,

Thương hiệu nông sản

OCOP Tuyên Quang giúp nông dân nắm bắt nhu cầu thị trường

Tiêu chí khắt khe của OCOP đòi hỏi người nông dân phải chuyên nghiệp hơn trong sản xuất. Đổi lại khi có sao OCOP, nông sản Tuyên Quang có cơ hội vươn tầm thế giới.

Sản phẩm chè shan của HTX Sơn Trà, xã Hồng Thái đạt 4 sao OCOP. Ảnh: Đào Thanh

26 sản phẩm “có sao”

Sản phẩm chè shan của HTX Sơn Trà, xã Hồng Thái là một trong số ít các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh Tuyên Quang đạt 4 sao OCOP.  Để đạt chuẩn sao OCOP, các thành viên trong HTX thực hiện quản lý chặt chẽ, duy trì và phát triển chất lượng chè để các sản phẩm được chế biến từ chè shan tuyết của HTX đều đạt tiêu chuẩn hữu cơ (oganic) hướng đến xuất khẩu.

Phó Giám đốc HTX Sơn Trà Đặng Ngọc Phố cho biết, so với các vùng chè có tiếng như Thái Nguyên, Hà Giang thì chè xứ Tuyên còn lép vế. Vì vậy nếu người nông dân cứ làm chè theo kiểu truyền thống từ chăm sóc đến làm thị trường thì vừa không có hiệu quả, vừa không biết đến khi nào mới có thương hiệu. Bởi vậy, khi được chọn làm sản phẩm OCOP, ông Phố và các thành viên HTX đều ý thức được đây là cơ hội để nâng tầm sản phẩm. Đến nay sản phẩm chè shan tuyết Hồng Thái của HTX được khách hàng và các đối tác đánh giá cao về chất lượng cũng như mẫu mã. Sản phẩm có giá từ 250 nghìn đồng đến 1,2 triệu đồng/kg.

Cũng như HTX Sơn Trà, các tổ chức, cá nhân ở Tuyên Quang đều xác định làm OCOP là thách thức nhưng cũng là cơ hội lớn để tạo dựng thương hiệu và ghi dấu ấn tại các thị trường lớn trong nước và mục tiêu xa hơn là xuất khẩu. Vì thế trong 2 đợt thực hiện chương trình OCOP, tỉnh Tuyên Quang đã có 26 sản phẩm được gắn sao.

Cụ thể huyện Lâm Bình có 3 sản phẩm đạt 3 sao. Huyện Na Hang có 5 sản phẩm, gồm 1 sản phẩm đạt 4 sao, 4 sản phẩm đạt 3 sao. Huyện Chiêm Hóa có 3 sản phẩm đạt 3 sao. Huyện Hàm Yên có 3 sản phẩm, trong đó 1 sản phẩm đạt 4 sao, 2 sản phẩm đạt 3 sao. Huyện Yên Sơn có 5 sản phẩm phẩm, trong đó có 2 sản phẩm đạt 4 sao, 3 sản phẩm đạt 3 sao. Huyện Sơn Dương có 3 sản phẩm đạt 3 sao và thành phố Tuyên Quang có 4 sản phẩm phẩm đạt 3 sao.

Hiện Sở NN-PTNT cùng đơn vị tư vấn đã tổ chức kiểm tra, khảo sát, hướng dẫn các chủ thể lập hồ sơ tham gia dự thi đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP đợt 2 từ nay đến cuối năm 2020 với 70 sản phẩm của 50 chủ thể.

Còn thách thức phía trước

Một số khó khăn, hạn chế trong quá trình triển khai thực hiện OCOP là nhiều sản phẩm của chủ thể đăng ký lập hồ sơ dự thi đánh giá phân hạng sản phẩm chưa có giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, chưa phân tích kiểm nghiệm cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, chưa có nhãn hiệu, bao bì đơn giản chưa bắt mắt khách hàng, công tác quảng bá xúc tiến thương mại còn hạn chế.

Số lượng hồ sơ sản phẩm thực hiện đợt 2 tương đối nhiều, các chủ thể tuy đã được tư vấn hướng dẫn, nhưng vẫn còn nhiều lúng túng trong việc triển khai. Nhiều chủ thể sử dụng máy vi tính chưa thành thạo, do vậy sẽ rất khó khăn trong quá trình phối hợp thực hiện lập hồ sơ tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP.

Nông sản Tuyên Quang đạt sao OCOP giúp nâng cao giá trị và sức cạnh tranh trên thị trường. Ảnh: Đào Thanh

Ví như sản phẩm rượu thóc Khâm Sung, huyện Lâm Bình, sản phẩm đã đủ điều kiện để chấm điểm 3 sao, nhưng do chưa có giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, xác nhận tỷ lệ lao động địa phương, nguyên liệu địa phương và kế hoạch bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, sản phẩm này chưa thống nhất tên gọi giữa hồ sơ với bao bì, chưa thống nhất sử dụng lô gô in trên tem truy xuất nguồn gốc.

Đây cũng là vấn đề với sản phẩm bí thơm xanh Hồng Thái của HTX Nông lâm nghiệp Tân Hợp, xã Hồng Thái. Ở sản phẩm chè xanh Làng Bát của xã Tân Thành, huyện Hàm Yên mặc dù có thương hiệu trên thị trường, nhưng việc chuẩn bị hồ sơ, thủ tục để chấm điểm sản phẩm chưa được chuẩn bị kỹ càng.

Ông Trần Hải Tuyên, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Tuyên Quang cho biết, khi triển khai làm OCOP, những khó khăn vướng mắc gặp phải của các HTX giúp họ “vỡ” ra nhiều điều. Từ đó họ sẽ cẩn thận hơn trong khâu sản xuất, kiểm định chất lượng cũng như làm các thủ tục hành chính pháp lý. Khi các chủ thể được xếp hạng họ sẽ tiếp tục phấn đấu thăng hạng sao của sản phẩm, như vậy cũng là cơ hội để nông sản xứ Tuyên vượt ra khỏi phạm vi địa phương, nâng cao giá trị kinh tế.

Tỉnh Tuyên Quang phấn đấu đến hết năm 2020, toàn tỉnh có 74 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP từ 3 sao trở. Để hoàn thành mục tiêu này, tỉnh tiếp tục chỉ đạo quyết liệt từ tỉnh đến cơ sở, đặc biệt cần có sự vào cuộc tích cực từ phía các chủ thể và đơn vị tư vấn của chương trình.

Báo Nông nghiệp Việt Nam

Tin cùng chuyên mục