,

Thương hiệu nông sản

Yên Phú hình thành vùng sản xuất táo đặc sản

- Xã Yên Phú (Hàm Yên) không chỉ nổi tiếng với những loại quả ngon như thanh long ruột đỏ, cam sành mà gần đây còn được nhiều người biết đến với giống táo ngọt. Cây táo đã góp phần đáng kể giúp nhiều hộ dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu.

Dịp này, trên những cánh đồng trồng táo, bà con đang tất bật chăm sóc. Người xới đất, bón phân, người kiểm tra tình hình sâu bệnh để có biện pháp chăm sóc cho cây táo sinh trưởng, phát triển tốt. Bà Lâm Thị Phụng, thôn 1B Thống Nhất đang kiểm tra sâu bệnh trong vườn táo phấn khởi nói: Gia đình bà trồng táo được 12 năm nay, bà mới chặt vườn táo 10 năm tuổi để trồng lại đợt táo mới, vườn táo hiện giờ đang năm thứ 2. Niên vụ 2018 - 2019, gia đình bà thu được 200 triệu đồng tiền lãi từ táo và đỗ. 


Bà Đặng Thị Tuyết, thôn 1A Thống Nhất, Yên Phú (Hàm Yên) có thu nhập cao từ trồng táo.  
Ảnh: Huy Hoàng

Được biết, trước đây người dân trong xã chủ yếu là trồng lúa, trồng màu nhưng từ năm 2000 đập thủy lợi Ngựa Lồng bị rò rỉ nên không đủ cung cấp nước tưới tiêu cho bà con ở 6 thôn, gồm: 1A Thống Nhất, 1B Thống Nhất, thôn 3 Thống Nhất, thôn 4 Thống Nhất và thôn Làng Chiềng, thôn Làng Soi. Để tháo gỡ khó khăn, UBND xã Yên Phú đã vận động người dân ở các thôn có diện tích sản xuất phụ thuộc nguồn nước tưới ở đập từng bước chuyển đổi cây trồng phù hợp, lựa chọn các loại cây trồng như chanh, mía, cam, táo để đưa vào trồng. Gia đình ông Nguyễn Xuân Tứ, thôn 1B Thống Nhất là hộ tiên phong lựa chọn trồng thử nghiệm 10 cây táo đại, đến cuối năm táo cho quả ngọt, lại sai quả. Những năm sau, ông Tứ liền mở rộng diện tích lên 0,4 ha, sản lượng quả hàng năm đạt 10 tấn quả, thu được 150 - 200 triệu đồng. Mô hình trồng táo của gia đình ông Tứ có hiệu quả, nên nhiều hộ trong thôn và các thôn lân cận học tập, làm theo. 

Với nhiều năm kinh nghiệm trồng táo đạt năng suất cao, ông Nguyễn Xuân Tứ được người dân trong thôn bầu làm Tổ trưởng Tổ hợp tác táo Động Tiên. Ông Tứ cho biết, Tổ hợp tác ra đời cuối năm 2013. Hiện nay, 8 thành viên trong tổ đang duy trì sản xuất 2 ha táo, vụ táo cuối năm 2018, đầu năm 2019, tổ hợp tác thu được trên 80 tấn quả, giá bán từ 15 - 25 nghìn đồng/kg. Vì giống táo được trồng là táo đại, lại được trồng theo hướng hữu cơ nên quả táo rất to, ngon và ngọt. Táo Yên Phú được các thương lái khắp nơi đến thu mua và không đủ bán. Các thành viên trong tổ hợp tác thu được từ 100 - 200 triệu đồng/niên vụ.

Chị Nguyễn Thị Hiền ở thành phố Hà Giang cho biết, chị hay thuê xe xuống thu mua táo ở Yên Phú về Hà Giang bán. Do táo to và ngọt nên được được khách hàng rất ưa chuộng. Còn anh Nguyễn Huy Yên, một khách du lịch đến từ Hà Nội cho biết, dịp Lễ hội Động Tiên 2019 anh về chơi được thưởng thức táo Yên Phú nên anh tìm đến tận vườn mua táo về làm quà, ai ăn cũng đều khen tấm tắc. Anh mong muốn loại quả ngon này sẽ có mặt ở các siêu thị ở Hà Nội để người dân thủ đô được thưởng thức.

Theo ông Vũ Văn Sỹ, Phó Chủ tịch UBND xã Yên Phú, cây táo được đưa vào trồng nhiều từ năm 2010 đến nay. Gần đây thấy hiệu quả của loại cây này, người dân trong xã mở rộng diện tích, hình thành vùng chuyên canh táo. Toàn xã có 50 ha táo, tập trung chủ yếu ở các thôn Làng Chiềng, Làng Soi, 1A Thống Nhất, 1B Thống Nhất và thôn 3, thôn 4 Thống Nhất. Bên cạnh việc mở rộng diện tích, chất lượng giống cũng được nông dân ở đây lựa chọn kỹ. Hiện Yên Phú đang duy trì 2 giống táo chính là táo đại đường, táo Đài Loan, đây đều là những giống táo có năng suất và chất lượng vượt trội.

Báo Tuyên Quang

Tin cùng chuyên mục