,

Thị trường nông sản

Người trẻ nâng tầm giá trị nông sản địa phương

Trước đây, hầu hết những người trẻ ở nông thôn, miền núi luôn có khát vọng thoát ly khỏi bản làng lên thành phố lập nghiệp. Thế nhưng ngày nay, nhiều bạn trẻ ở xứ Tuyên gắn bó với mảnh đất quê nhà, tìm những lối đi riêng góp phần nâng tầm giá trị nông sản, làm giàu cho quê hương.

“Chìa khóa” nâng tầm nông sản

Tuyên Quang là địa phương có nhiều nông sản phong phú như: đỗ, chuối, mít, ngô, khoai... Những năm qua, người tiêu dùng trong tỉnh không còn xa lạ với các thương hiệu như: Trà túi lọc đậu đen xanh lòng của Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp hữu cơ Hồng Phát, xã Kim Bình (Chiêm Hóa); hay chuối sấy An Quang của HTX An Quang, thị trấn Sơn Dương (Sơn Dương); mít sấy khô Minh Phát của HTX Sản xuất Thương mại Minh Phát, xã Phù Lưu (Hàm Yên)… Đây đều là những Hợp tác xã do các giám đốc 8x và 9x khởi nghiệp và thực hiện thành công.

Câu chuyện bỏ phố về quê của chàng trai 9x Hồ Văn Tam, thị trấn Sơn Dương khiến nhiều người ngạc nhiên. Anh từng có công việc ổn định là thiết kế xây dựng cho các công trình tại TP Hồ Chí Minh, thế nhưng anh lại quyết định về quê lập nghiệp với nông sản.  Anh bảo, nhiều lần về quê thấy nguồn nguyên liệu chuối ở địa phương khá nhiều nhưng chuối chủ yếu bán quả tươi và làm rượu bán, giá cả bấp bênh, thương lái ép giá.

Sau nhiều lần đi tham khảo nhiều cơ sở sản xuất ở tỉnh bạn, năm 2020, anh thành lập Hợp tác xã An Quang, đầu tư trên 1,3 tỷ đồng để xây dựng máy móc và xưởng chế biến chuối sấy khô. Sau một hành trình dài, xưởng sản xuất đã đi vào hoạt động, mở rộng thêm cả chế biến mít, khoai sấy, ngô cay… Sản phẩm không chỉ đáp ứng nhu cầu thị trường trong tỉnh mà còn được một số công ty trong thành phố Hồ Chí Minh kết nối bao tiêu sản phẩm.

Hot tiktoker Nông Cẩm Quỳnh giới thiệu nông sản trên nền tảng mạng xã hội tiktok.

Còn với cử nhân trường Đại học Công Nghiệp Hà Nội, Vũ Văn Sơn, Giám đốc HTX Minh Phát, xã Phù Lưu (Hàm Yên) rời Hà Nội về quê để khởi nghiệp với núi đồi, ruộng đồng. Anh thành lập HTX Minh Phát và đầu tư xưởng sản xuất để liên kết tiêu thụ, chế biến nông sản trực tiếp tại địa phương, chủ yếu là mít thái sấy, chuối sấy, tinh dầu cam...

Anh chia sẻ, đây là các nông sản có giá trị dinh dưỡng cao, nhiều vitamin thế nhưng thời gian bảo quản không được nhiều, giá cả bấp bênh, thương lái thường xuyên ép giá. Anh đã vận động thành lập HTX để sản xuất chế biến nông sản. Bằng nhiệt huyết dám nghĩ dám làm, sự kiên trì, sau hơn 2 năm thành lập, HTX đã có bước phát triển vượt bậc, mỗi năm thu mua hàng tấn nông sản cho địa phương. Riêng trong năm 2022 vừa qua doanh thu của HTX đạt trên 2 tỷ đồng.

Hiện nay trên địa bàn tỉnh có trên 20 HTX chế biến nông sản. Trong đó đa số là những người trẻ đã năng động, dẫn lối “làm mới” nông sản. Chị Phạm Thị Hồng, Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Hồng Phát, xã Kim Bình (Chiêm Hóa) là người khá thành công khi có 62 đại lý tại 48 tỉnh, thành cả nước bao tiêu sản phẩm Trà túi lọc đậu đen xanh lòng. Chị chia sẻ, không bao giờ là dễ dàng khi muốn đưa bất cứ sản phẩm mới nào ra thị trường. Tuy nhiên, nếu mình quyết tâm theo đuổi vì biết sản phẩm đó tốt cho sức khỏe mọi người, dần dần khách sẽ quen và tiếp nhận, thành công sẽ đến”.

Quảng bá nông sản trên mạng xã hội

Câu chuyện quảng bá, marketing trên mạng xã hội trong những năm qua đã trở nên quá quen thuộc. Đó là Tiktoker Nông Cẩm Quỳnh, Tiktoker Lâm Tiến Lộc, Facebooker Tạ Đức Bằng… Những người trẻ sản xuất video hấp dẫn, chân thật review những sản phẩm nông sản tạo sự lan tỏa trong cộng đồng.

Nông Cẩm Quỳnh là cái tên xuất hiện ở nhiều trang báo chí điện tử, đài truyền hình Việt Nam hay các giao lưu trong nước với chủ đề “Khi người trẻ khởi nghiệp cùng nông nghiệp 4.0”. Quỳnh là một Tiktoker xứ Tuyên thành công trong hành trình quảng bá đưa nông sản, dược liệu xuống núi. Sau 2 năm toàn tâm toàn lực cho công việc, tài khoản của Quỳnh, mỗi tuần đều nhận được hàng nghìn lượt theo dõi, các clip Tik Tok của Quỳnh nhận được gần 30 triệu view.

Các mặt hàng nông sản như măng rừng, chè, thịt trâu, thịt lợn sấy, lạp sườn, sâm đất… đều được Quỳnh giới thiệu một cách sáng tạo và dí dỏm. Bên cạnh sản xuất video quảng bá, Quỳnh khá “mát tay” trong việc tiêu thụ nông sản cho bà con. Quỳnh chia sẻ, có thời điểm, chỉ vài ngày hot tiktoker bán được 1.000 đơn hàng với măng khô, sâm đất, sắn dây, trà xanh, thịt trâu, lợn gác bếp, hạt mắc khén, hạt dổi, mật ong rừng, mật ong nhãn… Bên cạnh đó, hiện nay Quỳnh còn tích cực hỗ trợ giống cho người dân các xã ở huyện Na Hang trồng sâm đất, bí mèo, sắn dây.

Anh Vũ Văn Sơn, Giám đốc HTX Minh Phát, xã Phù Lưu (Hàm Yên) kiểm tra nguyên liệu cam trước khi đưa vào chế biến.

“Cư dân mạng” trong cả nước biết đến Tạ Đức Bằng với nhiều video ấn tượng về bà nội của mình với danh xưng là Cô gái Việt Nam. Bên cạnh đó, chàng trai đến từ thị trấn Tân Yên (Hàm Yên) còn là chủ nhân nhiều video hài hước, hấp dẫn quảng bá cam sành Hàm Yên. Trên mạng xã hội Facebook với tài khoản Tạ Đức Bằng, anh thực hiện nhiều video giới thiệu các mặt hàng nông sản như: cam sành Hàm Yên, măng khô, miến dong, mộc nhĩ, mật ong, bột sắn dây…

Hiện nay anh thành lập thương hiệu mật ong A Lúi. Qua cách giới thiệu trẻ trung, hấp dẫn, sản phẩm chất lượng đã tới tay người tiêu dùng trong nước. Anh chia sẻ, để xây dựng 1 video tạo sự lôi cuốn cần phải đầu tư và biết kết hợp từ xây dựng nội dung, diễn xuất và dựng clip sáng tạo, hiện đại. Quảng bá nông sản khá khó khi lên ý tưởng thế nhưng khi hiểu và yêu thích thì không điều gì là không làm được.

Với trên 200 nghìn lượt người theo dõi, tài khoản Tiktoker Lâm Tiến Lộc có nhiều video với số lượt view bởi tính chân thật mộc mạc khi anh quay cảnh, chuyện trò giới thiệu các sản phẩm nông sản, trong đó chủ yếu là thịt lợn rừng xứ Tuyên. Hiện nay, chàng trai sinh năm 1996 ở xã Thành Long (Hàm Yên) sở hữu mô hình nuôi lợn rừng khá uy tín. Sau gần 3 năm triển khai, mô hình nuôi lợn rừng của Lâm Tiến Lộc đã phát triển, duy trì từ 50 - 80 con. “Với 5 con lợn mẹ mỗi năm sẽ sinh sản 2 lứa, mỗi lứa từ 8 - 10 con, tôi lựa chọn những con giống tốt bán cho người dân địa phương và các vùng lân cận. Còn những con lợn chưa đủ tiêu chuẩn giống, tôi đầu tư vào nuôi và xuất bán lợn thịt” - Lâm Tiến Lộc cho biết.

Hiện nay, mô hình nuôi lợn rừng đã đem lại thu nhập ổn định cho gia đình anh Lộc. Bình quân mỗi năm thu về trên 300 triệu đồng, trừ chi phí, gia đình anh thu lãi trên 150 triệu đồng. Bên cạnh phát triển kinh tế của gia đình, anh Lộc còn tạo công ăn việc làm cho một số người dân trên địa bàn thông qua các công việc như thu mua nông sản, quảng bá tiêu thụ trên mạng xã hội.

Với tư duy nhạy bén, năng động, sáng tạo những người trẻ xứ Tuyên đã có những lối đi riêng từng bước nâng tầm giá trị nông sản địa phương. Đây là con đường dài nhiều khó khăn, thử thách thế nhưng với nhiệt huyết riêng những người trẻ tạo được thành công riêng.

Báo Tuyên Quang

Tin cùng chuyên mục