,

Sâu, bệnh hại

Dự kiến tình hình sinh vật gây hại trên cây trồng vụ xuân năm 2023

I. DỰ KIẾN TÌNH HÌNH THỜI TIẾT VÀ SẢN XUẤT VỤ XUÂN NĂM 2023

1. Nhận định xu hướng thời tiết ảnh hưởng đến vụ Xuân

Theo dự báo của Đài khí tượng thuỷ văn Tuyên Quang thời tiết vụ xuân năm 2023 tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp. Nhiệt độ trung bình tháng 01 đến tháng 6 phổ biến ở mức xấp xỉ so với trung bình nhiều năm; không khí lạnh tiếp tục hoạt động mạnh trong các tháng chính đông, có khả năng gây ra những đợt đậm, rét hại nhưng không kéo dài. Lượng mưa tháng 01 thấp hơn trung bình nhiều năm từ 20-30%; từ tháng 02 đến tháng 5 xấp xỉ trung bình nhiều năm; tháng 6 thấp hơn trung bình nhiều năm từ 10 - 20%; trong khoảng thời gian giao mùa (từ tháng 3 đến tháng 5) nhiều khả năng xảy ra mưa lớn cục bộ, dông sét, mưa đá và gió mạnh.

2. Xu hướng sản xuất và cây trồng

2.1 Cây lúa

a) Cơ cấu giống lúa cấy trong vụ Xuân năm 2023, chủ yếu là các giống lúa:

+ Xuân chính vụ: Sử dụng giống lúa IRi352, N97, J02, Nhị ưu 838.

+  Xuân muộn:

+ Sử dụng các giống lúa lai Tạp giao 1, Nhị ưu 838, Thái xuyên 111, MHC2, GS9; giống lúa nếp N97 và giống chất lượng cao Bắc thơm số 7.

+ Sử dụng các giống lúa thuần KM18, TBR225, TBR279, Hà Phát 3, VNR20, BC15 và giống chất lượng HT1, J02, Đài Thơm 8, Bắc Hương.

b) Thời vụ

- Trà xuân chính vụ: Gieo mạ từ 30/12/2022 đến 03/01/2023; cấy từ ngày 25/01/2023 đến ngày 31/01/2023.

- Trà xuân muộn:

+ Gieo mạ từ ngày 10/01/2023 đến ngày 20/01/2023; cấy từ ngày 05/02/2023 đến ngày 20/02/2023.

+ Đối với giống lúa lai GS55, gieo mạ từ ngày 01/02/2023 đến ngày 08/02/2023; cấy từ ngày 20/02/2023 đến ngày 25/02/2023.

+ Đối với lúa gieo thẳng, gieo từ ngày 05/02/2023 đến ngày 15/02/2023.

2.2. Cây màu

- Cây ngô lấy hạt, lạc, đậu tương gieo trồng trước 10/3/2023 trên đất đồi thấp, vườn màu, soi bãi. Ngô TĂGS gieo xong trong tháng 3/2023.

- Trên đất ruộng 01 vụ lúa gieo trồng trước ngày 25/02/2023 đối với ngô lấy hạt, ngô TĂGS trước ngày 10/3/2023; đối với cây lạc gieo trước ngày 20/02/2023 và cây đậu tương gieo xong trong tháng 02/2023.

- Sử dụng các giống:

+ Ngô lấy hạt: Sử dụng các giống ngô lai LVN99, CP-3Q, Bioseed 9698, NK4300, NK7328, DK6919, nếp HN88; giống ngô biến đổi gen NK4300Bt/Gt.

+ Ngô sinh khối: Sử dụng các giống ngô lai SSC586, NK7328.

+ Sử dụng các giống đậu tương DT 84.

+ Sử dụng các giống lạc L14.

II. TÌNH HÌNH DỊCH HẠI HIỆN TẠI

1. Cây ngô Đông (chín sữa-chín sáp)

- Sâu đục thân, sâu keo màu thu, mật độ nơi cao 1-2 con/m2, sâu non.

- Rệp muội gây hại rải rác, tỷ lệ hại nơi cao 3-4% số cây.

- Bệnh đốm lá gây hại rải rác, tỷ lệ hại nơi cao 5-6% số lá.

- Bệnh khô vằn gây hại tỷ lệ hại phổ biến 2-3% số cây, nơi cao 6-7% số cây.

2. Cây rau, đậu vụ Đông (phát triển thân lá-quả xanh-chín thu hoạch)

- Bọ nhảy gây hại rải rác, mật độ nơi cao 4-6 con/m2, cục bộ 8-9 con/m2.

- Sâu xanh ăn lá, sâu khoang, sâu tơ gây hại rải rác, mật độ nơi cao 3-5 con/m2.

- Rệp gây hại rải rác, tỷ lệ hại nơi cao 2-4% số cây.

- Bệnh đốm lá, sương mai, đốm vòng gây hại, tỷ lệ hại nơi cao 4-7% số lá, cấp 1-3.

- Bệnh thối nhũn gây hại, tỷ lệ hại nơi cao 3-4% số lá, cấp 3-5.

3. Cây cam (quả xanh-quả chín thu hoạch)

- Nhóm nhện nhỏ (nhện đỏ, nhện trắng, nhện rám vàng) gây hại, tỷ lệ hại phổ biến 1-3%, nơi cao 6-7% số lá, quả.

- Bệnh loét gây hại rải rác, tỷ lệ hại phổ biến 3-4% số lá, quả. Nơi cao 8-9% số lá, quả.

- Bệnh sẹo gây hại rải rác, tỷ lệ hại phổ biến 2-3%; nơi cao 6-8% số lá, quả.

- Bệnh thán thư gây hại rải rác.

- Bệnh greening, bệnh xì mủ gây hại, nơi cao 2-4% số cây.

- Bệnh vàng lá thối rễ gây hại, nơi cao 2-4% số cây.

4. Cây bưởi (chín thu hoạch)

- Nhóm nhện nhỏ (nhện đỏ, nhện trắng, nhện rám vàng) gây hại rải rác, tỷ lệ hại nơi cao 5-7% số lá, quả.

- Rệp gây hại rải rác, tỷ lệ hại nơi cao 3-4% số lá, quả.

- Bệnh ghẻ sẹo gây hại, tỷ lệ hại nơi cao 3-5% số lá, quả.

- Bệnh greening gây hại, nơi cao 2-3% số cây.

- Bệnh vàng lá thối rễ gây hại, nơi cao 2-4% số cây.

- Bệnh thán thư khô cành, rụng quả, bệnh xì mủ gây hại rải rác.

5. Cây nhãn (lộc bánh tẻ-phân hoá mầm hoa)

- Bọ xít nâu gây hại rải rác, mật độ nơi cao 1 con/cành.

- Nhện lông nhung gây hại rải rác.

- Bệnh chổi rồng gây hại rải rác.

6. Cây mía (tích đường-chín thu hoạch)

- Rệp bông xơ, rệp sáp gây hại rải rác, nơi cao 3-4% số cây.

- Bọ hung hại rải rác, nơi cao 1,0 con/hố.

- Sâu đục thân  gây hại rải rác.

- Bệnh thối đỏ bẹ lá gây hại, tỷ lệ hại nơi cao 3-5% số lá.

7. Cây chuối (ra hoa-quả xanh-thu hoạch)

- Sâu đục thân (bọ vòi voi) gây hại rải rác, mật độ nơi cao 3-5% số cây.

- Bệnh chùn ngọn gây hại rải rác, mật độ nơi cao 4-6% số cây.

- Bệnh đốm lá tiếp tục gây hại cục bộ, tỷ lệ hại phổ biến 2-3%, nơi cao 5-6% số lá.

- Bệnh héo rũ Panama gây hại cục bộ, tỷ lệ hại phổ biến 2-3% số cây.

8. Cây keo (rừng trồng 1-5 tuổi)

- Sâu nâu ăn lá tiếp tục gây hại rải rác, tỷ lệ phổ biến 2-3%, nơi cao 6-8% số lá.

- Bệnh chết héo tiếp tục gây hại, tỷ lệ hại nơi cao 3-4% số cây, cục bộ 6-7% số cây.

9. Cây bạch đàn (rừng trồng 1-5 tuổi)

- Sâu ăn lá tiếp tục gây hại rải rác.

- Bệnh đốm lá, khô ngọn tiếp tục gây hại, tỷ lệ hại nơi cao 6-7% số lá, số cây.

III. DỰ KIẾN MỘT SỐ LOÀI DỊCH HẠI CHÍNH TRÊN MỘT SỐ CÂY TRỒNG CHÍNH TRONG VỤ XUÂN 2023

1. Cây lúa

a) Sâu cuốn lá nhỏ

 - Trưởng thành lứa 1 vũ hoá rải rác từ cuối tháng 2 đến đầu tháng 3, sâu non gây hại diện hẹp trên trà lúa chính vụ từ đầu đến cuối tháng 3.

- Trưởng thành lứa 2 vũ hoá rộ từ cuối tháng 3 đến đầu tháng 4, sâu non nở và gây hại trên các trà lúa chính vụ, trà lúa muộn giai đoạn đứng cái - làm đòng từ đầu đến cuối tháng 4.

- Trưởng thành lứa 3 vũ hoá rộ từ cuối tháng 4 trở đi, sâu non gây hại trên lúa xuân muộn ứng với giai đoạn trỗ bông - ngậm sữa từ đầu tháng 5 trở đi.

- Trưởng thành lứa 4 vũ hoá rộ từ đầu tháng 6 trở đi, sâu non gây hại diện hẹp trên lúa lúa chét, mạ mùa, lúa mùa sớm và cỏ dại.

b) Sâu đục thân 2 chấm

- Trưởng thành lứa 1 vũ hoá rải rác từ giữa tháng 3 đến đầu tháng 4, mật độ thấp, sâu non gây dảnh héo diện hẹp trên lúa xuân chính vụ.

- Trưởng thành lứa 2 vũ hoá rộ vào cuối tháng 4 đến giữa tháng 5, sâu non gây bông bạc trên lúa chính vụ và lúa xuân muộn.

- Trưởng thành lứa 3 vũ hoá rải rác từ đầu tháng 6 trở đi, gây dảnh héo trên mạ và lúa mùa sớm; sâu non gây dảnh héo.

c) Rầy nâu và rầy lưng trắng

- Lứa 1 rầy cám nở rải rác từ giữa đến cuối tháng 3, mật độ thấp.

- Lứa 2 rầy cám nở rộ từ giữa đến cuối tháng 4 gây hại chủ yếu trên lúa chính vụ giai đoạn ôm đòng-trỗ, có thể gây cháy vào cuối tháng 4 đến đầu tháng 5.

- Lứa 3 rầy cám nở rộ vào trung tuần tháng 5 trở đi, hại trên lúa xuân chính vụ và lúa xuân muộn, giai đoạn ngậm sữa - chín đỏ đuôi; khả năng gây cháy ổ từ cuối tháng 5 đến đầu tháng 6. 

- Lứa 4 rầy cám nở vào trung tuần tháng 6 sẽ gây hại trên lúa xuân muộn, giai đoạn lúa chín sáp và mạ mùa, lúa mùa sớm.

d) Ruồi hại nõn: Phát sinh gây hại cao ở giai đoạn lúa đẻ nhánh.

đ) Bọ xít dài: Gây hại trên lúa giai đoạn trỗ bông- chín sữa, trên các ruộng trỗ sớm hoặc quá muộn.

e) Bệnh nghẹt rễ: Phát sinh gây hại ở giai đoạn lúa bén rễ hồi xanh đến đẻ nhánh, gặp thời tiết rét, lạnh kéo dài trên các chân ruộng trũng, ruộng trằm thụt, ruộng chua hoặc ruộng bón phân không cân đối

 g) Bệnh đạo ôn: Thường phát sinh, gây hại ở những ruộng vụ trước, năm trước bị nhiễm bệnh (đã có nguồn bệnh trong đất, nguồn nước), đặc biệt vùng núi cao có nhiệt độ thấp, nhiều sương mù, các khu vực có nhiều đồi núi bao quanh, khuất gió. Bệnh gây hại nặng trên các giống nhiễm: HT1, TBR225, Nếp, KM18, BC15, Thiên ưu 8...

- Bệnh đạo ôn hại trên lá: Bệnh thường phát sinh gây hại nặng giai đoạn lúa đẻ nhánh rộ từ cuối tháng 3 đến cuối tháng 4.

- Bệnh đạo ôn hại trên cổ bông: Phát sinh từ giai đoạn lúa trỗ bông-chín vào cuối tháng 4 trở đi, bệnh thường hại ở những ruộng đã bị bệnh đạo ôn lá, trên giống nhiễm.

h) Bệnh khô vằn: Bệnh phát sinh trên các giống, các trà lúa; bệnh phát triển mạnh từ giai đoạn lúa đứng cái đến chín, gây hại tăng từ tháng 4 trở đi. Bệnh hại nặng ở những ruộng cấy dầy, ruộng trũng hẩu, bón phân không cân đối, bón thừa phân đạm, bón phân đạm muộn.

i) Bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn: Bệnh thường phát sinh gây hại sau những trận mưa dông, trên các cánh đồng lộng gió; những ruộng lúa xanh đậm, bón nhiều phân đạm, bón phân đạm muộn thường bị nặng hơn. Bệnh gây hại nặng từ giữa tháng 4 đến cuối tháng 5, giai đoạn lúa đứng cái đến cuối vụ trên các giống nhiễm.

k) Ốc bươu vàng: Hại cục bộ trên những ruộng lúa vụ trước có mật độ ốc, ổ trứng cao, phòng trừ không triệt để; hại nặng trên lúa mới sạ, cấy đến đẻ nhánh rộ.

l) Chuột: Hại cục bộ trên những ruộng lúa bị hạn, ruộng ven làng, ruộng gần rừng. Chuột gây hại tăng từ giai đoạn đẻ nhánh đến cuối vụ.

m) Lúa cỏ: Hạt lúa cỏ có sức sống khoẻ nên tồn lưu trong đất lâu ngày và phát tán mạnh qua nguồn nước, chim hoặc máy móc, nông cụ (máy làm đất, máy gặt,…). Những khu ruộng năm trước bị nhiễm lúa cỏ không áp dụng biện pháp xử lý triệt để, những ruộng giáp danh khu vực đã bị nhiễm lúa cỏ, ruộng đầu nguồn nước hoặc ruộng gieo cấy giống tự để có nguy cơ bị lây nhiễm lúa cỏ cao.

Ngoài các đối tượng trên cần chú ý: Bọ trĩ, bọ xít đen, nhện gié, bệnh đen lép hạt, bệnh lùn sọc đen trên lúa; bệnh thối nhũn, bệnh mốc trắng, bệnh trắng lá trên mạ.

2. Cây ngô

- Sâu xám, bệnh huyết dụ gây hại vào các tháng 2, 3; sâu cắn lá nõn hại phổ biến giai đoạn 6-9 lá.

- Sâu keo mùa thu gây hại cao (hoặc nặng) từ giai đoạn 2 lá đến giai đoạn trỗ cờ phun râu.

- Bệnh đốm lá nhỏ gây hại phổ biến, tập trung gây hại từ khi cây có từ 5-7 lá trở đi.

- Bệnh khô vằn gây hại rải rác, tập trung gây hại nặng vào giai đoạn từ 9 lá trở đi.

- Bệnh lùn sọc đen gây hại rải rác giai đoạn 3-9 lá.

3. Cây lạc

- Sâu xám gây hại cục bộ giai đoạn cây mới mọc đến 2-3 lá.

- Sâu khoang, sâu cuốn lá gây hại cao giai đoạn phân cành - ra hoa.

- Rệp gây hại cao giai đoạn phân cành - ra hoa đến quả non.

- Bệnh lở cổ rễ gây hại rải rác giai đoạn cây con.

- Bệnh đốm nâu, gỉ sắt gây hại tăng từ giai đoạn phân cành trở đi.

4. Cây đậu tương

- Sâu đục thân gây hại giai đoạn phân cành đến quả non

- Sâu khoang, sâu cuốn lá gây hại nặng giai đoạn 3-6 lá kép đến quả non.

- Sâu đục quả gây hại rải rác giai đoạn quả non trở đi.

- Bệnh sương mai, gỉ sắt bệnh gây hại tăng giai đoạn 5-6 lá kép-ra hoa, quả non.

- Bệnh lở cổ rễ  gây hại rải rác giai đoạn cây con.

5. Cây cam, bưởi, chanh

- Rệp sáp, rệp mềm, sâu vẽ bùa hại rải rác, ruồi hại hoa, bọ trĩ gây hại, bệnh vàng lá thối rễ, bệnh loét cam, bệnh sẹo, bệnh phấn trắng gây hại cục bộ vào các tháng 2, 3, 4, 5.

- Tập đoàn nhện nhỏ gây hại phổ biến trên lá, quả khi gặp thời tiết nắng, khô hạn tháng 5, 6.

- Bệnh vàng lá thối rễ phát sinh gây hại nặng sau các đợt mưa rào kéo dài từ tháng 4, 5 trên vườn trồng cam nhiều năm không được bổ sung chất hữu cơ, đất bị bí chặt, thoát nước kém, bộ rễ phát triển kém; chăm sóc kém không bổ sung dinh dưỡng đầy đủ, cân đối.

6. Cây nhãn

- Bọ xít nâu gây hại vào các tháng 3, 4, 5, 6.

- Bệnh sương mai, thán thư, chổi rồng gây hại rải rác. Bệnh lan truyền nhanh, phát triển mạnh khi có mưa phùn, ẩm độ không khí cao, trời âm u (từ tháng 1 đến tháng 3).

7. Cây chuối

- Sâu đục thân (bọ vòi voi) thường gây hại vào tháng 5,6, gây hại cao ở những vườn chuối rậm rạp, nhiều lá, bẹ thối nát, mật độ nơi cao 3-5% số cây.

- Bệnh chùn ngọn gây hại rải rác, mật độ nơi cao 4-7% số cây.

- Bệnh đốm lá phát sinh gây hại sau các đợt mưa vào các tháng 4,5; tỷ lệ bệnh phổ biến 2-3%, nơi cao 5-7% số lá.

- Bệnh héo rũ Panama phát sinh gây hại sau các đợt mưa vào các tháng 4,5; tỷ lệ hại phổ biến 2-3%, nơi cao 4-7% số cây.

8. Cây chè

- Rầy xanh, bọ xít muỗi, bọ cánh tơ hại trên tất cả các giống chè vào các tháng 3, 4, 5, 6.

- Nhện đỏ gây hại nặng trên chè khi thời tiết khô, hạn vào các tháng 4, 5, 6.

- Bệnh phồng lá chè, thối búp phát sinh gây hại khi thời tiết âm u, mưa phùn, độ ẩm cao; bệnh phồng lá chè phát sinh gây hại nặng vào đầu mùa xuân (từ tháng 2 đến tháng 4).

9. Cây mía

- Bọ trĩ thường gây hại thời kỳ mới trồng - phân lóng.

- Sâu non (sùng) bọ hung đen, nâu; xén tóc gây hại ở đất soi bãi... hại nặng nhất trên mía lưu gốc, trưởng thành vũ hóa sau các trận mưa rào vào các tháng 4, 5.

- Sâu đục thân gây hại tập trung vào giai đoạn mía đẻ nhánh đến vươn lóng.

- Bệnh trắng lá, than đen gây hại trên mía giai đoạn mới trồng -vươn lóng.

10. Cây keo (rừng trồng từ 1-5 tuổi)

- Bọ que gây hại trên keo rừng sản xuất; lứa 1 gây hại từ cuối tháng 3 đến đầu tháng 5;

- Bệnh chết héo phát sinh gây hại sau các đợt mưa rào kéo dài liên tiếp vào thời điểm tháng 4,5.

11. Cây bạch đàn (rừng trồng từ 1-5 tuổi)

- Sâu ăn lá gây hại rải rác.

- Bệnh đốm lá, khô ngọn gây hại vào tháng 5 và tháng 6.

12. Trên cây mỡ, quế (rừng trồng)

- Sâu ong ăn lá mỡ phát sinh gây hại thường phát sinh mạnh ở rừng mỡ mới khép tán, có độ tàn che từ 0,8 - 0,9. Sâu non gây hại mạnh ở lứa 1 từ giữa tháng 3 đến tháng 4.

- Sâu đo ăn lá quế thường hại nặng từ tháng 3 đến tháng 5.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN VÀ CHỈ ĐẠO

Phòng Nông nghiệp và PTNT các huyện, Phòng Kinh tế thành phố và Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp, Hạt Kiểm lâm các huyện, thành phố chỉ đạo cán bộ phụ trách địa bàn:

- Phối hợp với Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn chỉ đạo, tiếp tục hướng dẫn, đôn đốc nhân dân khẩn trương thu hoạch cây trồng vụ Đông đã đến thời kỳ thu hoạch; tập trung làm đất để chuẩn bị cho gieo cấy vụ Xuân 2023.

- Hướng dẫn nhân dân gieo trồng đúng thời vụ tại Văn bản số 2230/SNN-TTBVTV ngày 14/11/2022 của Sở Nông nghiệp và PTNT; nên gieo cấy cùng trà, cùng giống trên một xứ đồng, cấy đúng mật độ; sử dụng phân hữu cơ hoai mục, bón phân cân đối N.P.K, bón thúc sớm, tưới nước hợp lý, để tạo điều kiện cho cây sinh trưởng khỏe, phát triển tốt, tăng khả năng chống chịu sâu bệnh; che phủ nilon cho 100% diện tích mạ. Không gieo mạ, cấy và làm cỏ vào những ngày trời rét dưới 15oC.

- Tăng cường công tác điều tra phát hiện, dự tính dự báo chính xác các lứa sâu, ổ dịch, đánh giá đúng tỷ lệ gây hại, thống kê chính xác diện tích nhiễm, diện phân bố. Theo dõi sát sao diễn biến thời tiết, dịch hại và tình hình sinh trưởng, phát triển của cây trồng để hướng dẫn bà con nông dân tổ chức phòng trừ kịp thời, đạt hiệu quả cao.

- Tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn người sản xuất sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả.

- Tham mưu cho UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các xã, phường, thị trấn xây dựng kế hoạch và tổ chức phòng, chống chuột tại sớm ngay từ đầu vụ theo hướng dẫn tại Văn bản số 342/TTBVTV-KT ngày 14/12/2022 của Chi cục Trồng trọt và BVTV về việc triển khai phòng chống chuột và chuẩn bị điều kiện cho sản xuất vụ Đông Xuân 2022-2023.

- Trên cây ăn quả hướng dẫn nhân dân tổ chức chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh hại đúng kỹ thuật; đối với cây ăn quả có múi thực hiện theo đúng hướng dẫn tại Văn bản số 347/TTBVTV-KT ngày 16/12/2022 của Chi cục Trồng trọt và BVTV về việc chăm sóc phòng trừ sâu bệnh trên cây có múi sau thu hoạch.

Đề nghị Phòng Nông nghiệp và PTNT các huyện, Phòng Kinh tế thành phố, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp các huyện, thành phố triển khai thực hiện, trong quá trình thực hiện có khó khăn, vướng mắc liên hệ với Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (điện thoại: 02073822752) để phối hợp xử lý./.

Chi cục trồng trọt và Bảo vệ thực vật

Tin cùng chuyên mục