,

Cải cách hành chính

Tiếp tục cải thiện Chỉ số PCI

Cải thiện, nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) được đánh giá là một trong những giải pháp quan trọng của tỉnh nhằm góp phần đảm bảo tăng trưởng bền vững cho nền kinh tế. Giải pháp này thực sự cần thiết trong giai đoạn hiện nay, khi nền kinh tế cần phải tăng cường hấp thụ các nguồn lực đầu tư để thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, dần kéo lại đà tăng trưởng đang bị sụt giảm đáng kể do tác động xấu từ đại dịch Covid-19.

Chỉ số PCI tiếp tục được cải thiện

Năm 2020 là năm thứ 7 liên tiếp Tuyên Quang vươn lên vị trí cao hơn trong bảng xếp hạng PCI với vị trí 31/63 tỉnh thành phố và đạt 63,46 điểm. Theo phân tích của các chuyên gia Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và các cơ quan liên quan khi thực hiện khảo sát PCI năm 2020, mặc dù Tuyên Quang tăng thứ hạng 1 bậc trong bảng xếp hạng PCI nhưng lại giảm 1,67 điểm so với năm 2019. Đáng chú ý, trong 10 chỉ số thành phần PCI của tỉnh có tới 6 chỉ số giảm điểm so với năm 2019. Tuy nhiên đây là mức giảm chung bởi trong năm 2020 cả nước phải chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, trong đó giảm điểm rõ nhất là chỉ số gia nhập thị trường 6,24 điểm, giảm 1,76 điểm. Cũng theo đánh giá của VCCI, năm 2020 Tuyên Quang có điểm chỉ số thành phần Chi phí thời gian tăng khá mạnh so với năm 2019 với điểm số 7,29 (tăng 0,72 điểm), điều này phản ánh những nỗ lực trong công tác cải cách thủ tục hành chính của tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực.

Cán bộ Sở Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện các thủ tục hành chính.

Có thể nói, trong những năm qua, cộng đồng doanh nghiệp tỉnh rất ghi nhận những cách làm của tỉnh trong việc cải thiện môi trường đầu tư cho doanh nghiệp. Nhiều ý kiến của doanh nghiệp khẳng định, môi trường kinh doanh của tỉnh cải thiện tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp mở rộng đầu tư sang nhiều lĩnh vực, góp phần cải thiện mạnh mẽ Chỉ số PCI và tăng dần vị trí xếp hạng qua các năm.

Thông qua Chương trình Cà phê doanh nhân, là kênh thông tin đối thoại cởi mở giữa chính quyền tỉnh và cộng đồng doanh nghiệp, để kịp thời nắm bắt, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Từ đó xây dựng các cơ chế, chính sách theo thẩm quyền nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh, giúp doanh nghiệp có điều kiện kinh doanh, đầu tư thuận lợi nhất. Đáng lưu ý, hoạt động đối thoại doanh nghiệp đã được triển khai tới cấp huyện, ngành. Đối thoại doanh nghiệp tại cấp huyện đã được lãnh đạo huyện coi là hoạt động quan trọng nhằm tháo gỡ khó khăn trực tiếp cho các doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn. Tính từ năm 2014 đến nay đã có trên 3.000 ý kiến của doanh nghiệp được phản ánh thông qua Chương trình Cà phê doanh nhân và đối thoại doanh nghiệp, trong đó 132/138 ý kiến đề nghị tháo gỡ khó khăn đã được giải quyết.

Cùng với đó, tỉnh đã đẩy mạnh công tác CCHC, thực hiện cơ chế một cửa, tăng cường trợ giúp doanh nghiệp, giảm thời gian cấp chứng nhận đầu tư và đăng ký kinh doanh, giúp đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án. Với đà phát triển và tăng trưởng của doanh nghiệp và kết quả cải cách hành chính trong những năm gần đây ở tỉnh Tuyên Quang bước đầu đã tạo sự thông thoáng môi trường đầu tư cho các doanh nghiệp. Năm 2020, Tuyên Quang thuộc nhóm các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) cao nhất, với 44,396 điểm xếp thứ 12/63 tỉnh, thành phố. Qua đó, số lượng dự án, vốn đăng ký đầu tư đã tăng mạnh so với những năm trước, đặc biệt là từ các tập đoàn, tổng công ty lớn trong nước.

Nhà đầu tư đến Tuyên Quang được hướng dẫn trình tự, thủ tục đầu tư đúng theo quy định của Luật Đầu tư và các văn bản dưới Luật. Công tác tiếp nhận hồ sơ và xử lý hồ sơ kịp thời, không có tình trạng gây khó khăn cho nhà đầu tư trong quá trình cấp Giấy chứng nhận đầu tư. Các dự án được cấp Chứng nhận đầu tư thực hiện theo đúng quy định tại Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp trên cơ sở phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội địa phương, quy hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt, quy hoạch ngành và chiến lược phát triển vùng nhằm đảm bảo sử dụng hợp lý và có hiệu quả các nguồn lực cũng như phát huy lợi thế để phát triển bền vững. Trong quá trình triển khai thực hiện dự án, nhà đầu tư gặp phải khó khăn, vướng mắc về thủ tục hành chính đều được tỉnh chỉ đạo các cơ quan chuyên môn có liên quan khẩn trương phối hợp giải quyết. Các dự án đầu tư được triển khai, đi vào hoạt động đã mang lại những kết quả tích cực, tạo niềm tin và hiệu ứng tốt đối với các cá nhân, tổ chức có ý định tìm hiểu đầu tư vào tỉnh Tuyên Quang.

Giải quyết TTHC cho người dân và doanh nghiệp tại Bộ phận Một cửa huyện Yên Sơn.

 

Còn nhiều dư địa để cải thiện

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Tuyên Quang còn nhiều dư địa để tiếp tục cải thiện Chỉ số PCI, trong đó cần có thêm các giải pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế. Trong đó nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của việc hoàn thiện môi trường đầu tư kinh doanh ở một số nơi, nhất là người đứng đầu chưa thật sâu sắc. Việc thực hiện Chương trình hành động cải thiện Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh tại một vài đơn vị chưa quyết liệt, cụ thể do đó chưa đạt được những hiệu quả tối đa và chưa trở thành một chiến lược cải thiện môi trường đầu tư thu hút nguồn vốn đầu tư xã hội... Mặt khác, môi trường đầu tư kinh doanh chưa đủ sức hấp dẫn, chưa đủ sức cạnh tranh so với một số địa phương trong khu vực. Hạ tầng giao thông, bưu chính, viễn thông và công nghệ thông tin của tỉnh so với mặt bằng chung của cả nước vẫn còn hạn chế, đầu tư hạ tầng mạng cho những khu du lịch trọng điểm, cho khu công nghiệp, các vùng xa chưa đáp ứng được nhu cầu của nhà đầu tư...

Theo ông Nguyễn Hữu Thập, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp tỉnh, để tiếp tục nâng cao Chỉ số PCI, điều quan trọng nhất hiện nay vẫn phải tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, cán bộ, công chức trong việc triển khai các nhiệm vụ nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; tiếp tục rà soát, sửa đổi, đơn giản hóa TTHC nhằm tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cần phải tăng cường hơn nữa việc đối thoại nhằm kịp thời tháo gỡ những vướng mắc cho doanh nghiệp. Một giải pháp không kém phần quan trọng khác đó là tiếp tục thực hiện Đề án Xây dựng bộ Chỉ số DCI và Kế hoạch khảo sát đánh giá, cảm nhận của doanh nghiệp với môi trường đầu tư kinh doanh cho phù hợp đảm bảo khách quan, minh bạch, chính xác.

Báo Tuyên Quang

Tin cùng chuyên mục