,

Thương hiệu nông sản

Hàm Yên xây dựng vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa

Huyện Hàm Yên đã triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao gắn với thị trường, nâng cao thu nhập, đời sống cho người dân. Huyện đã hình thành các vùng chuyên canh có giá trị cao, từng bước khẳng định thương hiệu trên thị trường.
 

Vùng chè VietGAP thôn Làng Bát, xã Tân Thành (Hàm Yên).  Ảnh: Duy Hùng

Từ thương hiệu đến thị trường

Huyện Hàm Yên đã hình thành các vùng chuyên canh với hơn 7.000 ha cam, trên 2.100 ha chè, 930 ha mía nguyên liệu, 36.000 ha rừng sản xuất. Nhiều sản phẩm nông nghiệp được phát triển theo mô hình tập trung như nuôi cá lồng đặc sản trên sông Lô; các gia trại, trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm, trong đó có nhãn hiệu tiêu biểu là vịt bầu Minh Hương. Ngoài ra, huyện còn có một số sản phẩm nông nghiệp tiềm năng như lúa chất lượng cao, táo, bưởi, thanh long...

Từ việc hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, ngành Nông nghiệp huyện đã phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng nhãn hiệu hàng hóa và mở rộng xúc tiến thị trường cho sản phẩm Vịt bầu Minh Hương, chè Tân Thái 168, chè xanh VietGAP Luận Kỳ, Làng Bát; đang xây dựng thương hiệu cá đặc sản Thái Hòa và chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm Cam sành Hàm Yên; từng bước thay đổi cơ cấu giống rừng trồng phát triển theo hướng bền vững, nâng cao năng suất, chất lượng gỗ.


Cam sành Hàm Yên đang được UBND huyện phối hợp với các cơ quan xây dựng chỉ dẫn địa lý.

Nhờ sự vào cuộc của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương và người nông dân nên sản phẩm cam sành Hàm Yên đã nổi tiếng khắp cả nước, liên tục đạt được những danh hiệu khẳng định giá trị như: Top 50 trái cây đặc sản nổi tiếng nhất Việt Nam; top 10 thương hiệu - nhãn hiệu nổi tiếng Việt Nam; sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu… Toàn huyện hiện có 192 trang trại, trong đó có 172 trang trại trồng cam, doanh thu bình quân đạt 700 - 800 triệu đồng/trang trại/năm. Nhiều chủ trang trại đã mạnh dạn vay vốn, đầu tư khoa học kỹ thuật, không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm.

Vịt bầu Minh Hương đã nổi tiếng từ nhiều năm nay về chất lượng thơm ngon hơn hẳn so với vịt ở những nơi khác. Sau khi vịt bầu Minh Hương được xây dựng nhãn hiệu tập thể thì các doanh nghiệp, nhà hàng, khách sạn và các thương lái ở các tỉnh Phú Thọ, Yên Bái, Hà Giang, Hà Nội, Hưng Yên tìm đến nhiều hơn và đặt mua.

Năm 2018, sản lượng các sản phẩm nông sản hàng hóa của huyện đều đạt và vượt kế hoạch, theo đó sản lượng cam sành đạt 85.000 tấn, các loại cam khác đạt 15.000 tấn, giá trị từ cam đạt hơn 800 tỷ đồng; sản lượng mía đạt gần 60.000 tấn; khai thác gỗ đạt gần 215.000 m3; tổng sản lượng lương thực đạt gần 54.000 tấn. 


Vịt bầu Minh Hương đã được UBND huyện Hàm Yên xây dựng nhãn hiệu tập thể.

Liên kết sản xuất - tiêu thụ để phát triển bền vững

Ông Đàm Ngọc Hưng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết, UBND huyện đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư, thu hút các doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia chuỗi liên kết sản  xuất  - tiêu thụ, đồng hành cùng nông dân trong sản xuất, tiếp cận thị trường. Trên địa bàn huyện đã hình thành một số chuỗi liên kết gắn với tiêu thụ hiệu quả. Cụ thể, chuỗi sản xuất tiêu thụ mía nguyên liệu giữa người nông dân với Công ty cổ phần Mía đường Sơn Dương. Trong chuỗi liên kết này, người nông dân được công ty thu mua mía nguyên liệu tại ruộng và cấp cây giống, phân bón, hỗ trợ làm đất, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc cho người nông dân. Công ty triển khai nhiều mô hình nâng cao năng suất mía, sử dụng các giống mía mới, mô hình thâm canh đúng quy trình kỹ thuật… 

Công ty cổ phần Giấy An Hòa hỗ trợ toàn bộ cây giống cho người nông dân và thu mua theo giá thị trường. Công ty Lâm nghiệp Hàm Yên, Công ty Lâm nghiệp Tân Thành, Công ty Lâm nghiệp Tân Phong ký hợp đồng liên kết trồng rừng với người dân. Công ty cổ phần Cam sành Hàm Yên  tham gia vào khâu bao tiêu sản phẩm cam sành cho người trồng cam trên địa bàn huyện. Hợp tác xã chè Tân Thái 168 ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với các doanh nghiệp ở các tỉnh và phục vụ thị trường các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, mỗi năm tiêu thụ hơn 22 tấn chè khô.


Chị Trương Thị Hạnh, thôn Cò Sẻ, xã Bằng Cốc chăm sóc rừng của gia đình.

Ngoài ra, huyện đang triển khai dự án hỗ trợ phát triển nuôi trồng thủy sản (nuôi cá lồng đặc sản) liên kết theo chuỗi giá trị, gắn với sản xuất tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn xã Thái Hòa. Thời gian thực hiện từ tháng 6-2018 đến tháng 6-2020, với tổng kinh phí hơn 6,7 tỷ đồng. Ông Phạm Thanh Bình, Giám đốc Hợp tác xã sản xuất - kinh doanh cá đặc sản Thái Hòa cho biết, mục tiêu của dự án đến năm 2020 sẽ duy trì nuôi 115 lồng cá, trong đó có 75 lồng cá chiên, bỗng, 40 lồng cá các loại, sản lượng đạt 38,4 tấn cung cấp cho các nhà hàng, thương lái trong và ngoài tỉnh.

Để thúc đẩy xây dựng vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa bền vững, nâng cao giá trị sản xuất, UBND huyện Hàm Yên đề ra các giải pháp đến năm 2020 giữ ổn định diện tích cam sành, nhân rộng phát triển cam theo mô hình VietGAP; thay thế 100% các giống mía cũ bằng bộ giống mới có năng suất, chất lượng cao; vận động doanh nghiệp, hợp tác xã chè xây dựng dự án theo Nghị quyết 41/2015-HĐND của HĐND tỉnh để hỗ trợ nhân dân trồng mới, trồng lại diện tích chè già cỗi và nhân rộng mô hình sản xuất chè theo chuẩn VietGAP; chuyển đổi sử dụng rộng rãi cây keo lai mô vào trồng đại trà từ các nguồn vốn theo Nghị quyết 03/2017-HĐND của HĐND tỉnh; tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi liên kết tiêu thụ, chế biến sản phẩm nông, lâm sản trên địa bàn.         

Báo Tuyên Quang

Tin cùng chuyên mục