,

Thị trường nông sản

Một số sản phẩm OCOP tiêu biểu của tỉnh Tuyên Quang

Sau hơn 03 năm thực hiện Chương trình OCOP, đến nay tỉnh Tuyên Quang có 128 sản phẩm OCOP trên địa bàn 64 xã, phường, thị trấn của 85 chủ thể (gồm: 65 hợp tác xã, 08 doanh nghiệp, 05 tổ hợp tác và 07 hộ kinh doanh), trong đó có: 95 sản phẩm đạt hạng 3 sao và 33 sản phẩm đạt hạng 4 sao. Trong đó:

- Ngành thực phẩm: Có 113 sản phẩm (82 sản phẩm 3 sao; 31 sản phẩm 4 sao).

- Ngành đồ uống: Có 08 sản phẩm 3 sao.

- Ngành thảo dược: Có 03 sản phẩm (02 sản phẩm 3 sao; 01 sản phẩm 4 sao).

- Ngành thủ công Mỹ nghệ trang trí: 01 sản phẩm 3 sao.

- Dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch: 03 sản phẩm (02 sản phẩm 3 sao; 01 sản phẩm 4 sao).

Một số sản phẩm tiêu biểu như:

1. Sản phẩm Dưa lưới DUC DUONG FARM

Chủ thể là Công ty TNHH MTV Sơn Dương Green Farm, xã Kháng Nhật, huyện Sơn Dương.

Tháng 7/1018, người thanh viên Nguyễn Việt Lâm, sinh năm 1992, tại xã Kháng Nhật, huyện Sơn Dương, đã thành lập Công ty TNHH MTV Sơn Dương Green Farm, với mong ước làm sao có thể phát triển nông nghiệp, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình. Phát huy lợi thế sẵn có, với nguồn nước ngầm tinh khiết, gần với dãy núi quốc gia Tam Đảo, khí hậu ôn hoà, mát mẻ, anh Lâm đã tìm tòi, sáng tạo, mang khoa học công nghệ khắc phục bất lợi của tự nhiên. Sau 4 năm tìm hiểu thử nghiệm mô hình canh tác dưa lưới và dưa chuột bao tử trong nhà màng áp dụng tưới nhỏ giọt của Isarel trên giá thể sơ dừa của Công ty TNHH MTV Sơn Dương Green Farm đã thành công và mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Việc canh tác trong nhà màng hạn chế tối đa ảnh hưởng của điều kiện ngoại cảnh đến cây trồng, xung quanh nhà màng là lưới mắt nhỏ hạn chế sự tấn công của các loại sâu bệnh hại đến cây trồng. Hệ thống tưới nhỏ giọt cung cấp phân bón dạng nước chính xác đến từng cây trồng theo chế độ tưới đã được lập trình trước phù hợp với loại cây, tuổi cây, tiết kiệm nước 80% so với canh tác truyền thống. Giá thể sơ dừa dễ dàng tái xử lý dinh dưỡng thừa và nguồn bệnh sau mỗi vụ, loại bỏ các loại bệnh hại so với canh tác trên đất. Với những điều kiện tối ưu trên cây trồng có điều kiện phát triển để cho ra chất lượng sản phẩm cao nhất, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, kiểm soát dư lượng phân bón, thâm canh quanh năm tạo ra nguồn hàng ổn định, giá trị cao.

Anh Lâm đã tích cực xây dựng thương hiệu cho sản phẩm của công ty; đã được Cục sở hữu trí tuệ-(Bộ Khoa học và Công nghệ cấp bảo hộ nhãn hiệu và UBND tỉnh công nhận xếp hạng sản phẩm OCOP 4 sao. Sản phẩm Dưa lưới DUC DUONG FARM được sản xuất theo quy trình ứng dụng công nghệ cao, có độ ngọt cao (độ Brix 14-16), mùi thơm đặc trưng, sản phẩm đã có mặt tại các siêu thị lớn ở Hà Nội, Hưng Yên, Hải Phòng, Vĩnh Phúc.

(Ảnh: Dưa lưới DUC DUONG FARM)

Hiện nay, diện tích nhà lưới của công ty là 0,5 ha; sản xuất 3 vụ/một năm, sản lượng 60 tấn/năm; giá bán lẻ 60.000 đồng/kg; giá bán buôn 40.000 đồng/kg; Doanh thu 2,2 tỷ/năm; lợi nhuận khoảng 900 triệu/năm; Công ty đã giải quyết việc làm thường xuyên  6 lao động, tiền công bình quân 5,5 triệu đồng/tháng.

2.  Sản phẩm: Trà Ngọc Thuý.

Chủ thể là Hợp tác xã dịch vụ sản xuất nông nghiệp Sử Anh, xã Mỹ Bằng, huyện Yên Sơn

Mỹ Lâm-Tuyên Quang, vùng đất được thiên nhiên ban tặng với dòng suối khoáng nóng trải dài theo quốc lộ 37, không khí trong lành, điều kiện khí hậu thổ nhưỡng thuận lợi cho phát triển sản xuất nông nghiệp, đất đai màu mỡ rất phù hợp cho cây chè sinh trưởng phát triển, có chất lượng cao và xây dựng nên sản phẩm chè đặc sản của Tuyên Quang. Cây chè xuất hiện nhiều hơn từ khi có những bàn tay của bộ đội cụ Hồ từ trung đoàn 242, sư đoàn 332 thuộc quân khu Đông Bắc sau khi chiến thắng Điện Biên Phủ, miền Bắc hoàn toàn giải phóng về xây dựng vùng kinh tế mới. Chè xanh nơi đây dưới sự chăm sóc cũng như chia sẽ những bí quyết pha trà của bà con dân tộc Cao Lan với các anh bộ đội cụ Hồ đã dần dần đã trở thành bí quyết pha trà lưu truyền cho đến tận ngày nay. Chè xanh khi được pha chế nước có màu xanh như Ngọc, màu chè được ví như viên ngọc giữa núi rừng nơi đây. Nhiều doanh nghiệp đã nghiên cứu, phát triển thương hiệu cho sản phẩm chè đặc sản của địa phương, điển hình là Hợp tác xã Dịch vụ sản xuất nông nghiệp Sử Anh được thành lập năm 2017, với 07 thành viên và 100 hộ gia đình trồng chè tham gia liên kết với hợp tác xã.

Từ khi thành lập, ang Nguyễn Công Sử, Giám đốc HTX đã không ngừng học hỏi, nghiên cứu, tiếp cận và đầu tư công nghệ mới trong sản xuất, đa dạng hoá, tạo ra nhiều sản phẩm chè chất lượng có giá trị kinh tế cao để đưa ra thị trường. Năm 2020, HTX có 7 sản phẩm được cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP và điều đặc biệt là HTX đã nghiên cứu thành công cho ra sản phẩm độc đáo, có sáng tạo và sự khác biệt, đó là “Trà Ngọc Thúy” sản xuất theo quy trình cấp đông mà hiện nay trên thị trường chưa có. Sản phẩm đã có bán tại thị trường Hà Nôi, Bắc Giang, Phú Thọ. Năm 2021, sản phẩm này đạt giải nhì cuộc thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Tuyên Quang.

Sản phẩm “Trà Ngọc Thúy” được làm từ nguyên liệu chính là búp chè xanh tiêu chuẩn một tôm hai lá. Sau thi thu hái khoảng 1,5 giờ, chè được xử lý qua các công đoạn chính, gồm: Làm héo chè - diệt men - vò săn - ướp lạnh - đóng gói - ủ lên men. Trong quy trình trên, ướp lạnh là công đoạn quan trọng nhất, các quá trình được xử lý nhanh và vẫn giữ được các thành phần có trong búp chè tươi (khoảng 80%) như: axít amin, vitamin, chất khoáng, hydrotcarbon, protein và lipid…. Khi pha 10 gram trà với 150 ml nước sôi ở nhiệt độ 850c đến 950c nước trà có màu vàng, vị ngọt hậu, mùi hương thơm đặc trưng. Sản phẩm hoàn thiện, tiêu thụ bảo quản trong môi trường lạnh âm độ. Nét độc đáo của sản phẩm là khi đưa ra thị trường đến tay người tiêu dùng vẫn giữ được hương vị đặc trưng tự nhiên nguyên bản và các thành phần có trong búp chè tươi.

(Ảnh: Sản phẩm Trà Ngọc Thuý)

Diện tích chè Ngọc Thuý của đơn vị là 60 ha được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP; sản lượng hàng năm 10.000 hộp, với khối lượng 400 gam/1 hộp; giá bán buôn: 200.000 đồng/01 hộp 400 gam; doanh thu hàng năm 2 tỷ/năm; lợi nhuận khoảng 500 triệu đồng/năm. HTX đã tạo việc làm thường xuyên cho 30 lao động thu hái và chế biến chè, bình quân thu nhập khoảng 5,5 triệu/lao động/tháng.

3. Sản phẩm Trà túi lọc đậu đen xanh lòng Chiêm Hoá. Chủ thể Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Hồng Phát, xã Tri Phú, huyện Chiêm Hoá

Đỗ đen xanh lòng là loại cây trồng được nhân dân các xã: Linh Phú, Tri Phú, Vinh Quang, Bình Nhân, Kim Bình trồng từ bao đời nay, sản phẩm chủ yếu được bán dưới dạng thô, chưa qua sơ chế, chế biến, thị trường không ổn định. Trăn trở trước những khó khăn tìm đầu ra cho sản phẩm và để phát huy tiềm năng, lợi thế địa phương và tổ chức sản xuất theo chuỗi liên kết, tiêu thụ sản phẩm cho người dân, nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm, với ý tưởng của chị Phạm Thị Hồng, sinh năm 1982, công chức Văn phòng Thống kê của xã Kim Bình, huyện Chiêm Hoá, chị đã vận động nhóm người cùng sở thích thành lập Hợp tác xã, tháng 10/2020 Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Hồng Phát được thành lập (Giám đốc là anh Triệu Văn Huy) đăng ký sản xuất, chế biến, kinh doanh một số sản phẩm nông sản sạch, hữu cơ, trong đó hướng đến thu mua nguyên liệu đậu đen xanh lòng cho người dân xã Tri Phú và các xã lân cận để chế biến thành sản phẩm Trà túi lọc Đậu đen xanh lòng. Ngoài việc liên kết bao tiêu sản phẩm đậu đen trên địa bàn xã Tri Phú, Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Hồng Phát đã liên kết phát triển vùng nguyên liệu và hợp đồng bao tiêu sản phẩm hạt đậu đen với nhân dân các xã Kim Bình, Vinh Quang, Bình Nhân. Hợp tác xã có 11 thành viên và 60 hộ gia đình tham gia liên kết trồng đậu đen.

Với tiêu chí sản xuất phải đảm bảo an toàn, rõ nguồn gốc, sản phẩm trà túi lọc đậu đen xanh lòng của HTX Nông nghiệp hữu cơ Hồng Phát đã sử dụng các loại phân bón an toàn trong suốt quá trình cây sinh trưởng và phát triển, sau khi thu mua nguyên liệu hạt đậu đen xanh lòng về được Hợp tác xã sơ chế qua 11 công đoạn để cho ra thành phẩm trà túi lọc đậu đen xanh lòng. Với thành phần đậu đen xanh lòng được bào chế kết hợp với Hà thủ ô đỏ, sau đó hạ thổ, sao chín và đóng gói tạo nên sản phẩm có mùi hương thơm đậm của đậu đen và vị ngọt thanh mát tự nhiên; sản phẩm trà túi lọc đậu đen xanh lòng phù hợp cho nhiều đối tượng như người già, trẻ nhỏ, người sau phẫu thuật, người nuôi con nhỏ đều có thể sử dụng được.

Sản phẩm Trà túi lọc Đậu đen xanh lòng Chiêm Hoá đã được công nhận xếp hạng sản phẩm OCOP 4 sao. Là sản phẩm chế biến từ đậu đen duy nhất tham gia OCOP của tỉnh Tuyên Quang.

Hiện nay sản phẩm đã có mặt ở các tỉnh thành trong cả nước như: Tuyên Quang, Hà Giang, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên, Hải Dương, Nghệ An, Đà Nẵng, Bình Thuận, Bình Dương, Sóc Trăng, thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh.

(Ảnh: Sản phẩm Trà túi lọc đậu đen xanh lòng Chiêm Hoá)

Diện tích vùng nguyên liệu hiện nay của HTX là 22 ha; sản lượng 3 vụ/năm khoảng 55 tấn đậu đen/năm; sản lượng chế biến 58.000 hộp/năm; giá bán buôn tại Hợp tác xã: 60.000k/hộp 240 gam; doanh thu 3,4 tỷ/năm; lợi nhuận chiếm trên 10% doanh thu (khoảng 350 triệu đồng/năm). Tạo việc làm thường xuyên cho 6 lao động tại cơ sở chế biến, bình quân thu nhập 4-6 triệu/người. Sản phẩm đã có bán ở 32 đại lý của 28 tỉnh, thành phố trong cả nước.

4. Sản phẩm du lịch Homestay 99 ngọn núi.

Chủ thể sản phẩm Tổ hợp tác dịch vụ Homestay 99 ngọn núi, Thượng Lâm, huyện Lâm Bình.

Nhằm phát huy lợi thế của các di tích, danh lam thắng cảnh mà thiên nhiên ban tặng cho Lâm Bình, mô hình du lịch Homestay đang được phát triển rộng rãi. Xã Thượng Lâm của huyện Lâm Bình được biết đến là nơi có vẻ đẹp non nước hữu tình. Từ bến thủy huyện Lâm Bình, du khách có thể đi khám phá vùng lòng hồ thủy điện Tuyên Quang bằng thuyền Kayak hoặc thuyền du lịch. Hồ thủy điện Tuyên Quang được ví như “Hạ Long trên cạn” vì lòng hồ có hàng trăm “hòn đảo” lớn nhỏ, sở hữu nhiều đồi núi trùng điệp. Nơi đây còn được gắn liền với truyền thuyết về chàng trai Tài Ngào gắn với chiếc Cọc Vài Phạ (cọc buộc trâu trời). Truyền thuyết kể lại rằng Tài Ngào là chàng trai to lớn, khỏe mạnh phi thường và rất có hiếu với mẹ già, có tình yêu thương dành cho bà con dân làng. Để rồi khi lớn lên Tài Ngào đã dùng sức khỏe phi thường của mình trị thủy, dâng nước giúp cho bà con tránh được hạn hán. Cùng với các truyền thuyết, Lâm Bình còn được thiên nhiên ban tặng với cảnh sông nước, núi non hung vĩ hay những hang động, thác nước quanh hồ đẹp mê hồn lòng người như: Hang Phia Vài, hang Khuổi Pín, động Song Long; thác Khuổi Nhi, Khuổi Súng, Năm Me…và thắng cảnh 99 ngọn núi …

(Ảnh: Homestay 99 ngọn núi)

Với mong muốn gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc; quảng bá hình ảnh đẹp của quê hương; đưa những nét đẹp văn hóa đặc trưng và độc đáo của đồng bào các dân tộc của xã Thượng Lâm nói riêng và của huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang nói chung đến với đông đảo du khách trong và ngoài nước và để tạo việc làm, thu nhập cho người dân có thể làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình, người thanh niên trẻ Chẩu Văn Đệ, sinh năm 1987 tại xã Thượng Lâm, hiện đang là Phó Chủ tịch xã Bình An, đã vận động bạn bè cùng trang lứa và sở thích thành lập Hợp tác xã thanh niên Thượng Lâm thành lập tháng 5/2018 với 07 thành viên, do anh Hoàng Văn Minh (sinh năm 1991) làm Giám đốc, với nhiều hoạt động thiết thực: Phát triển dịch vụ du lịch cộng đồng Homestay, thực hiện công quản lý, vệ sinh môi trường khu vực thác Khuổi Nhi… Cũng xuất phát từ ý tưởng xây dựng thương hiệu cho sản phẩm du lịch, Nhóm thanh niên trẻ xã Thượng Lâm, huyện Lâm Bình đã khởi nghiệp, thành lập Tổ hợp tác dịch vụ “Homestay 99 Ngọn Núi” tại xã Thượng Lâm, huyện Lâm Bình với 04 thành viên: HTX Thanh niên Thượng Lâm, Homestay A Phủ, Homestay An Na (Noọng Na) và Homestay Hà Cát. Năm 2020, Sản phẩm du lịch Homestay 99 Ngọn Núi đã được đánh giá xếp hạng sản phẩm đạt hạng 4 sao. Đến Lâm Bình, du khách sẽ được ở trong căn nhà sàn truyền thống của đồng bào dân tộc Tày. Cùng với đó, tùy theo nhu cầu, du khách sẽ được thưởng thức những món ăn truyền thống độc đáo của đồng bào các dân tộc, như: Thịt dê núi, thịt chua, rau bò khai, rượu thóc, bánh giầy, uống chè Khau mút…, được tắm lá thuốc, đi khám phá các danh lam thắng cảnh, di tích của địa phương. Đặc biệt du khách còn có thể giao lưu văn nghệ, hát Then với bà con nơi đây.

Sau đại dịch Covid, sản phẩm du lịch tại xã Thượng Lâm, huyện Lâm Bình đã được nhiều du khách biết đến. Doanh thu từ đầu năm 2022 đến nay của tổ hợp tác là trên 2,1 tỷ đồng; giải quyết việc làm cho 18 lao động; thu nhập bình quân từ 5 triệu đồng đến 7 triệu đồng/người/tháng./.

Ngô Tuyết Nhung - Chi cục Phát triển nông thôn

Tin cùng chuyên mục