,

Thương hiệu nông sản

Hàm Yên phát triển vật nuôi đặc sản

Hàm Yên có nhiều lợi thế phát triển sản xuất nông nghiệp. Ngoài các loại cây trồng chủ lực như cam, mía, chè, gỗ rừng trồng thì trên địa bàn còn có nhiều loại vật nuôi đặc sản đang được huyện quan tâm đẩy mạnh phát triển là cá chiên, lợn đen, vịt bầu Minh Hương.

Xã Thái Hòa có hơn 9 km sông Lô chảy qua địa bàn xã, tận dụng điều kiện thuận lợi này, từ năm 2006, một số hộ dân trong xã đã tổ chức nuôi cá lồng. Hiện nay, toàn xã có hơn 40 hộ nuôi cá lồng với 138 lồng cá, trong đó có 53 lồng cá chiên đặc sản, tập trung chủ yếu ở 5 thôn: Ba Luồng, Tân An, Khánh An, Bình Thuận, Soi Long. Đặc biệt, năm 2016, Hợp tác xã sản xuất, kinh doanh cá đặc sản Thái Hòa được thành lập và sản phẩm cá chiên của hợp tác xã đã được công nhận đạt chuẩn VietGAP. 


Ông Vũ Xuân Đối, thôn 2 Minh Quang, xã Minh Hương (Hàm Yên) chăm sóc đàn lợn đen của gia đình. 

Anh Vũ Tuấn Công, thôn Ba Luồng là một trong những người nuôi cá lồng đặc sản đầu tiên ở xã Thái Hòa. Hiện gia đình anh đang nuôi 4 lồng cá chiên. Anh cho biết, so với nhiều loại vật nuôi khác thì nuôi cá chiên đặc sản mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Bởi, cá chiên được xếp vào nhóm cá “ngũ quý” (cá chiên, cá lăng, cá dầm xanh, cá anh vũ và bỗng). Giá cá chiên trên thị trường hiện nay dao động từ 450 - 500 nghìn đồng/kg, mỗi lồng cá anh thu lãi 50 - 60 triệu đồng. 

UBND xã Thái Hòa chọn xây dựng thương hiệu “Cá chiên Thái Hòa” là sản phẩm mũi nhọn của địa phương. UBND huyện Hàm Yên đang triển khai dự án hỗ trợ phát triển nuôi trồng thủy sản theo chuỗi giá trị, gắn  sản xuất với tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn xã Thái Hòa. Thời gian thực hiện từ tháng 6-2018 đến tháng 6-2020, với tổng kinh phí là hơn 6,7 tỷ đồng. Ông Phạm Thanh Bình, Giám đốc Hợp tác xã sản xuất, kinh doanh cá đặc sản Thái Hòa cho biết, mục tiêu của dự án đến năm 2020 sẽ duy trì nuôi từ hơn 130 lồng cá trở lên, trong đó có 75 lồng cá chiên, sản lượng đạt hơn 38 tấn, cung cấp cho các nhà hàng, thương lái trong và ngoài tỉnh. 

Mô hình nuôi lợn hữu cơ bằng giống lợn đen của gia đình ông Vũ Xuân Đối, thôn 2 Minh Quang, xã Minh Hương mang lại hiệu quả khá cao. Vào thời điểm giá lợn hơi xuống thấp như đợt tháng 2 vừa qua, nhưng đàn lợn thương phẩm của gia đình ông vẫn bán giá 70 - 80 nghìn đồng/kg. Ông Đối cho biết, gia đình ông nuôi lợn đen hơn chục năm nay, khu vực chăn nuôi luôn duy trì trên 100 con, mỗi năm thu nhập từ nuôi lợn hữu cơ đạt trên 100 triệu đồng. Điều quan trọng là thị trường tiêu thụ lợn đen luôn mở rộng, không có sản phẩm để bán và giá bán ổn định. 

Theo ông Đào Quang Chính, thôn 6 Minh Quang, xã Minh Hương, chăn nuôi lợn đen tuy thời gian kéo dài do lợn chậm lớn, mỗi tháng nuôi lợn chỉ tăng được 2 - 3 kg/con, trọng lượng lợn xuất chuồng thường từ 20 - 30 kg nhưng bù lại giá 1 kg lợn đen cao gấp 2 đến 3 lần giá lợn thường. Giống lợn địa phương có khả năng kháng thể tốt nên ít chi phí thuốc chữa bệnh, chủ yếu là tiêm phòng và tẩy giun sán định kỳ cho đàn lợn. Vì vậy, thịt lợn đen địa phương ăn rất thơm, ngon và được thực khách đánh giá cao. 

UBND huyện Hàm Yên đã xây dựng thành công nhãn hiệu tập thể “Vịt bầu Minh Hương”, dự kiến năm 2019 giá trị thu từ vịt bầu Minh Hương đạt 6,6 tỷ đồng; phối hợp với Chi cục Thủy sản tỉnh để hoàn thiện hồ sơ đề nghị Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng công nhận nhãn hiệu hàng hóa sản phẩm đặc sản “Cá chiên Thái Hòa”; khuyến khích người dân, doanh nghiệp tham gia liên kết sản xuất - tiêu thụ - chế biến sản phẩm nông nghiệp nói chung và đẩy mạnh phát triển sản xuất lợn đen địa phương nói riêng. Trên địa bàn huyện đã hình thành các tổ hợp tác chăn nuôi lợn đen huyện Hàm Yên, Tổ hợp tác nuôi lợn đen thôn 2 Minh Quang, thôn Kim Dao, xã Minh Hương, các sản phẩm lợn của tổ hợp tác được nhiều nhà hàng trên địa bàn trong và ngoài tỉnh đặt mua…  

Báo Tuyên Quang

Tin cùng chuyên mục