lợn…

Anh Sáng giới thiệu sản phẩm thịt thảo dược tại cửa hàng.

Trang trại chăn nuôi lợn của anh Sáng đạt VietGAP, các mẫu thịt lợn thảo dược được đủ tiêu chuẩn an toàn thực phẩm do Trung tâm kiểm nghiệm TSL - Hà Nội và các cơ quan chức năng cấp. Anh Sáng cam kết "sạch từ nông trại đến bàn ăn" với 5 tiêu chuẩn, không chất tạo nạc, không tăng trọng, không kháng sinh, không chất bảo quản.

Hiện thịt lợn thảo dược Sáng Nhung đã cung cấp tại cấp tại thành phố Tuyên Quang và được người tiêu dùng đón nhận, phản hồi tích cực. Chị Trần Thị Thu Thúy, tổ 5, phường Tân Quang (TP Tuyên Quang) cho biết, chị đã sử dụng thịt lợn và các sản phẩm thịt lợn thảo dược Sáng Nhung 2 tháng nay. Chị thấy thịt lợn ngon, có hương vị riêng, không giống thịt lợn nuôi thông thường. Sử dụng trong bữa cơm yên tâm hơn vì thịt có giấy chứng nhận an toàn, rõ nguồn gốc xuất xứ.

Anh Sáng bảo, phấn đấu lợn thảo dược Sáng Nhung đạt 4 sao OCOP để mỗi bữa cơm gia đình có thịt lợn chất lượng tốt nhất, bảo vệ sức khỏe mọi lứa tuổi. Xa hơn, độc quyền cung cấp thịt lợn thảo dược cho các trường học các tỉnh và đưa vào thị trường các thành phố lớn. Hiện trang trại của anh Sáng cung cấp khoảng 800 tấn/năm.

Thương hiệu "thịt lợn thảo dược Sáng Nhung" đã và đang chiếm lĩnh được lòng tin của người tiêu dùng trong tỉnh. Bước thành công này sẽ là bàn đạp để thịt lợn thảo dược Sáng Nhung vươn ra thị trường các thành phố lớn, mang lại giá trị kinh tế cho nhà sản xuất, giá trị sức khỏe cho người tiêu dùng.

Báo Tuyên Quang

Tin cùng chuyên mục