,

Thương hiệu nông sản

Nghề chế biến tinh bột sắn dây ở Măng Ngọt

Nghề trồng và chế biến tinh bột sắn dây tại tổ dân phố Măng Ngọt, thị trấn Sơn Dương (Sơn Dương) đã có từ lâu. Ban đầu chỉ sản xuất nhỏ lẻ, đến nay sản phẩm tinh bột sắn dây của người dân nơi đây đã phát triển thành hàng hóa.

Vườn sắn dây của hộ gia đình ông Lê Đăng Thường, tổ dân phố Măng Ngọt.

Sắn dây đã được người dân tổ dân phố Măng Ngọt trồng từ hơn 30 năm nay, do hợp thổ nhưỡng nên sắn dây cho củ sai, chất lượng tinh bột thơm ngon đặc trưng, được nhiều người biết đến. Tổ dân phố Măng Ngọt có hơn 100 hộ thì có khoảng hơn 30 hộ trồng, sản xuất tinh bột sắn dây, nhờ trồng sắn dây mà các hộ có thu nhập ổn định. Là một trong những hộ trồng nhiều sắn dây nhất trong tổ dân phố Măng Ngọt, ông Tống Văn Châu đã tạo được uy tín cho sản phẩm của mình bởi chất lượng. Ông Châu cho biết, trước đây gia đình ông chỉ trồng 10 đến 15 gốc sắn dây chủ yếu để phục vụ nhu cầu của gia đình. Nhận thấy trồng sắn dây chi phí đầu tư thấp, ít tốn công chăm sóc mà hiệu quả kinh tế cao, ông đã mạnh dạn chuyển đổi đất vườn đồi trồng cây ăn quả sang trồng sắn dây. Đến nay, mỗi vụ gia đình ông trồng 120 gốc sắn dây. Năm nào cũng vậy, cứ đến vụ sản xuất ông lại thuê thêm 2 đến 3 người cùng với các thành viên trong gia đình tinh chế khoảng 8 tạ tinh bột, với giá bán từ 100 - 120 nghìn đồng/kg mang lại thu nhập cho gia đình từ 50 - 70 triệu đồng, cao hơn nhiều lần so với các loại cây trồng khác.


Sản phẩm tinh bột sắn dây của HTX Chế biến tinh bột sắn dây Thục Sơn, thị trấn Sơn Dương
được đóng bao bì nhãn mác.

Trước đây, các hộ trồng và chế biến sắn dây vẫn mang tính thủ công nên năng suất và chất lượng bột chưa cao, các hộ phải tự tìm thị trường nên rất khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm. Để hướng tới sản xuất hàng hóa, HTX chế biến tinh bột sắn dây Thục Sơn được thành lập với 7 thành viên. Sản phẩm tinh bột của HTX được các cơ quan quản lý cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, đã có nhãn mác, tem truy xuất nguồn gốc. Mới đây, HTX đầu tư 100 triệu đồng mua 6 bộ máy sản xuất tinh bột và 1 máy hút chân không, các thành viên được tham gia tập huấn kỹ thuật, học hỏi kinh nghiệm sản xuất, nhờ đó năng suất tăng từ 5 - 7 lần so với trước kia, chất lượng được cải thiện rõ rệt, giá bán được nâng lên 150 - 180 nghìn đồng/kg, thị trường tiêu thụ ngày càng mở rộng, thu nhập bình quân của các thành viên từ 3 - 5 triệu đồng/tháng. 

Với hơn 8 ha sắn dây, năng suất đạt 30 - 40 kg củ/gốc, mỗi năm HTX sản xuất được hơn 4 tấn tinh bột khô. Tuy nhiên, diện tích sắn dây còn nhỏ chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Để cây sắn dây phát triển bền vững, HTX sẽ mở rộng diện tích trồng sắn dây tại các xã lân cận như Tú Thịnh, Hợp Thành, Kháng Nhật, Bình Yên, Lương Thiện…, phấn đấu năm 2019 trồng từ  30 - 50 ha cây sắn dây.

Tin cùng chuyên mục