,

Phổ biến GDPL

Cấp quyền khai thác tài nguyên nước: Không để thất thu

Nghị định số 41/2021/NĐ-CP của Chính phủ được ban hành ngày 30-3-2021, sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 82/2017/NĐ-CP quy định về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước trên phạm vi toàn quốc, có hiệu lực thi hành từ ngày 15-5 tới. Đây được coi là giải pháp nhằm hạn chế thất thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước hiện nay.

Nghị định mới quy định rõ, tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép khai thác, sử dụng nước mặt, nước dưới đất thuộc các trường hợp sau phải nộp tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước: Khai thác nước mặt để phát điện và phục vụ hoạt động kinh doanh, dịch vụ, sản xuất phi nông nghiệp; khai thác nước dưới đất để phục vụ hoạt động kinh doanh, dịch vụ, sản xuất phi nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi gia súc, tưới với quy mô từ 20 m3/ngày đêm trở lên.

Công trình cấp nước sạch sinh hoạt nông thôn tại thôn Làng Toạt, xã Hùng Lợi (Yên Sơn) nằm trong diện phải đóng tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước.

Giá tính tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước cho sản xuất thủy điện là 70% giá điện dùng để tính thuế tài nguyên nước dùng cho sản xuất thủy điện; giá tính tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước mặt đối với các trường hợp khác là giá tính thuế tài nguyên nước do UBND cấp tỉnh nơi có công trình khai thác, sử dụng tài nguyên nước ban hành và phù hợp khung giá tính thuế tài nguyên đối với nước thiên nhiên do Bộ Tài chính quy định. Đối với công trình khai thác nước dưới đất tưới cây công nghiệp, nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi gia súc áp dụng giá tính thuế tài nguyên đối với nước thiên nhiên dùng cho mục đích khác do UBND cấp tỉnh ban hành. Giá tính tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước được áp dụng một lần cho toàn bộ thời hạn của giấy phép.

Báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường, hiện nay toàn tỉnh có 151 đơn vị được cấp giấy phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước và hành nghề khoan nước dưới đất. Trong đó, 69 đơn vị được cấp phép khai thác, sử dụng nước dưới đất; 38 cơ sở được cấp phép khai thác, sử dụng nước mặt, 42 cơ sở cấp phép xả nước thải vào nguồn nước...

Ông Trần Vũ Hưng, Phó trưởng phòng Tài nguyên nước, Sở Tài nguyên và Môi trường cho rằng, chiểu theo Nghị định số 41/2021/NĐ-CP của Chính phủ, tại tỉnh ta vẫn còn một số đơn vị nằm trong đối tượng phải nộp tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước và mức thu cũng có sự thay đổi theo hướng tăng. Sở Tài nguyên và Môi trường đã có văn bản đề nghị UBND các huyện, thành phố rà soát các tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên nước trên địa bàn thuộc trường hợp phải có giấy phép về tài nguyên nước theo quy định để  theo dõi, quản lý.

Sở cũng đã lên kế hoạch tổ chức các đợt thanh tra, kiểm tra kịp thời phát hiện, xử lý đúng quy định của pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định của pháp luật trong lĩnh vực tài nguyên nước như hoạt động hành nghề khoan nước dưới đất không có giấy phép; khai thác, sử dụng nước dưới đất có quy mô từ 10 m3/ngày đêm trở lên; khai thác, sử dụng nước mặt có quy mô từ 100 m3/ngày đêm trở lên và xả nước thải vào nguồn nước có quy mô từ 5 m3/ngày đêm trở lên nhưng không lập hồ sơ cấp giấy phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước và xả nước thải vào nguồn nước theo quy định; không thực hiện quan trắc, giám sát hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước theo quy định...

Nghị định mới cùng biện pháp của ngành Tài nguyên và Môi trường tỉnh, công tác quản lý hoạt động khai thác tài nguyên nước sẽ chặt chẽ hơn, từ đó hạn chế thất thu ngân sách Nhà nước đối với hoạt động này. 

Báo Tuyên Quang

Tin cùng chuyên mục