,

Dự báo thời tiết-PCLB- GNTT

Chủ động các biện pháp ứng phó thiên tai những tháng cuối năm 2022

Để chủ động các biện pháp phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả khi xảy ra thiên tai, hạn chế thấp nhất các thiệt hại về người và tài sản trong những tháng cuối năm, UBND tỉnh đã ban hành văn bản số 4140/UBND-KT về việc chủ động các biện pháp ứng phó thiên tai những tháng cuối năm 2022.

Theo đó, UBND tỉnh chỉ đạo và giao nhiệm vụ:

UBND các huyện, thành phố:

 - Theo dõi chặt chẽ diễn biến thiên tai; rà soát, cập nhật phương án ứng phó phù hợp với nhận định thiên tai những tháng cuối năm 2022, trong đó tập trung rà soát phương án sơ tán dân ứng phó với mưa lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất.

- Tổ chức kiểm tra, rà soát công tác chuẩn bị theo phương án ứng phó thiên tai đã xây dựng, nhất là đảm bảo an toàn hệ thống đê điều, hồ đập, hầm lò khai thác khoáng sản.

 - Củng cố, nâng cao năng lực, kỹ năng ứng phó cho lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai cơ sở để ứng phó kịp thời theo phương châm “bốn tại chỗ” ngay từ giờ đầu.

 - Chỉ đạo Đài truyền thanh, truyền hình và truyền thông cơ sở tăng cường thông tin về thiên tai, hướng dẫn kỹ năng ứng phó cho người dân, nhất là tại các thôn, bản.

Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Công an tỉnh có phương án bố trí sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để tổ chức ứng cứu kịp thời khi có yêu cầu.

Ảnh minh họa

Sở Giao thông Vận tải: Thông tin, cảnh báo tới chủ đầu tư các công trình giao thông, chủ các phương tiện giao thông đường thủy, khai thác khoáng sản trên sông biết thông tin về mưa, lũ để chủ động có biện pháp bảo đảm an toàn cho người, phương tiện, thiết bị và công trình; bố trí lực lượng để kiểm soát giao thông tại các khu đường bị ngập, bến đò, cầu tràn, tràn… để hướng dẫn người và phương tiện qua lại nhằm đảm bảo an toàn; tổ chức lực lượng, máy móc, trang thiết bị thường trực để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính, khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở chia cắt giao thông khi xảy ra mưa lớn.

Sở Tài nguyên và Môi trường: Chỉ đạo kiểm tra, rà soát, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn các hầm, lò khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh về thông tin, dự báo tình hình thiên tai để chủ động các biện pháp ứng phó với mưa lớn gây ra lũ quét, lũ ống, trượt, lở đất có thể xảy ra.

Sở Công Thương: Chỉ đạo các chủ hồ chứa thủy điện thường xuyên kiểm tra tình hình hoạt động của công trình, chủ động vận hành và điều tiết xả lũ theo quy trình vận hành đã được phê duyệt, sẵn sàng xử lý các tình huống có thể xảy ra.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Chỉ đạo các đơn vị quản lý công trình thủy lợi kiểm tra rà soát các công trình thủy lợi, đặc biệt đối với các hồ thủy lợi xung yếu, hồ chứa hạn chế tích nước và các công trình đang thi công; bố trí lực lượng thường trực để vận hành điều tiết và sẵn sàng xử lý các tình huống có thể xảy ra; hướng dẫn rà soát, chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, cây trồng vật nuôi để chủ động thích ứng, hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra.

Đài Khí tượng, Thủy văn tỉnh theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết; chủ động phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh để dự báo, thông báo kịp thời thông tin về thời tiết, mưa lũ để các địa phương biết, chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống có hiệu quả, bảo đảm an toàn tuyệt đối tài sản và tính mạng của người dân.

Các sở, ban ngành, thuộc tỉnh theo chức năng nhiệm vụ có trách nhiệm thực hiện và hướng dẫn, đôn đốc, phối hợp chặt chẽ với UBND huyện, thành phố, trong việc thực hiện chỉ đạo tại văn bản này, báo cáo, đề xuất kịp thời các biện pháp chỉ đạo với UBND tỉnh./.

Cổng thông tin điện tử tỉnh Tuyên Quang

Tin cùng chuyên mục