,

Thương hiệu nông sản

Nâng tầm giá trị cam sành Hàm Yên

Cam sành Hàm Yên đã được công nhận là 1 trong 50 trái cây đặc sản Việt Nam, lọt top 10 thương hiệu - nhãn hiệu nổi tiếng, trở thành cây trồng chủ lực, cây làm giàu cho người dân địa phương. nhiều năm qua, diện tích trồng cam không ngừng được mở rộng dẫn đến phá vỡ quy hoạch, khiến việc tiêu thụ sản phẩm gặp không ít khó khăn.
Hơn nữa, chất lượng cam Hàm Yên đang là bài toán khó của huyện cũng như ngành chức năng để cạnh tranh ở những thị trường khó tính. Đây là thực trạng cần giải quyết để giá trị cam sành Hàm Yên ngày càng được phát huy, mang lại nhiều lợi ích cho người nông dân.

Bài 1: Cây cam bén đất Hàm Yên

Bài 2: Chuyện về vùng cam VietGAP

Bài 3: Không phát triển “nóng” cây cam sành

Cam sành Hàm Yên đã được công nhận là 1 trong 50 trái cây đặc sản Việt Nam, lọt top 10 thương hiệu - nhãn hiệu nổi tiếng, trở thành cây trồng chủ lực, cây làm giàu cho người dân địa phương. nhiều năm qua, diện tích trồng cam không ngừng được mở rộng dẫn đến phá vỡ quy hoạch, khiến việc tiêu thụ sản phẩm gặp không ít khó khăn. Hơn nữa, chất lượng cam Hàm Yên đang là bài toán khó của huyện cũng như ngành chức năng để cạnh tranh ở những thị trường khó tính. Đây là thực trạng cần giải quyết để giá trị cam sành Hàm Yên ngày càng được phát huy, mang lại nhiều lợi ích cho người nông dân.

Cây cam “tổ”

Ở Phù Lưu chẳng ai còn lạ với cây cam “tổ” và chuyện về người đã mang cây cam về gieo trên đất Thôm Táu. Qua những triền cam chín, quả ngọt đang mùa vào sắc, tựa những đốm lửa sưởi ấm bản Thôm Táu hôm nay. Ông Hoàng Đình Phùng ở tuổi “bát thập kế chi” nhưng chẳng ngơi leo núi thăm cam thường nhật. Bên cây cam 60 năm tuổi, cảm xúc của ông vẫn không giấu nổi niềm tự hào là người đầu tiên mang cam sành về đất Phù Lưu. 


Ông Hoàng Đình Phùng, thôn Thôm Táu, xã Phù Lưu (Hàm Yên) bên cây cam sành 60 năm tuổi.

Ông kể, ở Phù Lưu những năm 50 của thế kỷ trước, cây tạp, rừng rậm chen cả lối đi, người dân quen với việc trồng lúa nương khắp bãi bờ, dân nghèo và đói lắm. Năm 1958, ông Phùng 15 tuổi, theo người thân về xuôi tính lập nghiệp, ông tình cờ được giới thiệu về giống cây cho trái ngọt và ít hạt hơn nhiều so với trái cam dại, gai dài tới cả chục xen-ti-mét trên chót vót đỉnh Cham Chu. Ông hào hứng lắm, mang được về 3 gốc cam nhỏ, trong đó có 1 cây gai dài, quả to nhưng lắm hạt, độ bền cây không lâu nên sau này ông dặn bà con không nhân giống cây này mà lấy giống từ hai cây còn lại không có gai, quả to, ít hạt, tán lá xanh thẫm, sức cây khỏe trường cùng với thời gian. Sau 5 năm cây ra trái đầu tiên, ông đếm được vỏn vẹn hơn chục quả, vỏ cam sần sùi, cùi khá mỏng và ít hạt, vị ngọt sắc. Ông cười lớn lắm, kêu vợ con lại gọi bà con dân bản tới cùng thưởng thức, chia sẻ niềm vui. Mọi người chia nhau từ vỏ cam, cùi cam chứ đừng nói đến múi cam mọng nước, ngọt lịm nơi tấc lưỡi thì quý hơn vàng thỏi. Mọi người bắt đầu san sẻ nhau từng hạt cam để làm giống. Ông bảo mỗi nhà chỉ được vài hạt thôi nhưng cảm tạ ông lắm lắm. Ông được người xuôi hướng dẫn cho cả cách trồng và chăm sóc cơ bản cam, học được bao nhiêu ông truyền lại ráo cho bà con chòm xóm. Chẳng mấy chốc cả khu núi Khiêng phủ khắp màu xanh của những triền cam, màu no ấm bắt đầu hiện hữu. Trên núi Khiêng, ông Phùng chọn được vị trí trồng cam phù hợp vừa tiện nước tưới nơi thượng nguồn, chất đất còn nguyên vẹn độ màu thuận lợi cho giống cam sành phát triển. Cùng với cây cam “tổ”, ông Phùng trồng xung quanh là những thế hệ cây “con, cháu”. Đến năm 1975, ông cùng dân trong làng và những thôn kế bên tìm được cách chiết cành để cây ra trái nhanh vừa tiện cho việc nhân giống vừa tính chuyện trồng đại trà thành cây xóa đói, nghèo. Ông Phùng có 11 người con ông đều hướng theo nghiệp cam, nay diện tích cam trồng của gia đình lên tới hơn 40 ha, mỗi người con cũng thu về  hơn 200 triệu đồng/vụ. 

Ông Vũ Trung Thành, Phó Chủ tịch UBND xã Phù Lưu cho biết, đến nay khi cây cam phát triển thành thương hiệu, những người như ông Phùng là “kho tư liệu” quý để người dân học hỏi kỹ thuật chăm sóc và nhân giống cam. Nay với việc áp dụng khoa học kỹ thuật, người trẻ ở Phù Lưu biết trồng cam theo hướng VietGAP để quả cam nâng tầm giá trị. Xã hiện có 4 nhóm hộ đã được cấp chứng nhận VietGAP với diện tích trên 40 ha. Xã cũng đã phối hợp với các đơn vị liên quan mở gần 30 lớp tập huấn để tuyên truyền, mở rộng hướng làm ăn mới, đây là một trong những giải pháp nhằm nâng tầm, phát triển thương hiệu Cam sành Hàm Yên. 

Phù Lưu được biết đến là xã có diện tích cam lớn nhất huyện Hàm Yên với trên 2.500 ha, trong đó 2.078 ha cam cho thu hoạch, năm 2018, sản lượng cam của xã đạt trên 31.000 tấn, tập trung nhiều ở thôn Pác Cáp, thôn Pá Han, thôn Thôm Táu... Cả xã có hơn 60 hộ có thu nhập trên 1 tỷ đồng, như gia đình anh Nông Văn Âm, thôn Thôm Táu; anh Hà Văn Minh, thôn Pác Cáp... Còn lại các hộ có thu nhập từ 200 - 500 triệu đồng trên xã thì nhiều vô kể. Mỗi vụ cam không chỉ đem lại no ấm cho những hộ trồng cam, mà còn tạo việc làm cho nhiều lao động trong và ngoài xã. Anh Lù Văn Giang, thôn Pá Han thu mua cam cho bà con khắp xã rồi xuất bán về Hà Nội, Nghệ An, Hải Phòng, Thanh Hóa hơn chục năm nay. Anh bảo, việc làm kinh tế đã vậy nhưng được quảng bá sản phẩm đi khắp các địa phương trong cả nước khiến anh tự hào lắm…

Cam sành “ưng” đất núi

Cầm trên tay những trái cam vàng óng, ông Phạm Cát Nguyên, thôn Làng Chiềng, xã Yên Phú còn nhớ vẹn nguyên khi ông cùng với ông Vũ Đình Lịch, Nguyễn Văn Dị mang cây cam về với đất này. Ông nhớ đó là khoảng 1941, đám trai làng các ông khi thấy người xuôi có giống cam lạ nên liền xin hạt về trồng, trồng được chừng 6 năm cho quả, cây cao lớn, quả có vỏ sần sùi nhưng vị ngọt đượm. Ông còn nhớ mấy người xuôi họ còn trầm trồ khen cam sành “ưng” đất miền núi hơn xuôi rồi, cho trái to đều và quả ngọt mọng nước ăn đứt chất đất dưới xuôi quê họ. Ông Nguyên là Chủ nhiệm Hợp tác xã Nông nghiệp của xã lúc bấy giờ, năm 1975, ông bèn đem chuyện mong ước có một khu sản xuất cam tập trung trình bày với huyện với xã. Ý kiến của ông được nhất trí cao. Ông Nguyên bảo, quanh khu Động Tiên năm xưa dân làng gọi là làng Nhớn, ít ai mường tượng được đây là địa điểm đầu tiên manh nha cho việc trồng cam sành tập trung tại huyện Hàm Yên vào năm 1975 với diện tích trên 3 ha. Ông chính tay tự lái máy để san ủi mặt bằng trồng cam của hợp tác xã. Người dân gay gắt với ông lắm, vì lúa nương bị bỏ, cây trồng tạp cũng bỏ, đất màu manh mún cũng gạt phăng. Ông giải thích để họ hiểu cái lợi này sẽ là lâu dài để thế hệ trẻ nhìn ra triển vọng làm giàu, rồi xã viên đồng thuận, họ cùng chăm và bảo vệ vườn cam. Vườn cam cũng là vườn để người dân học chiết cành, có cây để tự nhân giống trồng tại gia. Ông cười nói, kể cũng lạ, ngoài việc tưới cho cây, sau mỗi mùa vụ có rơm rạ mọi người hò nhau rắc rơm đã được ủ hoai thành phân bón quanh gốc cam, ngoài ra chẳng có thuốc gì để phòng bệnh cho cây. Ấy thế nhưng năm nào cây cũng cho trái đều đẹp và sản lượng đạt cao. Đám trẻ bây giờ giỏi quá, mạnh dạn mở rộng diện tích lên biết bao triền đồi, lũng núi. Chị Phạm Thị Luyến con gái ông cũng có hơn 2 ha cam trồng cách nhà tới gần chục km. 

Anh Vũ Xuân Thủy, Chủ tịch UBND xã Yên Phú chia sẻ, thế hệ nối tiếp thế hệ, giờ ở Yên Phú có trên 399 ha cam, trong đó có trên 235 ha cam cho thu hoạch. Cả xã có 23 thôn thì rải rác đều có cả, nhưng thôn mạnh nhất vẫn là thôn 1A, 1B, 3, 4 Thống Nhất, thôn Km 61, thu nhập bình quân của người dân đạt trên 30 triệu đồng/người/năm. 

Trên đất Hàm Yên, còn biết bao câu chuyện về sự tích cam sành và những người con vì yêu đất, yêu cây mà gieo lên niềm tin trên chính mảnh đất quê hương. Để rồi hôm nay, Hàm Yên được cả nước biết đến là thủ phủ cam sành mang lại cuộc sống no ấm cho bao người nông dân.

Báo Tuyên Quang/Phóng sự: Thùy Linh

Tin cùng chuyên mục