Đập thủy lợi thác Dẫng, xã Bình Yên (Sơn Dương).
Theo đó, Ban Quản lý khai thác công trình thủy lợi Tuyên Quang sẽ trực tiếp làm chủ đầu tư. Các công trình được sửa chữa, nâng cấp đợt này chủ yếu là các trạm bơm, đập dâng, hồ chứa đã được xây dựng từ lâu, nay đã xuống cấp, đặc biệt không đảm bảo an toàn về mùa mưa lũ. Trong số 14 công trình được đầu tư sửa chữa cấp bách trong đợt này, huyện Yên Sơn có 2 công trình với kinh phí sửa chữa trên 2,2 tỷ đồng, huyện Lâm Bình có 2 công trình (2 tỷ đồng), huyện Na Hang có 3 công trình (1,8 tỷ đồng), huyện Hàm Yên có 2 công trình (1,8 tỷ đồng), huyện Chiêm Hóa có 1 công trình (2 tỷ đồng), huyện Sơn Dương có 1 công trình (1,5 tỷ đồng) và thành phố Tuyên Quang có 3 công trình với kinh phí sửa chữa trên 2,5 tỷ đồng. Sau khi hoàn thành, các công trình này sẽ bảo đảm tưới tiêu cho khoảng 350 ha lúa, rau màu.
Ông Lê Hải Hùng, Giám đốc Ban Quản lý khai thác công trình thủy lợi Tuyên Quang cho biết, Tuyên Quang hiện có hơn 2.8000 công trình thủy lợi, đảm bảo phục vụ tưới tiêu cho khoảng 38.000ha lúc, rau màu. Năm 2015, Tuyên Quang đã chi hơn 20 tỷ đồng nâng cấp các công trình thiết yếu cấp bách, các công trình khắc phục hạn hán, bão lũ. Ngoài ra từ nguồn vốn thủy lợi phí, tỉnh đã sửa chữa trên 110 công trình đầu mối, kiên cố hóa hơn 2km kênh mương, nạo vét hơn 88.000m3 bùn đất lắng đọng trong kênh mương đảm bảo chủ động nguồn nước phục vụ sản xuất.
Được biết, Tuyên Quang là một trong 3 địa phương trong cả nước thực hiện khai thác, quản lý công trình thủy lợi theo mô hình Ban quản lý từ năm 2011, nhờ vậy mà hơn 63% nguồn kinh phí cấp bù thủy lợi phí được sử dụng vào việc sửa chữa, nâng cấp và xây mới các công trình thủy lợi. Qua đó, các công trình thủy lợi đều được nạo vét, phát dọn đáp ứng đúng thời vụ.
Trích nguồn: TQĐT