,

Tin tức

Sửa đổi Luật Đất đai cần đảm bảo sự thống nhất với các luật chuyên ngành trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn

Ngày 28/2, Hội thảo góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trong lĩnh vực nông-lâm-ngư-nghiệp đã được diễn ra tại Đại học Lâm nghiệp, đây là sự kiện trong chuỗi hoạt động tổ chức thực hiện việc lấy ý kiến góp ý vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 150/NQ-CP ngày 14/11/2022 và Nghị quyết số 170/NQ-CP ngày 31/12/2022.

Quang cảnh Hội nghị góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

Tham dự hội thảo có TS. Hà Công Tuấn, Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (VIESARD), Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ NN-PTNT) Nguyễn Văn Nam, GS.TS Phạm Văn Điển - Hiệu trưởng trường Đại học Lâm Nghiệp; đại diện Vụ Pháp chế, Tổng cục Lâm nghiệp, Ban quản lý các dự án Lâm nghiệp và một số tổ chức phi chính phủ có liên quan.

Tại Hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý đã tập trung kiến nghị các vấn đề trong quy định, chế định pháp lý có liên quan đến đất sản xuất nông nghiệp, đất lâm nghiệp, đất nuôi trồng thuỷ sản, đất chăn nuôi, đất xây dựng các công trình thuỷ lợi, phòng chống thiên tai, đất làm muối được quy định tại dự thảo Luật, nhằm thể chế hóa các chủ trương của Đảng, bảo đảm tính khoa học, khách quan, khả thi góp phần thực hiện thắng lợi Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn giai đoạn đến 2030.

Bà Nguyễn Thị Mai Hiên, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ NN-PTNT)

Phát biểu tại hội thảo, TS. Hà Công Tuấn, Chủ tịch VIESARD nêu rõ: Trên cơ sở  nghiên cứu thực tiễn thực hiện Luật Đất đai hiện hành và Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) được Chính phủ tổ chức lấy ý kiến Nhân dân, VIESARD thấy rằng Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã thể chế các định hướng, chủ trương của Đảng, mà trực tiếp là tại Văn kiện Đại hội Đảng khóa XIII, các Nghị quyết, kết luận của Trung ương Đảng, đặc biệt là Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 và giải quyết các vấn đề đặt ra từ thực tiễn, phù hợp với xu thế phát triển đất nước.

Tuy nhiên, dự thảo luật có phạm vi điều chỉnh rộng, có tác động đến mọi mặt của đời sống xã hội cũng như các nhóm chủ thể có quyền và nghĩa vụ khác nhau, do vậy, việc sửa đổi luật đất đai là vấn đề phức tạp.

Trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ tác động tới 7 luật chuyên ngành gồm các luật: Lâm nghiệp; Trồng trọt; Đê điều; Phòng chống thiên tai; Chăn nuôi; Thủy sản; Thủy lợi. Theo bà Nguyễn Thị Mai Hiên, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế thì “Để đảm bảo cơ sở thực hiện, giải quyết được các vướng mắc, chồng chéo hiện nay của Luật Đất đai với các Luật chuyên ngành, việc sửa Luật cần phải tiệm cận, thống nhất với các Luật chuyên ngành khác khi áp dụng nguyên tắc pháp luật tại Điều 4 của Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)”.

Nhận thức rõ vấn đề này, thời gian qua, Vụ Pháp chế đã tham mưu với Bộ để ban hành kế hoạch và tổ chức thực hiện lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo luật, đặc biệt là các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, các tổ chức xã hội nghề nghiệp liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp bằng nhiều hình thức.

GS.TS Phạm Văn Điển – Hiệu trưởng Trường Đại học Lâm nghiệp

Phát biểu tại hội thảo GS.TS Phạm Văn Điển - Hiệu trưởng trường Đại học Lâm Nghiệp, Hội thảo là cơ hội để các nhà khoa học của trường tham góp những ý kiến giá trị đồng thời cũng giúp họ cập nhật thêm những vấn đề mới để giảng dạy cho sinh viên. Việc trường Đại học góp phần xây dựng chính sách là điều nên làm, là trách nhiệm của trường nhất là khi Đại học Lâm nghiệp có tiềm năng có sứ mệnh để tham gia vào việc đóng góp hoàn thiện luật quản lý đất đai khi có các chuyên gia, các nhà khoa học, viện nghiên cứu về vấn đề xây dựng chính sách pháp luật cũng như thực tiễn triển khai các công việc liên quan đến Luật.

Đưa ra quan điểm của mình, ThS. Nguyễn Văn Tiến, Phó Chủ tịch hội Khoa học kinh tế nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam cho rằng chính sách, pháp luật về đất đai vẫn còn những hạn chế, bất cập. Đặc biệt hiện nay chất lượng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chưa cao, chưa đảm bảo tính đồng bộ, tổng thể, hệ thống, thiếu tầm nhìn dài hạn, việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư có nơi chưa đảm bảo hài hòa lợi ích của người dân. Ông Tiến cho rằng thị trường quyền sử dụng đất hiện nay chưa phát triển chưa ổn định, tài chính đất đai và giá đất còn nhiều bất cập, gây khó khăn trong triển khai thực tiễn.

Dự án Luật Đất đai sửa đổi sẽ được Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 6, tháng 10/2023, những ý kiến đóng góp tại hội thảo sẽ được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp, nghiên cứu và tiếp tục đề xuất sửa đổi gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường và Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.

Trong giai đoạn tới, nền nông nghiệp tiếp tục hướng đến việc hiện đại hóa với mức độ thương mại hóa cao, nâng cao  năng lực cạnh tranh quốc tế, vì vậy, khi sửa đổi các chính sách về đất đai, cần đảm bảo khắc phục những vướng mắc, bất cập về thể chế của việc sử dụng đất nông nghiệp và sự thống nhất với các luật chuyên ngành trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Cổng thông tin điện tử Bộ Nông nghiệp và PTNT

Tin cùng chuyên mục