,

Thương hiệu nông sản

Tinh hoa đất rừng Cham Chu

Người ta biết đến Minh Hương (Hàm Yên) không chỉ nổi tiếng với vịt bầu ngon, hấp dẫn mà còn biết đến gạo hương thơm, nếp cái hoa vàng nức tiếng gần xa. Đây là một trong những loại gạo luôn được thị trường ưa chuộng bởi độ dẻo, thơm, đậm đà và giàu chất dinh dưỡng.

Hạt “ngọc” trời


Sản phẩm gạo hương thơm Minh Hương.

Ông Hoàng Văn Nhân, Chủ tịch UBND xã Minh Hương cho biết, Minh Hương là xã thuần nông, nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào dân tộc Tày. Đất đai ở nơi này đã kết tinh ra hạt “ngọc” trời, trở thành thế mạnh của xã trong phát triển nông nghiệp. Những hạt gạo được làm ra trên đất Minh Hương dẻo, thơm và ngon hơn hẳn so với những nơi khác. Cho đến giờ vẫn chưa ai giải thích được vì sao mỗi loại giống lúa được gieo trồng ở đây đều có chất lượng gạo ngon hơn hẳn so với việc gieo trồng trên vùng đất khác. Chỉ biết rằng, con suối bắt nguồn từ dãy núi Cham Chu, chảy dọc theo chiều dài của xã 17 km vẫn hàng ngày cần mẫn mang những tinh túy của núi rừng, của đại ngàn để bồi đắp cho những cánh đồng lúa ở Minh Hương. 

Có lẽ sự ưu ái của thiên nhiên và sự cần mẫn của đồng bào dân tộc Tày làm cho hạt gạo trắng ngần như những hạt “ngọc” trời của xã Minh Hương này thêm phần dẻo thơm và giàu dưỡng chất hơn. Giống lúa hương thơm và nếp cái hoa vàng, BC15 được gieo trồng từ nhiều năm nay đã trở thành đặc sản mà hiện nay chưa đáp ứng đủ nhu cầu của người tiêu dùng. 

Bà Nguyễn Thị Tươi, một trong những thương nhân tham gia buôn bán gạo trên địa bàn thành phố Tuyên Quang từ 20 năm nay bảo, bên cạnh nhiều chủng loại gạo nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của các gia đình trên địa bàn thành phố, từ 15 năm trở lại đây, bà đặc biệt quan tâm đến việc tham gia tiêu thụ gạo Minh Hương. Hàng năm, lượng gạo của địa phương này được nhập về cơ sở kinh doanh gạo của gia đình bà và một số hộ kinh doanh gạo khác trong khu vực chợ Tam Cờ với số lượng lớn, giá cả cao hơn so với một số chủng loại gạo ở các địa phương khác, nhưng vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ của thị trường. Gạo của xã Minh Hương nhập về được tiêu thụ hết ngay. Những gia đình sành ăn đều mua gạo hương thơm, nếp cái hoa vàng được gieo trồng trên chính mảnh đất Minh Hương. Bởi những loại gạo này khi được nấu lên rất thơm, dẻo, ngon cơm…

Theo lãnh đạo xã Minh Hương, các giống lúa chất lượng cao được đưa về trồng tại xã từ những năm 2000 đến nay. Năng suất lúa hương thơm, BC15 đạt từ 2 -2,3 tạ/sào không cao hơn so với những giống lúa khác; lúa nếp cái hoa vàng đạt từ 1,7-1,8 tạ/sào nhưng nhờ chất lượng gạo thơm, ngọt, vị đậm, khả năng chống chịu sâu bệnh cao mà người dân giữ lại giống lúa này để sản xuất từ bấy đến nay. Ông Nông Văn Tự, Trưởng thôn 4 Minh Quang cho biết, thôn hiện có hơn 20 ha đất trồng lúa. Giống lúa hương thơm, nếp cái hoa vàng, BC15 này trồng ở Minh Hương rất phù hợp với thổ nhưỡng nơi đây, thế nhưng trồng ở đồng đất khác chỉ cách xã chừng vài km chất lượng gạo khác hẳn. Ông Tự luôn tự hào về đặc sản quê mình và mong hạt gạo Minh Hương “cất cánh bay xa”.

Xây dựng thương hiệu “Gạo Minh Hương”


Gạo Minh Hương được bày bán và giới thiệu sản phẩm tại thành phố Tuyên Quang. 

Theo UBND xã Minh Hương, toàn xã hiện có 740 ha đất nông nghiệp. Bình quân mỗi năm xã cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh hơn 4.400 tấn thóc. Hiện nay, xã đang quy hoạch và xây dựng vùng chuyên canh sản xuất lúa đặc sản tại thôn 4 Minh Quang và thôn 8 Minh Quang với tổng diện tích 80 ha. Xã đã xây dựng kế hoạch phát triển các giống lúa chất lượng cao, các giống lúa này đã trải qua quá trình sinh trưởng, phát triển tại xã đảm bảo các yếu tố về năng suất và chất lượng là giống lúa hương thơm, nếp cái hoa vàng, BC15, lúa khẩu pái, khẩu lường ván. Trong đó, có 2 giống lúa khẩu pái và khẩu lường ván mới được Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với các cơ quan, đơn vị nghiên cứu, phục tráng thành công và đưa về trồng tại xã từ năm 2017 đến nay. Lúa khẩu pái và khẩu lường ván rất dẻo, thơm và ngon cơm. Hiện, UBND xã đang chuẩn bị các điều kiện xây dựng và phát triển thương hiệu gạo đặc sản Minh Hương.

Mấy năm gần đây, nhờ tham gia các hội chợ thương mại; triển khai chương trình quảng bá sản phẩm một cách bài bản, sản phẩm gạo Minh Hương đã có những bước tiếp cận với nhiều khách hàng phương xa. Tại Lễ hội Thành Tuyên hàng năm, xã Minh Hương cung cấp 3-5 tạ gạo đặc sản và bán hết luôn trong những ngày đầu tiên. Du khách thập phương về Tuyên Quang dự hội mua về ăn ngon lại liên hệ về xã để đặt hàng.

Người dân xã Minh Hương hiểu hơn ai hết tầm quan trọng của việc bảo đảm chất lượng và giữ hương vị đặc trưng của gạo chất lượng quê mình. Bà con bảo nhau tăng cường trao đổi kinh nghiệm, nâng tầm sản phẩm để khẳng định, xây dựng và phát triển thương hiệu. Việc sản xuất gạo chất lượng cao ở Minh Hương gần như không sử dụng nhiều thuốc bảo vệ thực vật và phân bón vô cơ. Ông Hoàng Văn Tám, dân tộc Tày sinh ra và lớn lên ở Minh Hương được chứng kiến sự đổi thay rõ rệt của quê hương nhưng gạo ở Minh Hương vẫn giữ nguyên được hương vị thơm ngon đặc biệt, khác với bất cứ loại gạo nào ở nơi khác. Ông bảo, gạo ở đây thơm ngon như vậy là bởi hình sông, thế núi, khí hậu và chất đất được bồi đắp từ con suối bắt nguồn từ dãy núi Cham Chu. 

Nguồn nước suối Cham Chu tinh lọc những gì tinh túy nhất của đại ngàn, qua hàng nghìn năm kiến tạo của địa tầng đã bồi đắp cho chất lượng gạo của xã Minh Hương thêm phần giá trị, có sức hút kỳ lạ với người tiêu dùng. Sau mỗi vụ sản xuất, từng chuyến xe tư thương đổ về mua gạo như chở những mùa vui của người dân nơi này đi khắp muôn nơi…

Tin cùng chuyên mục