,

Thương hiệu nông sản

Xây dựng thương hiệu: Câu chuyện đường dài

Cùng với quy hoạch vùng sản xuất, phát triển các chuỗi liên kết, ngành Nông nghiệp tỉnh đang tập trung tạo dựng thương hiệu, nhãn hiệu cho những mặt hàng chủ lực, để thương hiệu thật sự trở thành giá trị của nông sản địa phương. Đây được xem là bước đi đường dài của nông sản địa phương, khi câu chuyện nâng cao giá trị gia tăng, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm đang là bài toán được các ngành, các cấp chung tay tìm lời giải.

Gà Tân Tạo, xã Đội Cấn (TP Tuyên Quang) là giống gà lai chọi, được bà con ở đây nuôi theo hình thức bán hữu cơ. Ông Lê Văn Vinh, Tổ trưởng Tổ hợp tác chăn nuôi gà Tân Tạo cho biết, trước khi thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm, tổ hợp tác đã đi thăm một số mô hình nuôi gà đặc sản tại Quảng Ninh, Bắc Giang, Phú Thọ… và nhận ra, sản phẩm của tổ hợp tác vẫn là sản phẩm “độc nhất”, cả về con giống và cách nuôi. Ông Vinh cho biết, hầu hết những nơi này, mỗi lứa gà từ lúc nuôi đến lúc xuất chuồng chỉ kéo dài từ 3-4 tháng, thì ở Tân Tạo, để có một lứa gà ngon xuất chuồng, bà con phải nuôi đến 6-7 tháng. Thức ăn hoàn toàn sử dụng ngô, thóc, tuyệt đối nói không với thức ăn công nghiệp. Để chủ động nguồn con giống, mỗi thành viên trong tổ hợp tác đều nuôi từ 70 - 100 con gà mái. Tổ hợp tác cũng được hỗ trợ 1 lò ấp, công suất 600 quả/mẻ.


Ông Lê Văn Vinh, thôn 1, xã Đội Cấn (TP Tuyên Quang) chăm sóc đàn gà.

Ông Vinh gọi vui 7 thành viên trong tổ hợp tác là những người không màng đến chuyện làm giàu. Bởi lẽ, thời gian nuôi càng kéo dài thì nguy cơ mất trắng xảy ra càng cao, do dịch bệnh trên đàn gà trong quá trình nuôi nửa năm là rất nhiều. Tuy nhiên, các thành viên trong Tổ hợp tác chăn nuôi gà Tân Tạo đều thống nhất không thay đổi cách chăn thả, mục tiêu là giữ lại được nguồn con giống tốt và đặc biệt là đem đến cho người tiêu dùng sản phẩm tốt nhất khác biệt với sản phẩm của những nơi khác.


Ông Bàng Minh Hạnh, thôn Khuôn Hẻ, xã Kim Quan (Yên Sơn) kiểm tra vườn chè Ngọc Thúy của gia đình.

Không phải nghề truyền thống, nhưng sản phẩm chè sạch của ông Bàng Minh Hạnh, thôn Khuôn Hẻ, xã Kim Quan (Yên Sơn) hiện cũng được người tiêu dùng ưa chuộng. Ông Hạnh chia sẻ, năm 2012, khi đưa giống chè Ngọc Thúy về trồng, nhiều người dân trong thôn không tin sản phẩm có thể trụ vững được, vì giá bán mỗi kg thành phẩm được ông khẳng định có thể đạt đến 200 nghìn đồng/kg. Là bởi, bà con ở Kim Quan cũng trồng giống chè Trung du ngay sau chương trình phá bỏ cây sả, nhưng giá bán mỗi kg chỉ đạt khoảng 30 nghìn đồng.

Để minh chứng lời mình nói là đúng, năm đầu tiên ông Hạnh trồng 1 ha và tiếp tục mở rộng ra thành 2 ha vào năm sau. Để có sản phẩm ngon, sạch, quy trình chăm sóc của gia đình ông khá công phu. Ông sử dụng hoàn toàn phân bón hữu cơ để chăm sóc chè, việc diệt trừ sâu bệnh hại cũng sử dụng các chế phẩm sinh học chứ không dùng thuốc hóa học, việc làm cỏ được làm thủ công, cắt máy, loại bỏ hoàn toàn thuốc diệt cỏ ra khỏi quá trình sản xuất…

Hiện 7 ha chè của gia đình, trong đó có 2 ha chè đặc sản mỗi năm cho gia đình ông thu nhập 700 triệu đồng. Trong đó riêng thu nhập từ chè Ngọc Thúy đạt từ 350 – 400 triệu đồng. Đầu năm nay, ông Hạnh dành khoảng hơn 2 tháng về Hà Nội học thêm nghề làm trà ướp sen. Ông bảo, kỳ công nhưng cũng đáng để nhân rộng, khi chè đặc sản của gia đình được ướp ủ trong hoa sen, đã nâng tầm lên một vị thế mới. Theo ông Hạnh, mặc dù giá bán đã đạt đúng con số mình đưa ra lúc đầu là 200 nghìn đồng/kg, nhưng trên thị trường, những sản phẩm chè cùng loại như của gia đình ông đã xây dựng được thương hiệu có giá bán cao gấp 4 – 5 lần.

Không phủ nhận chất lượng sản phẩm của Tổ hợp tác gà Tân Tạo là khác biệt và hơn hẳn so với các loại gà khác trên thị trường. Nhưng sau vài chục năm chăn nuôi tự nhiên và hơn 2 năm thành lập, sản phẩm gà Tân Tạo hiện vẫn chưa được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu sản phẩm trên thị trường. Nguyên nhân là do tổ hợp tác không có đủ điều kiện pháp lý để quản lý nhãn hiệu. Để bảo hộ nhãn hiệu sản phẩm này, Hội Nông dân xã Đội Cấn đã đứng ra làm các thủ tục để đăng ký thành nhãn hiệu tập thể.

Tháng 8 vừa rồi, Hợp tác xã sản xuất, chế biến chè Kim Quan chính thức được thành lập, ông Bàng Minh Hạnh là Phó Giám đốc. Ông bảo, việc đầu tiên mà ông nghĩ đến khi thành lập hợp tác xã là đăng ký, xây dựng nhãn hiệu cho sản phẩm chè đặc sản Ngọc Thúy, tiếp đến là thị trường. Mục tiêu là giúp sản phẩm đi sâu được vào những thị trường "khó tính" hơn.


Ông Lê Văn Vinh (bên trái), Tổ trưởng Tổ hợp tác gà Tân Tạo kiểm tra trứng ấp, cung cấp con giống
cho các thành viên.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, toàn tỉnh hiện mới chỉ có 42 sản phẩm được cấp nhãn hiệu hàng hóa, trong khi còn rất nhiều sản phẩm có tên tuổi chưa làm các thủ tục đăng ký nhãn hiệu. Như tại huyện Na Hang, địa phương có nhiều nông sản chủ lực, đến thời điểm này mới chỉ có 4 sản phẩm có chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa là rượu ngô men lá Na Hang, rau an toàn Hồng Thái, cá đặc sản Na Hang, chè Shan tuyết Na Hang. Hiện Na Hang đang tiếp tục hoàn thiện các thủ tục chứng nhận nhãn hiệu cho 2 sản phẩm đậu xanh Yên Hoa, bún khô Đà Vị.

Thương hiệu mạnh nhờ chữ tín và cũng chính chữ tín làm nên giá trị thương hiệu. Vì vậy, ngoài việc chú trọng xây dựng thương hiệu, người làm ra nông sản cần chú trọng chất lượng, bảo đảm an toàn thực phẩm, duy trì gìn giữ hình ảnh để phát triển bền vững.

Báo Tuyên Quang

Tin cùng chuyên mục