,

Thương hiệu nông sản

Ngựa thồ cam ở Phù Lưu

Thời điểm này ở xã Phù Lưu (Hàm Yên) cam sành đang vào giai đoạn cuối vụ. Trên các ngả đường mòn từng đàn ngựa thồ vẫn miệt mài giúp chủ gùi cam. Mỗi chuyến xuống núi, một chú ngựa trưởng thành có thể vận chuyển được gần 2 tạ cam.

Chỉ tay về dãy Cham Chu hùng vĩ, Phó Chủ tịch UBND xã Phù Lưu Ma Văn Huy cho biết, xã là vùng trọng điểm cam sành của huyện với 2.500 ha chủ yếu được trồng trên núi cao. Càng lên cao, thời tiết mát mẻ, thoáng đãng nên cây cam cho chất lượng quả tốt. Khó khăn nhất đối với người trồng cam ở Phù Lưu là làm sao vận chuyển gần 40.000 tấn cam xuống núi. Đây là công việc mất nhiều nhân công và sức lực. Xã, thôn và các hộ trồng cam chủ động phối hợp mở thêm đường đến các chân lô để việc vận chuyển cam được thuận tiện. Nhưng do nhiền vườn cam nằm “vắt vẻo” trên sườn núi cao, vướng đá nên rất khó mở đường. Trước kia hàng năm cứ vào vụ cam chín, các chủ vườn cam lại thuê người từ nơi khác đến gánh cam. Với quãng đường từ 2 - 5 km việc gánh cam quá cực nhọc, hiệu quả không cao. Nhiều lúc do không tuyển đủ được nhân công, không ít hộ chỉ còn biết nhìn cam rụng.


Dịch vụ ngựa thồ cam thuê ở thôn Pá Han, xã Phù Lưu.

Vận chuyển cam và giảm giá thành vận chuyển cam từ trên núi xuống luôn là “bài toán” đau đầu nhất của người trồng cam. Đã có một số người trong xã mạnh dạn xây dựng các tuyến cáp treo, nhưng chi phí cao lên đến cả trăm triệu đồng, quá trình vận chuyển phức tạp. Hơn nữa không phải chỗ nào cũng xây dựng được tuyến cáp treo. Bởi dây cáp nhà nọ đi qua nương nhà kia gây bất tiện. Một số hộ bắt đầu chuyển hướng đi mua ngựa về để thồ cam, qua thực tiễn cho hiệu quả rõ rệt. Nhà này làm được, nhà kia làm theo rồi phong trào nuôi ngựa thồ lan ra cả vùng. Theo số liệu thống kê của xã Phù Lưu, tính đến đầu năm 2019 trên địa bàn xã có tổng hơn 400 con ngựa. Có những thôn hầu như nhà nào cũng có ngựa như: Bản Ban, Nậm Lương, Pá Han, Thôm Táu, Nà Luộc… 

Vào thôn Ban Nhàm đi đâu cũng thấy một “rừng” cam. Anh Lê Văn Thìn dẫn chúng tôi lên thăm nương cam của gia đình. Nương cam cách nhà 3 km đang độ nở bung hoa, chỉ còn ít cây trụ quả cuối vụ. Anh bảo năm 2012 mình  lên huyện Bắc Hà (Lào Cai) tìm mua con ngựa thồ. Tìm đi tìm lại cuối cùng chọn được một chú ngựa đực ưng ý, giá 26 triệu đồng. Theo anh Thìn, ngựa là loài vật gần gũi với chủ nên phải mất một thời gian “thuần hóa” ngựa mới “ngoan ngoãn” chịu nghe lời. Để có con ngựa thồ tốt, ngựa phải đạt tầm từ 7 - 8 năm tuổi trở lên mà phải là ngựa đực. Nên ở Phù Lưu ít người nuôi ngựa cái sinh sản, vì chờ được con ngựa thồ trưởng thành mất nhiều thời gian. Mà thồ khỏe phải là ngựa đực nên cách “nhanh nhất” để có ngựa là mua chúng từ vùng ngựa như Lào Cai, Hà Giang, Bắc Kạn. Trung bình một con ngựa thồ được 1 tạ hàng khi leo dốc và gần 2 tạ hàng khi xuống dốc. Việc vận chuyển vài tấn cam xuống núi một ngày đối với một chú ngựa là khá đơn giản. 

Dịch vụ ngựa thồ cam


Gia đình anh Hà Văn Thế, thôn Pác Cáp dùng ngựa vận chuyển cam,
góp phần giải phóng sức lao động.

Ở Phù Lưu ngoài nhiệm vụ thồ cam của gia đình, nhiều chủ ngựa còn làm thêm dịch vụ thồ cam thuê. Vuốt ve bờm của chú ngựa mua 27 triệu đồng từ Bắc Kạn về, anh Nông Văn Nghinh, thôn Pá Han tâm sự, giá cả thồ cam tùy thuộc vào quãng đường xa hay gần, dễ hay khó. Ngựa nhà anh một buổi sáng thồ cam thuê thu nhập tầm 500 - 600 nghìn đồng, buổi chiều anh cho ngựa đi ăn, nghỉ ngơi. Ưu điểm của ngựa là đường dốc, khó đều đi được hết. Ngay làng bên, nhà anh Trần Văn Nhâm, thôn Phù Yên nuôi 2 con ngựa thồ. Vụ vừa rồi 4 ha cam trên núi cách nhà 2 km đều được ngựa của gia đình thồ cam về. Tranh thủ lúc rỗi anh Nhâm làm thêm dịch vụ thồ cam thuê cho bà con. Anh bảo quãng đường gần thì lấy 60 nghìn đồng/tạ cam. Nếu xa thì có thể gấp đôi.

Để có một con ngựa thồ chính hiệu, theo người dân có kinh nghiệm ở địa phương, gia chủ phải biết chọn ngựa. Ngựa thồ không được béo quá và cũng không được gầy quá. Thức ăn cho ngựa phải đủ chất như cỏ, bột ngô, thóc, nước đường pha loảng, trứng gà. Ngựa không ăn nhiều như trâu vì giữ “bụng eo”, chúng ăn thong thả “lai rai” cả ngày. Để ngựa chắc xương, nhất quyết phải cho ngựa ăn thêm thóc. Rất kỳ lạ, ngựa ăn cỏ nhưng không nhai lại. Loài vật này không có cơ chế nôn ợ. Khi ăn phải nấm mốc ngộ độc nặng ngựa thường lăn ra chết. Ngựa kháng bệnh rất cao, nhưng thi thoảng vẫn bị cảm. 

Ông Lù Văn Giang, Trưởng thôn Bản Ban, một trong những thôn nhiều ngựa ở Phù Lưu chia sẻ, ngựa thồ ở địa phương ít phải đóng móng. Chúng thường đi ở địa hình đồi núi đất, độ mòn không nhiều như ngựa kéo xe ở đường nhựa, bê tông. Khi thồ hàng, người ta làm cho chúng một cái giá trên lưng. Đối với người lạ ngựa rất tinh, chúng thường hí lên để cảnh báo. Vũ khí của loại ngựa chính là cú cắn hiểm hóc và cú đá hậu bất ngờ, khiến đối thủ choáng váng. Tuổi thọ của ngựa có thể đạt từ 30 - 40 năm, gắn bó với gia chủ lâu dài. Từ ngày có đàn ngựa thồ, người dân Bản Ban nhàn hẳn, giải phóng nhiều sức lao động. Ngoài thồ cam, ngựa còn thồ vật tư phân bón, dùng để cưỡi đi kiểm tra nương cam.

Ngày nay người Phù Lưu ngựa vừa là người bạn “tri kỷ” vừa là loài vật “biết kiếm ra tiền”. Người ta rất ít thịt ngựa để ăn, trừ những con thải loại. Giá ngựa tốt ở Phù Lưu lúc nào cũng cao hơn nơi khác. Hàng năm vào Hội chợ Thụt mồng 2-2 âm lịch, xã Phù Lưu lại tổ chức Hội đua ngựa truyền thống. Hội đua có sự tham gia của ngựa thuộc 24 thôn trong xã và ngựa từ các tỉnh Lào Cai, Sơn La, Hà Giang. Mục đích của Hội đua ngựa nhằm giao lưu, tôn vinh, cũng như có thêm phương pháp tuyển chọn được những chú ngựa tốt nhất.

“Người - Cam - Ngựa” có mối quan hệ mật thiết ở Phù Lưu. Những chú ngựa thồ góp phần giải phóng sức lao động, nâng cao giá trị cây cam sành.

Tin cùng chuyên mục