,

Thương hiệu nông sản

Bài 3: Không phát triển “nóng” cây cam sành

Hơn chục năm trở lại đây, sự phát triển mạnh mẽ của cây cam sành đã mang lại cho người dân Hàm Yên cuộc sống no ấm. Nhiều tỷ phú cam sành xuất hiện, nhiều “ngôi làng biệt thự” được xây dựng từ cam khiến không ít nơi, thậm chí cả những xã không nằm trong vùng quy hoạch người dân đổ xô trồng cam. Việc phá vỡ quy hoạch dẫn đến nhiều hệ lụy, nhất là khi cung lớn hơn cầu thì chính người nông dân phải gánh chịu hậu quả nặng nề...

Bài 1: Cây cam bén đất Hàm Yên

Bài 2: Chuyện về vùng cam VietGAP

Hình thành vùng chuyên canh

Năm 2014, UBND tỉnh đã thông qua đề án Phát triển vùng sản xuất cam sành tỉnh Tuyên Quang, giai đoạn 2014 - 2020. Trong đó, quy hoạch tập trung tại 13 xã, thị trấn trên địa bàn huyện Hàm Yên, gồm: Yên Thuận, Bạch Xa, Minh Khương, Minh Dân, Phù Lưu, Tân Thành, Minh Hương, Yên Lâm, Yên Phú, Nhân Mục, Bằng Cốc, Thái Sơn và thị trấn Tân Yên.


Mô hình sản xuất cam sử dụng chế phẩm Nano kim loại phòng, trừ bệnh trên cây cam của gia đình anh Trịnh Ngọc Hải, tổ dân phố Đồng Bàng, thị trấn Tân Yên (Hàm Yên).  Ảnh: Quốc Việt

Huyện đã tích cực triển khai xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu sản phẩm Cam sành Hàm Yên. Đồng thời, tập trung tuyên truyền, vận động người dân trồng cam áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật từ khâu lựa chọn giống, phương thức trồng, chăm sóc và thu hoạch sản phẩm. Đến nay, cây cam sành trên địa bàn huyện tăng cả về diện tích, năng suất và chất lượng sản phẩm. Nếu như năm 2014, diện tích cam của huyện Hàm Yên có gần 4.500 ha, sản lượng đạt 31.000 tấn thì đến năm 2018, diện tích đã phát triển lên tới 7.000 ha, sản lượng ước đạt trên 100.000 tấn, giá trị sản xuất từ cây cam mang lại đạt trên 1.000 tỷ đồng/vụ. Toàn huyện có trên 3.000 hộ trồng cam sành, đa phần đều có cuộc sống khá và giàu.

Huyện Hàm Yên hiện có 193 trang trại trong đó có 172 trang trại trồng cam, doanh thu bình quân đạt 700 - 800 triệu đồng/trang trại/năm. Nhiều chủ trang trại đã mạnh dạn vay vốn, đầu tư khoa học kỹ thuật, không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm. Ông Tướng Văn Tè, thôn Ngõa, xã Yên Lâm cho biết, trang trại của ông đã phát triển trên 7.000 cây cam, trong quá trình trồng và chăm sóc cam ông luôn thực hiện đúng các quy trình kỹ thuật nên vườn cam năm nào cũng đạt về năng suất, sản lượng. Vụ cam năm nay, gia đình ông ước thu được gần 200 tấn quả, trị giá gần 2 tỷ đồng. 

Giải pháp quản lý quy hoạch

Giá trị từ cây cam mang lại nên thời gian qua nhiều hộ dân trên địa bàn huyện đã trồng cam bằng mọi giá, dẫn đến phát triển “nóng”, phá vỡ quy hoạch sẽ gây ra những hệ lụy xấu.


Cán bộ Trung tâm cây ăn quả huyện Hàm Yên chăm sóc cây giống. Ảnh: Thùy Linh

Thực tế đã cho thấy, việc người dân tự ý mở rộng diện tích trồng cam, vượt rào quy hoạch tiềm ẩn nhiều rủi ro. Khi quy hoạch bị phá vỡ, diện tích nhân rộng một cách ồ ạt sẽ dẫn đến hậu quả trước mắt là sản lượng tăng đột biến, sản phẩm có nguy cơ rơi vào tình trạng ứ đọng, bị ép giá, không tiêu thụ được, chưa kể đến nhiều hộ trồng tự phát còn thiếu kinh nghiệm trong chăm sóc và thu hoạch cam dẫn đến chất lượng quả kém, dễ sâu bệnh. Anh Hoàng Văn Xuân, thôn 1 Thuốc Thượng, xã Tân Thành vẫn còn nhớ niên vụ 2017, giá cam xuống thấp, khoảng 7.000 đồng/kg quả, thậm chí thời điểm đầu vụ chỉ khoảng 6.000 đồng/kg quả, nhiều hộ dân giữ lại đến cuối vụ để đợi giá cao, nhưng những diện tích “để dành” đó phải hứng chịu một trận mưa axit nên rụng đến hơn nửa, thiệt hại rất lớn. 

Theo Đề án Phát triển vùng sản xuất cam sành tỉnh Tuyên Quang, mục tiêu đến năm 2020, huyện Hàm Yên phát triển 5.255 ha cam sành, nhưng tính đến thời điểm hiện tại đã lên đến hơn 7.000 ha. Huyện có 5 xã không nằm trong quy hoạch trồng cam là Bình Xa, Hùng Đức, Đức Ninh, Thành Long, Thái Hòa. Tuy nhiên, hiện cả 5 xã này đã có đến 128,5 ha cam. 

Trước thực trạng này, cấp ủy, chính quyền huyện Hàm Yên đã và đang thực hiện nhiều giải pháp nhằm ổn định quy hoạch vùng, nâng cao giá trị thương hiệu sản phẩm. Ông Vũ Đình Hưng, Chủ tịch UBND huyện nhấn mạnh, huyện chủ trương giữ nguyên diện tích cam hiện có, thực hiện rà soát toàn bộ diện tích cam, thay thế những giống mới chất lượng hơn theo hướng đa dạng hóa cơ cấu giống thực hiện rải vụ để mùa cam kéo dài. Đồng thời, tuyên truyền, vận động người trồng cam tập trung đầu tư thâm canh, đưa ứng dụng khoa học vào trồng và chăm sóc cam. Huyện đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến đầu tư, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm bền vững nhằm ổn định đầu ra cho người nông dân.

Thực hiện dự án hỗ trợ liên kết theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2018 - 2020, huyện Hàm Yên có 5 dự án liên kết, trong đó, có 1 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất sản phẩm cam sành Hàm Yên theo tiêu chuẩn VietGAP liên kết theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm. Dự án được thực hiện trong năm 2018 - 2019, với quy mô liên xã (12 xã vùng cam) do UBND huyện là chủ đầu tư.

Nhằm xác định vị trí, diện tích đất phù hợp trồng cây cam sành, Sở Tài nguyên và Môi trường cũng đã trình UBND tỉnh phê duyệt Quy hoạch sử dụng đất vùng trồng cam huyện Hàm Yên và huyện Chiêm Hóa đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Theo đó, đề xuất các giải pháp nhằm phát triển vùng trồng cam bền vững, tạo ra sản phẩm có chất lượng cao, có uy tín trên thị trường trong và ngoài nước, mang lại hiệu quả kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường cho địa phương.

Bảo đảm ổn định quy hoạch và nâng cao giá trị cam sành là giải pháp quan trọng để đưa các sản phẩm từ cam vươn ra biển lớn, tăng thu nhập cho người dân, để Hàm Yên thực hiện thành công mục tiêu xây dựng huyện nông thôn mới trong thời gian tới. 

Báo Tuyên Quang

 
 

Tin cùng chuyên mục