,

Thương hiệu nông sản

Vịt bầu Minh Hương

TQĐT - Năm 2015, sản phẩm vịt bầu của xã Minh Hương (Hàm Yên) được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp chứng nhận nhãn hiệu. Từ đó đến nay, các cấp chính quyền và bà con địa phương luôn chung tay thực hiện nhiều giải pháp phát triển sản phẩm này.


 Gia đình anh Phạm Văn Thi, thôn 13 Minh Quang, xã Minh Hương (Hàm Yên)
 đầu tư chăn nuôi vịt bầu làm hàng hóa. 

Vịt bầu Minh Hương có đặc điểm mỏ và chân vàng, nhiều thịt, xương nhỏ, con cái lông vằn, chân ngắn, con đực mình tròn, đầu xanh biếc. Vịt được nuôi dưỡng bởi dòng suối Cham Chu kết hợp chế độ ăn uống tự nhiên nên thịt rất thơm và ngon. 

Nhận thấy giá trị kinh tế của sản phẩm này nên nhiều hộ dân trong xã đã mạnh dạn đầu tư con giống, chuồng trại, máy ấp để phát triển chăn nuôi với quy mô từ 100 - 500 con/lứa, trung bình mỗi năm cho thu lãi từ vài chục đến hàng trăm triệu đồng, tiêu biểu như hộ gia đình bà Phạm Thị Vân, ông Phạm Văn Thi, bà Hoàng Thị Ngọc, bà Hoàng Thị Thành, anh Lương Văn Tiếp… Nếu năm 2017 tổng số đàn vịt bầu xã Minh Hương xuất bán 36.923 con, đạt 115% kế hoạch, trọng lượng đạt 66,4 tấn thịt thì tính đến nay, đàn vịt bầu có tổng số trên 40.000 con thương phẩm, nuôi tập trung chủ yếu tại các thôn 4, 8, 13 Minh Quang, 4 Minh Tiến.

Theo ông Triệu Văn Bình, Phó Chủ tịch UBND xã Minh Hương, trên địa bàn xã có 2 cơ sở nuôi vịt giống Minh Hương bố mẹ kết hợp máy ấp trứng gia cầm, hàng năm cung cấp trên 60.000 con giống vịt bầu Minh Hương đáp ứng nhu cầu cho người chăn nuôi trong và ngoài huyện. UBND xã thường xuyên phối hợp với các đơn vị chuyên môn của huyện tổ chức các lớp tập huấn về chăn nuôi vịt, công tác thú y và vệ sinh môi trường.

Hiện nay, sản phẩm vịt bầu Minh Hương đã có chỗ đứng trên thị trường, được nhiều người thưởng thức ẩm thực lựa chọn và yêu thích. Là đơn vị quản lý nhãn hiệu, anh Phạm Duy Lập, Giám đốc Hợp tác xã Nông lâm nghiệp Bằng Tiến cho biết, hợp tác xã đã xây dựng lịch chăn nuôi cho tổ hợp tác nuôi vịt bầu, các hộ chăn nuôi tập trung đảm bảo quy trình an toàn vệ sinh thực phẩm, gắn với tiêu thụ. Thời gian xuất bán, đảm bảo đủ số lượng, chất lượng thịt, giao nhận sản phẩm theo đúng hợp đồng. 

Bên cạnh đó, Hợp tác xã đã phối hợp với VNPT Tuyên Quang dán tem điện tử truy xuất nguồn gốc sản phẩm cùng với việc đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu sản phẩm thông qua các hội chợ nông lâm nghiệp. Hiện sản phẩm đã có mặt tại nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước như Hải Phòng, Phú Thọ, Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Thái Nguyên. Giá bán trung bình 100 nghìn đồng/kg.

 
Nguồn: báo Tuyên Quang
 

Tin cùng chuyên mục