,

Thương hiệu nông sản

SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP SẠCH - HƯỚNG ĐI BỀN VỮNG

Sản xuất nông nghiệp sạch đang là xu hướng được nhiều địa phương triển khai thực hiện. Đối với tỉnh Tuyên Quang, đây là một trong những nội dung quan trọng trong thực hiện Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp. Dù vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng bước đầu mô hình sản xuất nông nghiệp sạch của tỉnh đã được các địa phương, doanh nghiệp và người dân quan tâm đầu tư thực hiện.

Lễ cắt băng khai mạc Hội chợ OCOP Tuyên Quang 2021.

Năm 2021, một năm đầy gian khó với ngành nông nghiệp Tuyên Quang, dịch bệnh Covid-19 kéo dài và diễn biến phức tạp đã có tác động không nhỏ đến sự phát triển của nền kinh tế nói chung và kết quả sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang nói riêng, tuy nhiên Đảng bộ, chính quyền các cấp của tỉnh đã có những chủ trương, chính sách đúng đắn phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng xây dựng các chuỗi giá trị, phát triển nông nghiệp sạch theo mô hình VietGAP, nông nghiệp sử dụng công nghệ cao...góp phần thực hiện tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, nâng cao giá trị ngành, hàng. Dưới sự lãnh, chỉ đạo quyết liệt và thực hiện các giải pháp đồng bộ của các cấp ủy đảng, chính quyền và sự cố gắng nỗ lực của nhân dân, nhất là việc thực hiện Ðề án “Cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản hàng hóa, tập trung vào các sản phẩm chủ lực, đặc sản theo chuỗi liên kết bảo đảm chất lượng, giá trị tăng cao gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.

Chè Shan tuyết Hồng Thái, huyện Na Hang.

Việc cơ cấu lại ngành nông nghiệp của tỉnh Tuyên Quang hiện nay gắn liền với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, trong đó cốt lõi là đẩy mạnh công tác phát triểnsản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân theo hướng bền vững thông qua việc đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi theo nhu cầu thị trường và xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, liên kết sản xuất, chế biến bảo quản, tiêu thụ sản phẩm gắn với bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; nhân rộng mô hình sản xuất hiệu quả, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ.

Để nâng cao chất lượng nông sản, hướng tới sản xuất nông nghiệp sạch, ngành Nông nghiệp và PTNTtỉnh Tuyên Quang đã chủ động phối hợp với các ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố duy trì và mở rộng687 ha cam theo tiêu chuẩn VietGAP, 30 ha cam theo tiêu chuẩn hữu cơ, 729 ha chè theo tiêu chuẩn nông nghiệp bền vững, 93 ha chè tiêu chuẩn VietGAP, 24 ha chè tiêu chuẩn hữu cơ.Năm 2021, toàn tỉnh có 95,65 ha cây chè, cam, bưởi, lúa,... đăng ký sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và chuyển đổi sang sản xuất hữu cơ. Dự kiến đến hết năm 2021, toàn tỉnh có 1.835,35 ha cây trồng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và các tiêu chuẩn tương đương. Đồng thời, nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp thông qua việc hỗ trợ kinh phí xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm đối với sản phẩm đã được đăng ký nhãn hiệu, chất lượng sản phẩm hàng hóa cho một sốhợp tác xã. Đồng thời, đổi mới các hình thức tổ chức sản xuất, tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ nông sản. Đẩy mạnh phát triển chăn nuôi hàng hóa với quy mô phù hợp. Phát triển các vùng sản xuất chuyên canh, sản xuất hàng hóa tập trung như: lúa, cam, bưởi, chè, mía, lạc... Nhiều sản phẩm chủ lực được liên kết với doanh nghiệp sản xuất theo chuỗi giá trị, góp phần tạo thương hiệu và nâng cao giá trị cho nông sản Tuyên Quang. Các tiến bộ kỹ thuật và công nghệ mới theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ áp dụng ngày càng nhiều. Từ đó, đã khuyến khích các tổ chức, cá nhân chuyển đổi sang phát triển sản xuất nông nghiệp sạch.

Đến nay, nhiều nông sản chủ lực của tỉnh đã được cấp chứng nhận, nhãn hiệu cũng như chỉ dẫn địa lý: có 54 sản phẩm đã được Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ chứng nhận nhãn hiệu; trên 200 sản phẩm được dán tem truy xuất nguồn gốc; 24 cơ sở được chứng nhận chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn; có 03 sản phẩm là Cam Sành Hàm Yên, Chè Shan tuyết Na Hang, Bưởi Soi Hà huyện Yên Sơn đã được Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ cấp giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý, được thị trường trong và ngoài tỉnh ưa chuộng. Nhờ đó, cây chè Shan tuyết từ cây rừng hoang nay đã cho người dân ở xã Hồng Thái, huyện Na Hang thu nhập bình quân đạt 28 triệu đồng/ha/năm, trở thành một trong những sản phẩm OCOP 4 sao của tỉnh. Một sản phẩm nông sản khác tiêu biểu của Tuyên Quang là Cam sành Hàm Yên,cũng chính bởi chất lượng và danh tiếng của mình mà cam sành Hàm Yên vinh dự góp mặt trong top 10 loại trái cây nổi tiếng và là một trong 50 trái cây ngon nhất Việt Nam, cây cam đã trở thành cây đặc sản có ưu thế và ưu tiên trồng tập trung. Hiện toàn huyện Hàm Yên hiện có hơn 7.200 ha cam tại 13 xã, thị trấn với trên 4.000 hộ trồng cam, trong đó có 687 ha cam sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và khoảng 30 ha cam sản xuất theo hướng hữu cơ. Việc thực hiện chăm sóc, sản xuất cam theo tiêu chuẩn VietGAP không những tăng năng suất, cải thiện mẫu mã, chất lượng của sản phẩm mà còn giúp bà con nông dân giảm tới 50% chi phí cho phân bónvà thuốc trừ sâu so với cách trồng cam thông thường. Phân bón sử dụng trong lúc canh tác toàn bộ dùng phân hữu cơ, phân bón vi sinh và nguồn nước sạch. Sau khi cây ra hoa, người dân ngưng bón phân mà chủ yếu chỉ tưới nước và ngăn chặn sâu bọ để cây ra trái khỏe tự nhiên, đảm bảo chất lượng trái và an toàn thực phẩm. Nhờ trồng cam, nhiều gia đình ở Hàm Yên đã thoát nghèo vươn lên trở thành hộ khá, giàu, có hộ đã trở thành tỷ phú. Mùa cam ở Hàm Yên cũng tạo việc làm cho hàng nghìn lao động trong vùng và các địa phương lân cận như Hà Giang, Cao Bằng, Yên Bái, Vĩnh Phúc. Nhiều người có thu nhập cả triệu đồng mỗi ngày từ gánh cam thuê. Những năm trở lại đây, cây cam sành thực sự trở thành cây chủ lực phát triển kinh tế của người dân tại địa phương; ngoài chè hữu cơ Shan Tuyết Hồng Thái còn có chè đặc sản Vĩnh Tân, cá lăng cũng được bình chọn danh hiệu “Thương hiệu Vàng nông nghiệp Việt Nam”; Chè Bát Tiên Mỹ Bằng, mật ong Tuyên Quang được “Tôn vinh sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu”; bưởi Xuân Vân đứng TOP 10 Thương hiệu-Nhãn hiệu nổi tiếng; trâu được xây dựng nhãn hiệu tập thể “Trâu Chiêm Hóa” và “Trâu ngố Tuyên Quang”.

Cam sành xã Minh Khương, huyện Hàm Yên.

Đến thăm gia đình ông Trịnh Ngọc Hạnh ở thị trấn Tân Yên, huyện hàm Yên với mô hình trồng cam theo tiêu chuẩn VietGAP. Ông Hạnh chia sẻ: Gia đình ông trồng cam đã được hơn 20 năm, trước đây gia đình chỉ tập trung trồng và chăm sóc theo phương pháp truyền thống, hiệu quả kinh tế mang lại cho gia đình cũng không cao, có vụ tính theo bài toán “được mùa thì mất giá, được giá thì mất mùa”. Qua nghiên cứu tìm hiểu, năm 2019 gia đình ông đã quyết tâm thay đổi phương thức sản xuất, chuyển từ sản xuất truyền thống sang sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn, nhưng mới bắt đầu chuyển sang trồng cam theo tiêu chuẩn VietGAP gần 02 năm nay. Qua hơn 02 năm chuyển đổi phương thức sản xuất, vườn cam VietGAP của gia đình ông Hạnh có giá bán cao hơn, thị trường ổn định hơn và việc trồng cam theo tiêu chuẩn VietGAP giúp cho sức khỏe của những người làm vườn như ông Hạnh được tốt hơn. Ông Hạnh cũng là một trong39thành viên của Tổ hợp tác cam VietGAP của tổ dân phố Đồng Bàng, thị trấn Tân Yên, huyện Hàm Yên.

Tuy nhiên việc sản xuất nông nghiệp sạch tại huyện, thành phố còn tồn tại một số hạn chế nhất định đó là: các hình thức tổ chức sản xuất chậm đổi mới, phổ biến vẫn là sản xuất nhỏ, phân tán,kém hiệu quả, sức cạnh tranh sản phẩm thấp chưa đáp ứng yêu cầu của sản xuất hàng hóa… Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng như hiện nay nếu không áp dụng sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn, quy chuẩn, đảm bảo tuân thủ những tiêu chuẩn khắt khe về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, chất lượng, cũng như nguồn gốc xuất xứcủa sản phẩm… thì nông sản của Tuyên Quang khó có thể tiếp cận được với thị trường trong nước và hướng tới mục tiêu xuất khẩu.

Nhận thức được tầm quan trọng của việc sản xuất nông nghiệp sạch gắn với thúc đẩy liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nông sản, thời gian qua, nông nghiệp tỉnh Tuyên Quang đã có bước phát triển theo hướng chuyển dần từ nền nông nghiệp số lượng sang chất lượng và giá trị. Tốc độ tăng giá trị nông, lâm nghiệp, thủy sản bình quân hằng năm luôn đạt khá, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực. Qua đó đã tạo việc làm và ổn định đời sống cho người dân nông thôn, góp phần giảm nghèo, tăng thêm nguồn lực cho xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, từng bước nâng tầm các loại nông sản chủ lực, đặc sản của tỉnh, hướng tới mục tiêu mở rộng địa bàn tiêu thụ và tham gia xuất khẩu.

Để sản xuất nông nghiệp sạch ở Tuyên Quang thực sự phát triển, cùng với việc thay đổi tư duy sản xuất của người dân, thì việc xây dựng thương hiệu cho nông sản, mời gọi, thu hút các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp cùng tham gia sản xuất, chế biến, tiêu thụsản phẩm nông nghiệp theo tiêu chuẩn, quy chuẩnsẽ góp phần phát triển nông nghiệp bền vững trên địa bàn tỉnh./.

Bài, ảnh: Nguyễn Thị Thu Hương/Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh

Tin cùng chuyên mục