,

Thị trường nông sản

Hồng đường Yên Lập Tiềm năng OCOP

Không ai nhớ cây hồng có ở Yên Lập (Chiêm Hóa) từ bao giờ, chỉ biết vào mùa thu hằng năm đây là một thức quà đặc sản được mọi người chờ đón. Đồng bào nơi đây vẫn luôn tự hào vì bảo tồn được những cây hồng cổ thụ hàng trăm năm tuổi cho ra quả đều đặn hàng năm, đây cũng là điều làm nên sự đặc biệt cho thương hiệu hồng đường Yên Lập.

QUÀ QUÝ CỦA MÙA THU

KHI cái nắng của mùa hè dịu bớt cũng là lúc những cây hồng ở Yên Lập bước vào mùa thu hoạch. Thời gian thu hái cũng không nhiều, chỉ trong khoảng 3 tuần đến 1 tháng, nếu cứ nghĩ có thể thong dong ăn trong cả mùa thu thì rất có thể mọi người sẽ bỏ lỡ thời điểm thưởng thức loại trái cây đặc sản này.

Người dân thu hái hồng Yên Lập cho thương lái, mỗi cây cho thu hoạch trong vòng 2 tuần.

Chị Nguyễn Ngọc Anh, thị trấn Vĩnh Lộc (Chiêm Hóa) hào hứng chia sẻ: "3 năm trước tôi mới biết đến hồng Yên Lập sau khi được một người bạn tặng cho một ít làm quà. Sau khi thưởng thức tôi thấy đây là một giống hồng ngon hiếm thấy, lại là giống bản địa nên càng quý hơn. Giờ đã thành thói quen, năm nào tôi cũng đặt hồng về ăn và đem biếu tặng người thân, bạn bè". 

Hồng đường Yên Lập sau khi ngâm nước sạch 3 ngày là có thể ăn được, ruột hồng vàng ruộm, không hạt, có nhiều cát đường.

Men theo con suối nhỏ chảy quanh bìa rừng, chúng tôi đến vườn hồng của ông Triệu Quang Bạch, thôn Tin Kéo. Cả vườn đang vào độ thu hoạch, trái sum suê giấu mình trong tán lá xanh mượt. Ông Bạch chia sẻ, quả hồng ở đây có độ ngọt đặc biệt, quả được hái khi vỏ chỉ chớm vàng nhưng khi được ngâm đủ thời gian ăn sẽ hết hẳn vị chát, ruột quả vàng óng màu mật, ngọt mềm và có rất nhiều cát đường. Cũng là giống hồng này nhưng nếu trồng ở nơi khác, như ở xã Ngọc Hội, hoặc bên Bắc Kạn cách Yên Lập chỉ tầm chục km cũng không có được vị ngon ngọt như vậy, cây cũng không sai quả như ở bản địa. Hiện nay gia đình ông đang có hơn 100 gốc cho thu hoạch.

Quá trình thu hái phải đảm bảo cắt ngắn cuống quả để tránh cuống đâm vào các quả xung quanh, làm hồng dễ bị hư hại.

Tuy đường đi vào vườn không thuận lợi nhưng thương lái vẫn vào tận nơi để thu mua vì loại hồng này nhận được sự yêu thích đặc biệt của nhiều người. Chính vì vậy giá bán tại vườn luôn đạt từ 20 nghìn đồng/kg, bán theo tạ đạt 1,8 triệu đồng/tạ. Ông Bạch cho biết thêm, có những hôm ông bận không hái được thương lái họ cần gấp còn tự lên vườn hái để kịp giao cho các đầu mối ở Hà Giang, Bắc Kạn. Cách đây 20, 30 năm khi mà trái cây còn hiếm, hồng Yên Lập còn được bán tính tiền theo quả, cứ 100 đồng 1 quả, 1.000 đồng/1 chục, tiếc rằng thời điểm ấy, người dân địa phương chưa nhận ra tiềm năng phát triển và giá trị kinh tế mà cây hồng mang lại nên cây chỉ được trồng nhỏ lẻ, không mang tính chất thu lợi nhuận.

Quả hồng sau khi thu hoạch được ngâm trong nước suối để đảm bảo độ tươi ngon nhất.

Quả hồng đường Yên Lập.

ĐÁNH THỨC TIỀM NĂNG

KHI mà hồng Xuân Vân đã trở nên nổi tiếng thì hồng đường Yên Lập vẫn chỉ mới nằm trong một vùng nhận diện nhỏ ở một số xã trên địa bàn huyện Chiêm Hóa. Qua truyền thông nhiều người dân bắt đầu nhận thấy cây hồng quê mình cũng có thể trở thành một trái cây đặc sản nên bắt tay vào trồng, đó là thời điểm năm 2015, cây hồng đường bắt đầu trở thành loại cây chủ lực ở địa phương.

Thương lái vào chọn mua hồng ngay tại vườn, hồng Yên Lập cho quả từ dưới tán ở rất thấp.

Ông Nguyễn Văn Vịnh, thôn Nà Héc cho biết, so với các loại cây trồng khác thì cây hồng không hạt khó nhân giống hơn vì là cây bản địa, không có hạt nên không thể nhân giống từ hạt, chỉ có thể nhân giống bằng phương pháp vô tính. Trong đó, phương pháp nhân giống từ rễ là phổ biến nhất. Khi rễ cây hồng trưởng thành bị các vết thương cơ giới sẽ hình thành mô sẹo và tại đấy sẽ mọc lên mầm cây vào mùa xuân (tháng 2-3), khi mầm cây phát triển tới chiều cao khoảng 30-50 cm tiến hành chặt hai đầu rễ đem trồng. Trong trường hợp rễ chưa nẩy mầm có thể chọn một đoạn rễ bánh tẻ cắt hai đầu với chiều dài 15 -20 cm sau đó cắm đầu rễ phía xa gốc vào đất ẩm sau 1-3 tháng cây bật mầm thì mang đi trồng. Chính vì khó nhân giống lại là cây đặc sản nên giá cây con khá cao, trên 50 nghìn đồng/cây giống.

Sau 7 năm được nhân rộng, cây hồng đường không hạt trên địa bàn xã đã đạt tổng diện tích gần 20ha, hơn 100 hộ ở 11 thôn trồng thương phẩm, trong đó tập trung ở một số thôn như Tin Kéo, Nà Héc, Nà Tiệng… , năng suất đạt 15 tấn/ha. Vụ hồng năm 2021, toàn xã thu hoạch gần 85 tấn quả với mức giá ổn định 20 nghìn đồng/kg.

Ông Hà Xuân Nguyên, Chủ tịch UBND xã Yên Lập cho biết, xã hiện đã có 1 sản phẩm OCOP là cá lăng đặc sản mang lại nguồn thu và giá trị kinh tế cao. Nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của người dân xã đang tập trung xây dựng sản phẩm, hoàn thiện hồ sơ OCOP hồng đường không hạt Yên Lập. Đồng thời xã tuyên truyền vận động người dân mở rộng diện tích, áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất, ứng dụng công nghệ cải tạo cây hồng để nâng cao chất lượng sản phẩm. Dự kiến đến năm 2025 sẽ nâng diện tích trồng hồng lên 27ha.

Thưởng thức hồng đặc sản vườn nhà là niềm vui của người dân Yên Lập.

Việc lựa chọn cây hồng để đưa vào chương trình OCOP, Yên Lập mong muốn có thể bảo tồn được giống hồng quý, xúc tiến tìm kiếm thị trường tiêu thụ ổn định, thay vì tự tìm đầu ra như trước đây, đưa quả hồng đến với đông đảo người tiêu dùng trong và ngoài địa phương.

Mong rằng trong tương lai không xa, cây hồng đường Yên Lập sẽ “sánh vai” với cam sành Hàm Yên, bưởi Phúc Ninh, hồng Xuân Vân trở thành loại quả đặc sản được cả nước biết đến. Qua đó mang lại cho người dân địa phương cơ hội phát triển kinh tế bền vững, góp phần xây dựng nông thôn mới ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Báo Tuyên Quang

Tin cùng chuyên mục