,

PCLB - GNTT

Khi thiên tai xảy ra thì kêu gọi chống chọi mà quên rằng 'phòng hơn chống'

'Cần có những giải pháp phòng chống thiên tai căn cơ hơn, phải phòng cho 5 năm, 10 năm sau, cho tới thế hệ con cháu của chúng ta', Bộ trưởng Lê Minh Hoan.

Phòng thiên tai cho đến thế hệ mai sau

Ngày 27/4, tại Phú Thọ, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai tổ chức Hội nghị phòng chống thiên tai khu vực miền núi phía Bắc năm 2021.

Theo Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan, hiện nay thế giới định nghĩa về những diễn biến khó lường bằng 4 thuật ngữ: Biến động - Bất định - Phức tạp - Mơ hồ.

"Ta có thể thấy được rõ nhất 4 thuật ngữ này nằm trong virus Covid-19 đang hoành hành từ nước nhỏ đến nước lớn, từ nước nghèo đến nước giàu. Những đất nước phát triển như Mỹ, Nhật Bản, Canada, Úc… cũng chịu chung thảm họa chứ không riêng gì Việt Nam”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan: Xưa nay từ "phòng chống" xuất hiện rất nhiều nhưng khi thiên tai xảy ra chúng ta mới bắt đầu kêu gọi chống chọi và xử lý mà quên mất rằng "phòng còn hơn chống".


Cũng theo Bộ trưởng, các tỉnh phía Bắc có địa hình đồi núi bạt ngàn, những hình ảnh rất thơ mộng nhưng chỉ cần trong chốc lát cũng có thể xảy ra sạt lở, ngập lụt.

Điều đó nói lên một điều mọi vùng miền trên cả nước nếu chúng ta nhìn vào vẻ đẹp của những kì quan sẽ thấy nó hùng vĩ nhưng nếu nhìn vào những rủi ro sẽ thấy nhiều bất trắc, khó lường.

"Theo thông lệ trước mỗi mùa mưa lũ, chúng ta tổ chức Hội nghị để tìm những giải pháp để phòng chống thiên tai. Xưa nay từ "phòng chống" xuất hiện rất nhiều nhưng khi thiên tai xảy ra chúng ta mới bắt đầu kêu gọi chống chọi và xử lý mà quên mất rằng "phòng còn hơn chống".

Theo tôi từ "phòng" ở đây không chỉ phòng cho năm nay hay năm sau mà chúng ta phải có những giải pháp căn cơ hơn, phải phòng cho 5 năm sau, 10 năm sau cho tới thế hệ con cháu của chúng ta. Cần tính toán cho vùng đồi núi phía Bắc, những hình thái, môi trường sống của người dân trong tương lai, những hạ tầng nào chúng ta phải tiếp tục đầu tư, những điểm xung yếu chúng ta phải khắc phục.

Chúng ta cần có chiến lược dài hạn trên nền tảng công nghệ dự báo để có một tầm nhìn dài hạn. Để làm được điều đó không phải là việc đơn giản nhưng nếu chúng ta có một tầm nhìn dài hạn thì khâu đầu tư để xử lý những điểm nóng, những điểm rủi ro, nguy hiểm sẽ được giảm thiểu. Đây là vấn đề an ninh toàn cầu chứ không phải chỉ của riêng quốc gia nào”, người đứng đầu ngành NN-PTNT nhấn mạnh.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng cho rằng, thông điệp không lấy môi trường đánh đổi sự phát triển kinh tế của Đảng và Nhà nước là một vấn đề mà chúng ta cần phải suy nghĩ. Nhiều khi chúng ta để có được lợi ích trước mắt mà đánh đổi những tổn hại mà sau này sẽ không gì có thể bù đắp nổi.

"Chúng ta nên nhớ việc phát triển bền vững gắn liền với 3 trụ cột: tăng trưởng kinh tế, giải quyết những vấn đề xã hội và giữ được môi trường. Tuy nhiên giữa sự ngắn hạn và dài hạn lại có sự chông chênh. Liên Hợp Quốc cũng đã định nghĩa việc phát triển bền vững là thỏa mãn nhu cầu của thế hệ hôm nay nhưng không làm tổn hại nhu cầu của thế hệ mai sau", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Năm 2021 thiên tai khó lường

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, năm 2020, tại khu vực miền núi nước ta, tình trạng mưa lớn kéo dài đã gây ra tình trạng sạt lở đất, lũ quét đặc biệt nghiêm trọng trên diện rộng ở nhiều nơi, gây thiệt hại lớn về người và tài sản.

Năm 2020 tại khu vực miền núi phía Bắc đã xảy ra 109 trận dông, lốc sét kèm theo mưa đá trong đó có 8 đợt trên diện rộng; 56 trận mưa lớn, lũ, lũ quét, sạt lở đất; 2 đợt rét đậm, rét hại, 74 trận động đất và dư trấn.

Năm 2020 tại khu vực miền núi phía Bắc đã xảy ra 109 trận dông, lốc sét kèm theo mưa đá trong đó có 8 đợt trên diện rộng; 56 trận mưa lớn, lũ, lũ quét, sạt lở đất; 2 đợt rét đậm, rét hại, 74 trận động đất và dư trấn.

Trong những tháng đầu năm 2021, khu vực miền núi phía Bắc đã xảy ra một số đợt rét đậm, rét hại, giông lốc, sét, mưa đá, đặc biệt là mặc dù chưa bước vào mùa mưa, song một số địa phương đã xảy ra hiện tượng lũ ống, lũ quét gây thiệt hại về người và tài sản. Đây là điều hiếm gặp, báo hiệu một năm thiên tai diễn biến khó lường trong khu vực.

Thời gian qua, công tác phòng chống thiên tai đã nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Đảng, Nhà nước, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, cùng với đó là sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị. Nhờ đó, hậu quả do thiên tai gây ra tại các địa phương nhanh chóng được khắc phục, đời sống nhân dân tại các vùng thiên tai cơ bản ổn định.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phòng chống thiên tai còn tồn tại những hạn chế như: Nhận thức, kỹ năng phòng chống thiên tai của cộng đồng ở một số nơi, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa chưa đồng đều; việc tiếp nhận thông tin dự báo, cảnh báo về thiên tai của người dân khu vực này còn chưa thường xuyên, kịp thời.

Công tác tập huấn đối với lực lượng làm công tác phòng chống thiên tai và việc phổ biến kiến thức cho người dân ở khu vực chưa đi vào chiều sâu, hiệu quả. Hệ thống cơ sở hạ tầng nói chung và hạ tầng phòng chống thiên tai thiếu đồng bộ, khả năng chống chịu hạn chế, một số công trình hư hỏng, xuống cấp do thiên tai; điện lưới thông tin liên lạc gián đoạn…

Báo Nông nghiệp Việt Nam

Tin cùng chuyên mục