,

Thị trường nông sản

Hỗ trợ nông dân quảng bá, tiêu thụ nông sản

Chuyển đổi số để tiêu thụ nông sản là xu thế tất yếu giúp người nông dân mở ra kênh tiêu thụ mới như các sàn thương mại điện tử, rút ngắn khoảng cách giữa người sản xuất, người tiêu dùng, minh bạch hóa các giao dịch thương mại, tạo nên môi trường kinh doanh nông sản lành mạnh, bền vững.

Sản phẩm dúi của gia đình anh Triệu Văn Kiều, tổ dân phố Đồng Bàng, thị trấn Tân Yên (Hàm Yên) luôn trong tình trạng “cháy” hàng, không đủ cung cấp cho khách hàng. Do giá mỗi cân dúi từ 400 đến 500 nghìn/kg nên nhu cầu sử dụng trong dân không nhiều, do đó anh phải tìm đến các nhà hàng, khách sạn. Nhưng sức người thì có hạn, làm sao mà đi đến hết được các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống để mời chào. Và anh nhận thấy, không có cách nào khác là phải sử dụng thành thạo nền tảng mạng xã hội. Quả thật sau một thời gian đưa sản phẩm dúi lên trang cá nhân và các hội nhóm, anh đã có nhiều đơn đặt hàng ở Hà Nội, Quảng Ninh, Nam Định... anh Kiều bảo, nhờ mạng xã hội mà anh giảm được thời gian và chi phí đi giao dịch, anh rất tự tin trong việc bán sản phẩm của gia đình. Hiện nay, 100% sản phẩm dúi được bán qua mạng xã hội, mỗi năm trang trại anh xuất bán từ 200 đến 250 con dúi giống và thương phẩm.

HTX Dịch vụ sản xuất nông nghiệp Hùng Hậu, xã Thái Bình (Yên Sơn) sớm ứng dụng chuyển đổi số vào sản xuất kinh doanh. Năm 2020, sản phẩm mật ong rừng Bình Ca và mật ong nhãn Bình Ca đã đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao. Tuy nhiên, 2 năm qua, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, việc tiêu thụ sản phẩm theo cách truyền thống gặp nhiều khó khăn. Để thích ứng trong tình hình mới, HTX đã linh hoạt trong sản xuất kinh doanh, ứng dụng công nghệ chuyển đổi số trong quảng bá và tiêu thụ sản phẩm; khách hàng có thể ngồi tại nhà lựa chọn và được giao hàng tận nơi.

Hội viên Hội Liên hiệp phụ nữ xã Yên Phú (Hàm Yên) chụp ảnh đăng trên mạng xã hội hỗ trợ hội viên
tiêu thụ các sản phẩm đan lát thân thiện môi trường.

Các sản phẩm đều có mã vạch, tem truy xuất giúp người tiêu dùng dễ dàng kiểm tra nguồn gốc xuất xứ. Chị Tống Thị Thủy, thành viên HTX Dịch vụ sản xuất nông nghiệp Hùng Hậu chia sẻ, với sự giúp đỡ của Phòng Nông nghiệp, Hội Nông dân, Bưu điện huyện, các sản phẩm của HTX đưa lên các sàn giao dịch, sàn thương mại điện tử như ocop.snntuyenquang.gov.vn, santmdttuyenquang.gov.vn, postmart.vn hay voso.vn... giúp quảng bá sản phẩm đến với người tiêu dùng khắp cả nước, thúc đẩy tăng doanh số bán hàng cho HTX và người nuôi ong.

Ngoài HTX Dịch vụ sản xuất nông nghiệp Hùng Hậu, chủ trang trại dúi Triệu Văn Kiều, còn có nhiều nông dân, HTX trên địa bàn tỉnh ứng dụng chuyển đổi số trong quảng bá, tiêu thụ sản phẩm nông sản trên sàn thương mại điện tử, mạng xã hội như: HTX Nông nghiệp hữu cơ Hồng Phát (Chiêm Hóa), HTX Sơn Trà (Na Hang), HTX Cà gai leo Hợp Hòa (Sơn Dương), sản phẩm dâu tây của chị Giàng Thị Sao (Na Hang)... Nhờ đó, các sản phẩm nông sản của người nông dân trong tỉnh đã ngày một vươn xa không chỉ là thị trường trong, ngoài tỉnh mà còn được xuất khẩu sang Trung Quốc, Malaysia...

Với vai trò cầu nối để người sản xuất nông nghiệp tiếp cận với công nghệ hiện đại, Hội Nông dân tỉnh đã phối hợp với Bưu điện tỉnh ký kết thỏa thuận, tập trung thực hiện 5 nhiệm vụ chính, gồm: phối hợp tuyên truyền, giới thiệu và kết nối tiêu thụ sản phẩm; triển khai chuỗi cung ứng hàng hóa, nông sản nông nghiệp an toàn, chất lượng cao; hợp tác xây dựng và phát triển chuỗi sản xuất giá trị bền vững gắn với các chương trình mục tiêu quốc gia; phát triển lực lượng cộng tác viên, đại lý bán hàng. Hội phấn đấu trong năm 2022, xây dựng và phát triển 50.000 tài khoản mua, bán trên sàn thương mại điện tử Postmart.vn; 30% sản lượng nông sản của các hộ sản xuất nông nghiệp (đã có tài khoản bán hàng/gian hàng) được tiêu thụ qua sàn thương mại điện tử...

Hiện nay, toàn tỉnh có trên 100 doanh nghiệp, HTX đã đưa các sản phẩm nông nghiệp, đặc biệt có hơn 40 sản phẩm OCOP được lên các sàn thương mại điện tử như: postmart.vn, voso.vn, santmdttuyenquang.gov.vn, ocop.snntuyenquang.gov.vn... Nhiều sản phẩm đặc sản như: Mật ong, măng khô, chè Shan tuyết, bưởi Soi Hà, rượu ngô men lá, gạo, mỳ khô... được đông đảo người tiêu dùng cả nước biết đến.

Tuy nhiên, do hạ tầng công nghệ thông tin ở nhiều xã khó khăn chưa đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số; năng lực, trình độ của một số chủ thể sản xuất nông nghiệp còn hạn chế về số hóa, công nghệ thông tin. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp, HTX có quy mô nhỏ, sản xuất kinh doanh theo lối truyền thống... chưa phát huy hết lợi thế của ứng dụng công nghệ số trong quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Do đó, thời gian tới, các cơ quan chức năng của tỉnh tăng cường tập huấn, hướng dẫn doanh nghiệp, HTX, người dân những kỹ năng cần thiết để đưa hàng nông sản lên các sàn thương mại điện tử; tuyên truyền, nâng cao ý thức của doanh nghiệp, HTX, người dân trong sản xuất nông sản an toàn, bảo đảm các quy định chất lượng đã cam kết với các sàn thương mại điện tử...

Có thể khẳng định, chuyển đổi số trong quảng bá sản phẩm đã giúp nhiều doanh nghiệp, hộ sản xuất nông nghiệp nâng cao giá trị, tăng cường kết nối tiêu thụ sản phẩm. Tuy nhiên, bên cạnh sự hỗ trợ của cơ quan chức năng, người nông dân cần thay đổi tư duy, chủ động vào cuộc thì mới làm chủ được công nghệ số, đáp ứng xu thế phát triển tất yếu của nền nông nghiệp hiện đại.

Báo Tuyên Quang

Tin cùng chuyên mục