![]() Kênh dẫn nước công trình thủy lợi Hoàng Tân, xã Thiện Kế (Sơn Dương) được kiên cố, tiết kiệm nguồn nước, nâng cao hiệu quả tưới tiêu. Ảnh D.L |
Kết quả tính đến hết năm 2015, toàn tỉnh đã kiên cố hóa được 2.105,47 km kênh mương, đạt 58,5% tổng chiều dài kênh mương; trong đó thực hiện kiên cố hóa theo chương trình Nhà nước hỗ trợ xi măng, nhân dân đóng góp vật liệu cát, đá, sỏi, ngày công lao động là 1.434,15 km, chiếm 68,12%; thực hiện đầu tư bằng nguồn vốn tín dụng ưu đãi được: 26,37 km, chiếm 1,25%. Ngoài ra thực hiện đầu tư bằng các nguồn vốn khác như: vốn xây dựng cơ bản, vốn Bộ Nông nghiệp và PTNT, vốn di dân tái định cư công trình thủy điện Tuyên Quang, vốn trái phiếu Chính phủ, vốn dự án IFAD, chương trình 134, 135; vốn cấp bù thủy lợi phí... được 644,95 km, chiếm 30,63%.
Hiệu quả từ việc kiên cố hóa kênh mương đã góp phần tăng diện tích phục vụ tưới. Đến hết năm 2015, tỷ lệ tưới đạt trên 80% (bình quân mỗi năm tăng 1,5%). Việc kiên cố hóa kênh mương còn làm giảm chi phí nạo vét, phát dọn thường xuyên công trình; giảm công quản lý, vận hành; đặc biệt làm giảm lượng thất thoát nước từ 30 - 35%. Hệ thống các công trình thủy lợi đảm bảo tưới cho trên 34.377 ha/44.541 ha lúa vụ đông xuân và vụ mùa.
Tuy nhiên do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguồn kinh phí hạn chế nên chương trình kiên cố hóa kênh mương ở tỉnh ta thời gian qua mới chỉ tập trung đầu tư kiên cố hóa các tuyến kênh chính, xung yếu. Còn hệ thống kênh mương nội đồng chưa được đầu tư xây dựng. Thống kê từ các địa phương, hệ thống kênh mương chưa được kiên cố hóa vẫn ở con số tương đối lớn với 1.492 km (chiếm 41,5%). Hệ thống kênh mương này thường bị sạt lở, bồi lắng, gây thất thoát nước lớn. Đó là chưa kể đến khoảng 280 km kênh đã kiên cố nhưng do bão lũ, thiên tai nên đến nay nhiều hạng mục đã bị hư hỏng, xuống cấp cần tu sửa hoặc xây dựng lại.
Tiếp tục thực hiện phương thức “Nhân dân làm, nhà nước hỗ trợ”
Định hướng của tỉnh về kiên cố hóa hệ thống kênh mương giai đoạn 2016 - 2025, tiếp tục thực hiện phương thức “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ”. Trong đó Nhà nước hỗ trợ cấu kiện kênh bê tông đúc sẵn, gối đỡ và chi phí vận chuyển bốc xếp đến trung tâm xã. Nhân dân đóng góp công đào, đắp đất, vật tư, vật liệu phụ thi công mối nối cấu kiện, vận chuyển cấu kiện từ địa điểm tập kết, thi công lắp đặt hoàn thiện công trình và hiến đất xây dựng công trình theo tinh thần dân chủ, tự nguyện.
![]() Người dân xã Khuôn Hà, huyện Lâm Bình kiên cố hệ thống kênh mương nội đồng. Ảnh: P.V |
Đồng chí Nguyễn Công Nông, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết: Mục tiêu toàn tỉnh là phấn đấu đến năm 2020, tỷ lệ kênh mương toàn tỉnh được kiên cố hóa đạt trên 70%, đảm bảo chủ động nguồn nước phục vụ cho trên 38.000 ha lúa, rau màu, nuôi trồng thủy sản và tạo nguồn nước để áp dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho trên 2.000 ha cây trồng cạn tập trung (cam, chè, mía...) đạt tỷ lệ trên 10%. Đến năm 2025, tỷ lệ kênh mương toàn tỉnh được kiên cố hóa đạt trên 90%, đảm bảo chủ động nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Giai đoạn 2016 - 2025, kiên cố hóa 1.514 km (làm lại kênh bị hư hỏng 380 km, xây mới 1.134 km). Với tổng kinh phí thực hiện hơn 1.234 tỷ đồng. Trong đó giai đoạn 2016 - 2020, kiên cố hóa 780 km kênh mương (làm lại kênh bị hư hỏng 280 km, xây mới 500 km). Giai đoạn từ 2021 - 2025, kiên cố hóa 734 km kênh mương (làm lại kênh bị hư hỏng 100 km, xây mới: 634 km).
Bên cạnh đó, tỉnh thực hiện lồng ghép kế hoạch kiên cố hóa kênh mương bằng các nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương cho các dự án đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi, nguồn khắc phục hậu quả thiên tai, nguồn kinh phí cấp bù thủy lợi phí, nguồn hỗ trợ bảo vệ và phát triển đất lúa, nguồn xây dựng cơ bản tập trung, nguồn xây dựng nông thôn mới, nguồn từ chương trình giảm nghèo. Khuyến khích sự tham gia hỗ trợ, tài trợ của doanh nghiệp, tổ chức trong và ngoài nước...
Tỉnh phân cấp tổ chức thực hiện, quy định trình tự, thủ tục, hồ sơ đầu tư xây dựng, cơ chế quản lý và hướng dẫn về kỹ thuật thi công xây lắp đảm bảo đơn giản dễ thực hiện đối với cơ sở. Tập huấn hướng dẫn về quản lý chất lượng công trình và quản lý vốn đầu tư cho đội ngũ cán bộ cấp xã, hợp tác xã. Kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện kiên cố hóa kênh mương từ khi xây dựng kế hoạch, phê duyệt kế hoạch, thực hiện đầu tư xây dựng đến khi hoàn thành quyết toán. Chú trọng ưu tiên lựa chọn đầu tư xây dựng các tuyến kênh thuộc các xã chưa đạt chỉ tiêu thủy lợi về xây dựng nông thôn mới, các tuyến kênh thuộc vùng có diện tích tưới lớn, vùng có khả năng mở rộng diện tích tưới, vùng chuyển đổi cơ cấu cây trồng phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Về giải pháp kỹ thuật, mới đây, qua tham khảo kinh nghiệm tại một số tỉnh bạn về triển khai kiên cố hóa kênh mương bằng cấu kiện bê tông thành mỏng đúc sẵn, tỉnh đã thực hiện thí điểm cứng hóa kênh mương bằng bê tông đúc sẵn công nghệ mới tại xã Đại Phú (Sơn Dương) với tổng chiều dài kênh 3.367 m và xã Khuôn Hà (Lâm Bình) là 1.620 m. Công trình được nhà nước hỗ trợ toàn bộ cấu kiện đúc sẵn vận chuyển đến nơi tập kết gần công trình; nhân dân đóng góp toàn bộ nhân công vận chuyển bộ cấu kiện, vật liệu phụ, đào, đắp đất, thi công lắp đặt hoàn thiện công trình. Công trình được các địa phương và nhân dân phấn khởi, tích cực tham gia đóng góp công sức để xây dựng.
Ông Nguyễn Trung Dũng, Chủ nhiệm Hợp tác xã Nông nghiệp Đại phú, Trưởng ban Quản lý công trình thủy lợi xã Đại Phú (Sơn Dương) cho biết: Lắp đặt hệ thống kênh mương bằng công nghệ đúc sẵn bê tông đã giảm rất nhiều công lao động, vật liệu xây dựng cho bà con xã viên. Ưu điểm vượt trội trong thi công kênh mương bằng công nghệ đúc bê tông còn thuận tiện cho việc nạo vét mương sau mỗi mùa vụ, đặc biệt là quá trình dồn điền đổi thửa, bà con chỉ cần nhấc các máng mương lên và di chuyển đến chỗ cần đặt, không phải phá bỏ đi như hệ thống mương xây bằng phương pháp thông thường.
Việc kiên cố hóa kênh mương không chỉ đảm bảo cấp nước phục vụ sản xuất theo mùa vụ của địa phương, còn kết hợp với quy hoạch kiến thiết đồng ruộng và các công trình hạ tầng kỹ thuật khác như đường giao thông nội đồng...
Nguồn: Báo Tuyên Quang điện tử